Đường sắt

Đường sắt đề xuất tách vận tải hàng hóa và hành khách

16/04/2018, 07:33

Theo đề án tái cơ cấu mới, Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất thành lập riêng các công ty vận tải...

3

Các công ty vận tải đường sắt hiện vẫn đang kinh doanh vận chuyển cả hành khách và hàng hóa - Ảnh: K.Linh

Nhập rồi tách

Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) đang trình Bộ GTVT đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt VN giai đoạn 2017-2020, trọng tâm là sắp xếp lại các đơn vị vận tải với mục đích tăng năng lực vận tải, tăng thị phần đường sắt.

Trước đó, tại cuộc họp về vấn đề này vào tháng 1/2018, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, quan điểm nhất quán là phải tách vận tải hàng hóa ra khỏi vận tải hành khách để chuyên môn hóa. Tuy nhiên, phải tính toán chọn phương án tối ưu để ít xáo trộn nhất, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

"Sau khi chuyển đổi mô hình, hoạt động vận tải đường sắt phải hiệu quả hơn. Mô hình mới không phù hợp với thực tiễn sẽ dẫn đến kéo dài sự trì trệ của ngành Đường sắt. Đề án tái cơ cấu lần này phải trên cơ sở tiếp thu, điều chỉnh theo những kết luận của Thanh tra Chính phủ về công tác tái cơ cấu giai đoạn vừa qua. Tất cả các nội dung trong đề án phải phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, nếu không các cơ quan, đơn vị sẽ phải chịu trách nhiệm”.

Bộ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Văn Thể

Tại báo cáo điều chỉnh đề án mới nhất, VNR đề xuất phương án tổ chức hợp nhất hai công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội thành một công ty CP vận tải đường sắt. Sau đó, từ công ty hợp nhất, sẽ thực hiện phân chia, bóc tách tổ chức, lao động, vốn, tài sản để thành lập công ty con CP chuyên kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt và thực hiện kêu gọi vốn góp xã hội hóa. Còn với công ty hợp nhất sẽ chuyên về vận tải hành khách và có lộ trình thoái tỷ lệ vốn góp của VNR (vốn Nhà nước) xuống còn 51%.

Lý giải về đề xuất chọn phương án sáp nhập rồi lại bóc tách này, Chủ tịch HĐTV VNR Vũ Anh Minh cho biết, nếu thực hiện sắp xếp, tổ chức lại 2 công ty CP vận tải hiện tại thành một công ty chuyên vận tải hàng, một công ty chuyên vận tải khách sẽ phức tạp hơn. Vì theo luật, đã là công ty cổ phần, muốn chuyển tài sản sang công ty khác sẽ phải định giá lại, rao bán trên thị trường, đấu giá công khai.

“Ai dám khẳng định là công ty vận tải này sẽ mua được phần tài sản đó của công ty kia. Chưa kể, với tình hình tài chính èo uột hiện nay, các công ty vận tải lấy đâu ra tiền để mua. Mặt khác, về lao động, cũng không thể chuyển ngang mà phải thanh lý hết hợp đồng lao động và trả hết chi phí lao động, mất khoảng trên 100 tỷ”, ông Minh phân tích.

Cũng theo ông Minh, với phương án hợp nhất, doanh nghiệp hợp nhất sẽ kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của 2 công ty vận tải, không phải mua bán tài sản, chi trả cho người lao động. Sau khi hợp nhất, tách ra thành lập doanh nghiệp con là quyền của doanh nghiệp. Như vậy sẽ nhanh hơn mà vẫn đảm bảo mục đích tách bạch vận tải hàng hóa và hành khách.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội Đỗ Văn Hoan cho biết, phương án mà VNR đề xuất có thể thực hiện nhanh, giúp các công ty sớm ổn định tổ chức, tránh xáo trộn nhiều về tài chính, nhân lực, lao động để có thể tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển vận tải đường sắt, tăng thị phần.

Có chuyển giao đầu máy cho các công ty vận tải?

Nên hay không nên chuyển giao toàn bộ sức kéo (đầu máy) cho các công ty vận tải trong giai đoạn hiện nay là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đơn vị đường sắt. Đa số cho rằng nên phân bổ sức kéo về các công ty vận tải. “Như vậy sẽ đảm bảo tính chủ động cho các doanh nghiệp này và họ có trách nhiệm hơn trong sử dụng tiết kiệm, hiệu quả sức kéo”, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải nêu quan điểm.

Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh cho rằng, nếu chuyển giao cũng nên triển khai vào giai đoạn sau 2020. Lý do, theo ông Minh, giai đoạn hiện nay các công ty vận tải đường sắt rất khó khăn về tài chính. Giá trị trên sổ sách có tổng số 294 đầu máy VNR đang quản lý chỉ khoảng 646 tỷ đồng do nhiều đầu máy đã hết khấu hao. Nếu phân bổ cho các công ty cổ phần sẽ phải định giá lại tài sản theo luật định. Khi đó, giá trị sẽ tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng, sẽ là gánh nặng cho các công ty vận tải khi phải trích doanh thu chi cho khấu hao.

Vì vậy, VNR đề nghị Bộ GTVT cho phép VNR tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quản lý trực tiếp các chi nhánh xí nghiệp đầu máy như hiện nay và sắp xếp thu gọn lại đầu mối 5 xí nghiệp thành 3 xí nghiệp để tăng hiệu quả vận dụng, giảm giá thành vận tải đường sắt.

Trước đề xuất này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, phương án nào cũng cần tính toán kĩ, xây dựng đề án tái cơ cấu phải tính toán lâu dài, toàn diện, chứ không thể vài ba năm, sau 2020 lại sắp xếp. Mô hình lý tưởng nhất vẫn là đưa sức kéo về các công ty vận tải. Còn giai đoạn hiện nay có thể thành lập một công ty chuyên sức kéo riêng để tự kinh doanh, tránh độc quyền, không minh bạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.