Thể thao

Gặp lại “Con báo” của làng vật cổ truyền Kinh Bắc

17/02/2018, 09:10

Ở tuổi ngoài 80, ông Dương Quang Tư vẫn nhớ như in những tháng ngày lăn lộn trên khắp các sới vật...

99

Ông Dương Quang Tư

Ở tuổi ngoài 80, ông Dương Quang Tư vẫn nhớ như in những tháng ngày lăn lộn trên khắp các sới vật Hà Bắc - Kinh Bắc. Ông là một người con ưu tú trong lò vật truyền thống của gia đình ở Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang).

Được huy chương không thích bằng… vật dụng, đồ ăn

Tìm về huyện Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang), hỏi ông Dương Quang Tư, người ta nhớ ngay đến nhân vật từng là nỗi ám ảnh với nhiều đô vật ở khắp tỉnh Hà Bắc (Bắc Giang và Bắc Ninh ngày nay) vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Hiện nay, ông đã ngoài 80 tuổi. Kể về những năm tháng tuổi trẻ tham dự các sới vật, các cuộc thi đấu lớn nhỏ, ánh mắt ông lại hấp háy niềm vui. Ông khoe có ba Huy chương Vàng, một Huy chương Bạc khi thi đấu vật cổ truyền ở tỉnh Hà Bắc.

"Trên cơ sở hồ sơ và căn cứ vào những đóng góp thực tế cho lĩnh vực di sản, ông Tư là người có đạo đức uy tín trong làng, xã, luôn là người được chọn vật thờ trong các lễ hội làng tại địa phương. Ông cũng có nhiều kỹ năng, nhiều “miếng” vật cổ độc đáo. Đây là nghệ nhân có cơ sở, điều kiện tốt để vinh danh Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể, thuộc loại hình di sản văn hóa phi vật thể về tập quán xã hội, tín ngưỡng. Cụ thể là nghệ nhân trình diễn vật thờ."

Ông Đỗ Tuấn Khoa
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang

Thời trai trẻ chàng trai Dương Quang Tư chỉ gần 60 kg đã quật ngã các đối thủ trên cân nặng, mang lại nhiều chiến thắng. Nhưng giải thưởng khi ấy cũng chỉ là cái đèn pin, cuốn họa báo, khi lại chỉ được cái khăn mặt, phích nước hoặc xoong, nồi, chum vại, cày bừa, lốp xe đạp. Nhiều phần thưởng, ông vẫn giữ làm kỷ niệm đến tận bây giờ. Chia sẻ chuyện cũ, ông thật thà: “Hồi ấy đói khổ, huy chương vàng hay bạc cũng không quý giá lắm vì chẳng để làm gì, nếu mà được đồ ăn thì thích hơn nhiều”.

Có điều lạ, trong gia đình không chỉ ông là tay vật có tiếng. Anh trai ông là Dương Quang Kha cũng là tay vật lừng danh trong làng vật cổ truyền tỉnh Hà Bắc. Nên cứ ở lễ hội nào hai anh em tham gia, y như rằng giải thuộc về một trong hai người. Có lần, huyện Tân Yên (Bắc Giang) mở hội vật, phần thưởng khi ấy là một con dê. Hai anh em đạp xe lên xin tham dự. Biết tiếng tăm của cặp đôi này, Ban tổ chức nhất định từ chối với lý do người ngoài huyện.

Ông Tư kể, có dịp tham gia hội vật khánh thành nhà bia Thọ Điền ở huyện Tân Yên, ông Tư được Ban tổ chức giới thiệu là “con báo” của Hiệp Hòa và xếp cặp thi đấu với một đô vật đã từng tham gia giải vật cấp tỉnh. Đô vật cao, to hơn ông cả gần chục cân nên ông phải áp dụng mẹo “khóa đầu” đối thủ. Không khí quanh sân hội nóng hừng hực, người dân chen chúc nhau xem khiến BTC suýt “vỡ trận”. Ông đã dùng miếng sườn gánh gia truyền để quật ngã đối thủ tới hai keo liên tiếp để giành giải nhất.

Cặp đôi anh em Kha - Tư danh nổi như cồn cả một vùng, cả hai anh em được chọn đi tập huấn cho cuộc thi vật năm 1966 toàn miền Bắc. Ông Tư đã giành Huy chương Vàng các năm 1967, 1968, 1979.

