Đường sắt

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn phải chờ vốn

07/03/2017, 08:28
image

Dự án đường sắt đô thị HN, tuyến Cát Linh-Hà Đông đạt hơn 90% khối lượng xây lắp hạ tầng nhưng vẫn chờ vốn...

7

Tổ hợp 4 đầu máy, toa xe đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông đã được đưa lên raytừ cuối tháng 2 vừa qua

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông dù đã đạt hơn 90% khối lượng xây lắp hạ tầng (không bao gồm các hạng mục thiết bị) và theo kế hoạch sẽ vận hành thử vào đầu tháng 10. Tuy nhiên, tuyến đường vẫn đang chờ vốn thanh toán để có thể tăng tốc, đảm bảo đúng tiến độ.

Tiến độ cập nhật từng tuần

Cuối tháng 2, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông tiếp tục đạt dấu mốc mới khi đưa tổ hợp bốn đầu máy, toa xe đầu tiên lên đường ray chuẩn bị vận hành thử. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, đến ngày 1/10 dự án sẽ vận hành thử liên động toàn hệ thống từ 3 - 6 tháng trước khi đưa vào sử dụng. Để đạt mốc tiến độ trên, đơn vị quản lý dự án lập các mốc tiến độ rất chi tiết như: Đến ngày 31/3, hoàn thiện toàn bộ phần xây lắp trang trí kiến trúc; hoàn thành lắp đặt thiết bị trước ngày 31/7; đóng điện toàn tuyến ngày 1/9.

Theo ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt, tính đến ngày 5/3, dự án hoàn thành ước đạt khoảng 90,3%. Trong đó, đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng như: Đường ray, ghi chính tuyến, đường thử tàu; kết cấu bê tông, xây trát, kết cấu phụ trợ các nhà ga; tường phòng hộ, tiêu âm dọc tuyến... Hiện, công tác thi công đang tập trung ở khu depot, chế tạo và lắp đặt kết cấu thép tiền chế trong các nhà xưởng của khu depot và kết nối ga, hoàn thiện mẫu nhà ga La Khê để mô phỏng thực hành nhà ga. Về phương tiện, dự kiến tháng 4 - 5 tiếp tục đưa các toa xe còn lại của dự án về lắp đặt để phục vụ vận hành thử theo kế hoạch.

“Tiến độ dự án được cập nhật, báo cáo Bộ GTVT theo từng tuần. Tuy nhiên, 9 tuần gần đây, tiến độ xây lắp của dự án tiếp tục được duy trì nhưng ở mức thấp, do gặp khó khăn về vốn thanh toán cho tổng thầu”, ông Thành nói.

Xem thêm video:

Nước rút nhưng vốn tiếp tục chậm

Chia sẻ với Báo Giao thông, lãnh đạo Ban QLDA Đường sắt khẳng định, quyết tâm hỗ trợ, kêu gọi các nhà thầu huy động tổng lực nhân lực, thiết bị để đảm bảo tiến độ dự án. Thời gian này, tại các công trường của dự án đều có lực lượng thi công, tuy nhiên, số lượng nhân công của các nhà thầu phụ chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ. Lý do chính là nhà thầu phụ chậm nhận được kinh phí thanh toán từ phía tổng thầu, còn tổng thầu cũng không huy động được thêm kinh phí để thanh toán cho nhà thầu phụ. Trong khi đó, thủ tục giải ngân liên quan đến các bộ, ngành trong nước và đối tác phía Trung Quốc gặp một số vướng mắc và đang trong quá trình giải quyết, tháo gỡ.

"Ban QLDA Đường sắt đang phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính để Bộ Tài chính thống nhất với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc nhằm sớm đi đến ký kết hiệp định gia hạn, hiệp định vay vốn bổ sung để đảm bảo nguồn vốn cho dự án; Đồng thời, có văn bản đề nghị Tham tán kinh tế và Thương mại Trung Quốc tại Việt Nam hỗ trợ, đôn đốc tổng thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án”.

Tổng giám đốc Ban QLDA đường sắt Lê Kim Thành

Ông Lê Kim Thành cho biết: “Hiệp định vay vốn tín dụng ưu đãi bên mua giá trị 250 triệu USD có thời hạn rút vốn đến 31/12/2016. Trước thời điểm đó, khi hiệp định còn hiệu lực thì không giải ngân được khối lượng xây lắp hoàn thành do thiếu vốn kế hoạch nước ngoài giao cho dự án năm 2016. Năm 2017, khi đã có kế hoạch vốn giao, đến nay vẫn chưa hoàn thành các thủ tục gia hạn hiệp định, nên chưa rút được vốn thanh toán cho tổng thầu”.

Trong khi đó, việc thực hiện các thủ tục để hoàn tất hiệp định gia hạn cần nhiều bước, mà trở ngại là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc không có đại diện tại Việt Nam. Điều này khiến việc liên hệ, giải quyết các thủ tục chủ yếu qua thư điện tử mất nhiều thời gian. “Mặt khác, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chỉ coi Bộ Tài chính là đầu mối duy nhất để liên hệ, trao đổi công văn làm việc nên việc đàm phán hoặc có ý kiến với các điều khoản qua khâu trung gian rất khó khăn và mất nhiều thời gian”, ông Thành cho biết thêm.

Theo tìm hiểu của PV, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã khẩn trương đàm phán với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc để thống nhất các nội dung và đề xuất cấp có thẩm quyền hai nước về các nội dung rút vốn. Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT về việc gia hạn thời hạn rút vốn (đến 31/12/2017). Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng Chính phủ và đề nghị giao Bộ Tài chính ký dự thảo Thỏa thuận sửa đổi Hiệp định vay với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, nhằm đảm bảo vốn cho dự án.

img

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử vào tháng 9

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.