Góc nhìn

Facebook bị tố thiếu minh bạch trong quảng cáo chính trị

07/02/2018, 15:24

Facebook Inc đang vi phạm “luật tài chính liên quan đến chiến dịch vận động tranh cử” của thành phố...

23

Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg xin lỗi mọi người vì Facebook đã phát tán những thông điệp gây chia rẽ

Ngày 5/2, cơ quan bầu cử của TP Seattle, bang Washington (Mỹ) cho hay, Facebook Inc đang vi phạm “luật tài chính liên quan đến chiến dịch vận động tranh cử” của thành phố, trong đó, yêu cầu tiết lộ danh tính người đã bỏ tiền mua những quảng cáo chính trị có liên quan đến bầu cử.

Đây được cho là nỗ lực đầu tiên của 1 chính quyền cấp thành phố của Hoa Kỳ trong việc tuân thủ những quy định về cấm tuyệt đối các quảng cáo chính trị trên môi trường internet tại Mỹ.

Facebook có nguy cơ mất hàng nghìn USD

Reuters ngày 6/2 dẫn lời ông Wayne Barnett, Giám đốc điều hành của Ủy ban Đạo đức và Bầu cử Seattle cho biết, Facebook phải tiết lộ chi tiết về khoản tài chính trong các cuộc bầu cử TP Seattle năm ngoái hoặc phải đối mặt với những hình phạt.

Mức phạt có thể lên đến 5.000 USD cho mỗi hợp đồng mua – bán quảng cáo mà mạng xã hội này đã tham gia. Quan chức Seattle cho biết thêm rằng, ông sẽ thảo luận các bước tiếp theo trong tuần này với luật sư thành phố.

Phản ứng lại tuyên bố của ông Barnett, Facebook đã không đề cập gì đến việc công ty này sẽ bị phạt như thế nào. Công ty Phần mềm công nghệ với mạng xã hội lớn nhất thế giới cho rằng, họ đã gửi một số dữ liệu về các khoản tài chính nhận được sau mỗi quảng cáo.

Ông Will Castleberry, Phó chủ tịch Facebook khẳng định, Facebook luôn ủng hộ mạnh mẽ tính minh bạch trong quảng cáo chính trị. Đáp lại yêu cầu của Ủy ban Đạo đức và Bầu cử Seattle, chúng tôi đã cung cấp thông tin có liên quan.

Tuy nhiên, ông Barnett cho biết, đến nay, Facebook chưa thực hiện đủ nghĩa vụ của họ. Công ty này cung cấp một phần số liệu tài chính, nhưng không phải là bản sao của các hóa đơn quảng cáo hoặc dữ liệu về nhóm người mà họ đang nghi ngờ và nhắm đến.

Trung tâm vấn đề gây tranh cãi này là một điều luật năm 1977 yêu cầu các công ty bán quảng cáo liên quan đến các hoạt động vận động bầu cử phải công khai.

Chẳng hạn như việc tuyên truyền trên các đài phát thanh, duy trì các tài liệu trên mạng internet phải có tên, tuổi của những người đứng sau, đặc biệt là những cá nhân trực tiếp đặt mua quảng cáo. Việc họ thanh toán ra sao cho hoạt động này cũng cần phải được kiểm tra.

Tuy nhiên, luật này đã không được áp dụng đối với các công ty công nghệ cho đến khi một tờ báo địa phương có tên The Stranger xuất bản một bài báo vào tháng 12/2017 trong đó đề cập nội dung “các lý do Nga viện cớ chối bỏ cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016”.

Ủy ban Đạo đức và Bầu cử Seattle đã gửi thư cho Facebook và Google yêu cầu họ cung cấp dữ liệu. Các bên đã thảo luận và tháng trước, nhân viên của Facebook đã gặp mặt với nhân viên của ủy ban.

Ông Barnett cho biết, Ủy ban bầu cử đã cho Facebook đủ thời gian để tuân thủ luật pháp. Ủy ban này cũng đang xử lý yêu cầu thêm thời gian của Google trong việc minh bạch các quảng cáo liên quan đến chính trị.

Quảng cáo chính trị nở rộ

Quảng cáo chính trị trên internet đã nở rộ tại Mỹ trong những năm gần đây trong bối cảnh các chính trị gia nước này tìm kiếm nhiều phương thức khác nhau để tiếp cận những người ủng hộ họ.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, mua các quảng cáo bầu cử trực tuyến còn dễ hơn cả việc lập một thẻ tín dụng. Luật liên bang của Mỹ hiện không bắt buộc những người bán quảng cáo trực tuyến như: Facebook, Alphabet Inc (công ty mẹ của Google) hay YouTube tiết lộ danh tính của người mua.

Việc không kiểm soát được nội dung, mục đích các quảng cáo chính trị trực tuyến tại Mỹ đã thu hút sự chú ý vào năm 2017 sau khi Facebook cho biết, người Nga sử dụng tên giả mạo mua quảng cáo trên mạng xã hội để phát tán các thông điệp gây chia rẽ nhằm thao túng cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Theo báo cáo của Facebook, có khoảng 80.000 nội dung đăng tải trên 120 trang tài khoản do phía Nga quản lý trong khoảng thời gian trước và sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, Moscow đã nhiều lần phủ nhận việc cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử đó.

Dưới áp lực ngày một gia tăng về minh bạch các quảng cáo liên quan đến vận động chính trị, pháp luật Mỹ đang chờ mở rộng các quy tắc liên bang về quảng cáo chính trị trên truyền hình và đài phát thanh cũng như trên internet, còn các công ty công nghệ đã công bố kế hoạch tự nguyện tiết lộ một số dữ liệu.

Vào tháng 9/2017, Giám đốc điều hành Facebook, Mark Zuckerberg cho biết công ty ông sẽ “tạo ra một tiêu chuẩn mới cho tính minh bạch trong các quảng cáo chính trị trực tuyến”.

Cùng với việc triển khai một kho dữ liệu trên mạng (có thể tra cứu được thông tin chi tiết về quảng cáo chính trị trực tuyến), Facebook cho biết trong tương lai, các nhà quảng cáo sẽ được yêu cầu nêu rõ các thông tin quảng cáo nào là quảng cáo chính trị với việc gắn kèm dòng chữ “quảng cáo do ai thực hiện” bên cạnh những nội dung đó.

Ngoài ra, ông Zuckerberg cũng cho biết, Facebook đang tăng cường một số phần mềm nhằm ngăn chặn các Chính phủ sử dụng mạng xã hội lớn nhất thế giới này để can thiệp vào các cuộc bầu cử.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.