100

Hội vật truyền thống làng Ngọc Thành

Gia đình bốn đời vật gia truyền

Những năm 1950, gia đình ông Tư được xếp vào hàng gia đình địa chủ. Không chỉ bị dân làng cô lập, gia đình ông bị lấy hết tài sản từ gạo thóc, ruộng đất, nhà cửa. Ông và người mẹ già phải dựng tạm túp nhà tranh sinh sống. Hàng ngày, hai mẹ con đi mót khoai, sắn về ăn sống qua ngày. Cả việc lấy vợ, cũng phải đến khi Nhà nước sửa sai việc quy địa chủ, ông cụ thân sinh của vợ ông mới cho con gái về nhà chồng. Ông cười buồn: “Bố vợ tôi là đảng viên, nên khi chấp nhận gả con gái cho tôi vẫn lo lắng lắm. Bà ấy về đây, phải đi buôn nước mắm, muối để kiếm sống”. Thậm chí, anh em ông Kha - Tư dù là những đô vật nổi tiếng nhưng bị làng không cho tham gia lễ hội làng. Cũng bởi thế, ông Tư thừa nhận, dù đã chinh chiến khắp các sới vật, nhưng riêng ở làng mình, ông chưa một lần thi đấu. Tủi thân và ấm ức, ông cùng một số anh em cùng cảnh ngộ sang làng khác chơi hội. Mãi sau này, khi đã nghỉ đấu vật vì có tuổi, ông Tư mới được tham gia hội vật ở làng. Cũng từ đó, ông luôn được chọn là người trình diễn vật thờ khai mạc lễ hội truyền thống làng Ngọc Thành. Đây là hội làng có lịch sử lâu đời và nổi tiếng với sới vật diễn ra trong 3 ngày từ mùng 9 đến 11 tháng Giêng hàng năm thu hút hàng trăm ông đô khắp mọi nơi.

Ông Dương Quang Tư sinh năm 1938 tại làng Ngọc Thành, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Trong hồ sơ đề nghị công nhận Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Bắc Giang đợt 2/2018, ông có nhiều thành tích như: 70 năm hoạt động trong nghề (từ năm 1947 đến nay), đoạt ba Huy chương Vàng cấp tỉnh các năm 1967, 1968, 1969. Ngoài ra, ông còn truyền dạy khoảng 200 học trò với nhiều học trò đoạt giải cao tại các cuộc thi đấu toàn quốc như Giải Vật trẻ toàn quốc 2005, Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc… Ngoài ra, một học trò của ông Tư là ông Dương Quang Hường (cháu gọi ông Tư là chú ruột) được công nhận là VĐV cấp kiện tướng quốc gia môn vật.

Ông nhớ lại thời điểm phải nghỉ đấu vật do sức trai có hạn, cuộc sống gia đình đẩy ông phải lo đủ miếng cơm cho 9 miệng ăn. Ban ngày đi làm đồng, ban đêm ông đạp xe đi đánh cá, sáng về mệt mỏi đến phờ phạc. Ông khen ngợi người vợ đảm đang, luôn đồng lòng với chồng không than vãn nửa lời. Khi chúng tôi gặp ông Tư, cũng là lúc vợ ông mới qua đời. “Ngày trước, hai ông bà ở trong làng bầu bạn còn vui. Bây giờ sống với con nhưng cũng buồn lắm. Tôi cũng già yếu rồi, chỉ quanh quẩn ở nhà hoặc ra cổng ngồi chơi”, ông ngậm ngùi.

Sau chén trà, một hồi ông Tư khoe, gia đình bốn đời có truyền thống đấu vật, từ đời cha ông tới đời cháu hiện nay. Các con trai và cháu trai của ông, nhiều người từng đạt thành tích cao khi thi đấu vật ở tỉnh Bắc Giang. Thậm chí, con trai của ông cũng từng đoạt Huy chương Vàng khi thi đấu toàn miền Bắc. Họ đều được ông chỉ dạy những mánh, miếng để có lợi thế nhiều nhất khi bước vào sới vật.

Ông cười khà khà: “Vào sới vật, ngoài sức khỏe cũng phải có “miếng”. Gồng, sườn, bốc đều phải biết để khi vào sới vật, tùy trường hợp, tùy đối thủ của mình mà vận dụng. Cái này phải chỉ dạy trực tiếp, nói không cũng khó”.

Đích thân ông cũng là người dạy con, cháu các miếng mẹo khi đấu vật. Cứ hôm nào sáng trăng, mọi người lại cùng nhau tập luyện. Nhưng trong số các cháu mà ông chỉ dạy, chỉ có cháu trai Dương Quang Khang vận dụng khá tốt những miếng mà ông chỉ dạy. Khang có vóc dáng nhỏ như ông nhưng nhanh nhẹn. Cậu từng giành huy chương khi tham gia vật ở Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.

Năm 2015, ông Tư được đề cử phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Thời điểm này, ông Kha (anh trai ông Tư) là người duy nhất của tỉnh Bắc Giang được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Bắc Giang. Nhưng do hai anh em cùng được đề cử sẽ không hay, ông Tư chấp nhận tạm rút đề cử để nhường cơ hội cho anh trai. Năm nay, ông cũng vừa được tỉnh Bắc Giang làm hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Với ông, đó là một sự khích lệ, an ủi những cống hiến suốt những năm tháng tuổi trẻ cho nền văn hóa, thể thao cổ truyền của nước nhà.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.