Đường sắt

Đường sắt kết nối tại các khu vực đầu mối đô thị thế nào 10 năm tới?

06/12/2021, 19:53

Quy hoạch đường sắt định hướng mạng lưới đường sắt kết nối tại các khu vực đầu mối đô thị 10 năm tới.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng đã định hướng các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt các khu vực đầu mối lớn kết nối với đường sắt quốc gia 10 năm tới.

Theo đó, tại khu đầu mối Hà Nội, đường sắt quốc gia qua Hà Nội đi theo các tuyến vành đai phía Đông kết nối Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi và vành đai phía Tây kết nối Ngọc Hồi - Thạch Lỗi (không đi vào trung tâm TP. Hà Nội). Các đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên và Gia Lâm - Lạc Đạo chuyển thành đường sắt đô thị sau khi tuyến vành đai phía Đông đưa vào khai thác.

img

Bản đồ quy hoạch đường sắt đầu mối TP. HCM 10 năm tới

Đối với tuyến đường sắt đô thị số 1 từ Yên Viên đi Ngọc Hồi, Thủ tướng giao UBND TP. Hà Nội chủ trì nghiên cứu, đầu tư.

Các ga đầu mối kết nối đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị khu vực Hà Nội gồm: Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Yên Viên, Bắc Hồng. Trong đó, tổ hợp ga Ngọc Hồi là điểm đầu của tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - TP.HCM có chức năng ga lập tàu của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và khu đề-pô của đường sắt đô thị.

Tư vấn lập quy hoạch cho biết, trước mắt đường sắt quốc gia tiếp tục đi xuyên tâm (qua ga Hà Nội) nhưng có điều tiết và đi theo tuyến Bắc Hồng - Văn Điển hiện có. Tuy nhiên, về lâu dài không bố trí đi xuyên tâm vì chức năng vận chuyển hành khách đã có đường sắt đô thị đảm nhận. Do đó cần đầu tư xây dựng sớm đoạn tuyến vành đai đường sắt phía Đông cùng ga tổ hợp Ngọc Hồi là ga lập tàu, kết nối cả đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị.

Còn tại khu đầu mối TP.HCM, đường sắt quốc gia khu vực TP.HCM gồm tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM hiện có (điểm cuối tại ga Sài Gòn), đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (điểm cuối tại ga Thủ Thiêm), tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu (có điểm đầu tại ga Trảng Bom).

Các tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, TP.HCM - Tây Ninh kết nối với đường sắt Hà Nội - TP.HCM thông qua đoạn tuyến An Bình - Tân Kiên. Chuyển đoạn Bình Triệu - Sài Gòn (Hòa Hưng) thành đường sắt đô thị sau khi hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Kết nối từ ga Thủ Thiêm đến cảng hàng không Tân Sơn Nhất thông qua đường sắt đô thị.

Ga đầu mối hàng hóa tại khu vực này là ga Trảng Bom, An Bình, Tân Kiên; Ga đầu mối hành khách là ga Thủ Thiêm, Bình Triệu, Tân Kiên.

Tại đường sắt khu vực Đà Nẵng, Quy hoạch định hướng di dời ga Đà Nẵng hiện nay ra khỏi trung tâm thành phố về phía Tây nhà ga hiện tại, đồng thời cải tạo tuyến đường sắt hiện có đi song song về phía Đông đường bộ cao tốc, trong cùng hành lang với đường sắt tốc độ cao. Xây dựng nhà ga hàng hóa tại khu vực Kim Liên để kết nối với cảng Liên Chiểu.

Theo Quy hoạch mới, tuyến đường sắt vành đai phía Đông TP. Hà Nội đoạn Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng - Thạch Lỗi (dài 59km, khổ 1000mm và 1435mm) và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (dài 38km, khổ 1435mm) là 2 trong 9 tuyến đường sắt mới thuộc danh mục dự án quan trọng quốc gia được ưu tiên bố trí vốn triển khai thời kỳ đến năm 2030.

Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng đến năm 2030 triển khai 9 tuyến đường sắt mới tổng chiều dài 2.362 km.

Bao gồm: Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm; Tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân; Tuyến vành đai phía Đông TP. Hà Nội từ Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng; Tuyến Hà Nội - Hải Phòng (thuộc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng) song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Cùng đó là các tuyến kết nối vùng, kết nối quốc tế: Tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ; Tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu; Tuyến TP.HCM - Cần Thơ; Tuyến TP.HCM - Lộc Ninh; Tuyến Thủ Thiêm - Long Thành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.