Tâm sự

Gặp lại nhân vật chính bài thơ Gửi em, cô thanh niên xung phong

20/08/2017, 07:21

Nữ TNXP Lê Thị Nhị đã bước vào thơ của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng.

14

Cựu TNXP Lê Thị Nhị

Cô thanh niên xung phong Thạch Nhọn, có cái “miệng ngoa nhất đám” như cố nhà thơ Phạm Tiến Duật viết trong bài thơ “Gửi em, cô thanh niên xung phong” giờ đây đã là bà lão 70 tuổi, mái tóc điểm bạc cùng làn da sạm đen vì “sóng gió” và thời gian.

Tuổi xuân em dành cho đất nước

Bà có tên đầy đủ là Lê Thị Nhị (SN 1946, ở làng chài Xuân Phượng, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh); trong một gia đình có 5 chị em. Khi bà được 1 tuổi, cha đi vận tải ở Thanh Hóa thì bị địch bắn chết. Đến năm 1945, khi cơn đói tràn về khắp miền quê, ba anh chị trước của bà đều không qua được, chỉ có người chị đầu là thoát. Mẹ bà cũng từ đó “tay thúng tay mẹt” ra bám gò biển này mưu sinh.

Năm 1967, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà viết đơn tình nguyện vào thanh niên xung phong (TNXP) ở Khe Giao. Nhà vốn đã neo người, mẹ bà thương con phận gái, nên không cho đi, nhưng bà giấu mẹ, chờ cho đến tối khuya khăn gói trốn nhà đi làm cách mạng.

Bà Nhị kể, năm 2000, nhà thơ Phạm Tiến Duật có gọi điện mời bà ra Hà Nội chơi nhưng lúc đó bà bận, lại ngại nên không đi. Sau đó, cho đến năm 2005, khi nghe tin nhà thơ ốm nặng, bà mới ra thăm. Lúc cô TNXP năm xưa ra Hà Nội, tới bên giường bệnh, thì anh lái xe năm nào không còn nói, còn hỏi được nữa. Rồi cô ghé sát vào tai anh lái xe, không phải câu đùa dí dỏm mà là: “Anh Duật ơi, em là Nhị, cô gái TNXP ở Thạch Kim…Thạch Nhọn nghe tin anh ốm nên ra thăm đây”. Anh Duật từ từ mở mắt rồi đưa tay ra nắm lấy bàn tay cô TNXP năm xưa mà anh “không nhìn rõ mặt” nhưng để rồi đến suốt cuộc đời vẫn tự hỏi “có lẽ nào anh lại mê em”. Sau lần gặp đó ít ngày, nhà thơ Phạm Tiến Duật đã trút hơi thở cuối cùng. 

Năm 1968, bà gia nhập đội phá bom cảm tử đoạn đường xã Nhân Lộc, cách Đồng Lộc chừng 3km. Tuyến đường 15A ngày đó bị giặc đánh phá ác liệt, khu vực ngã ba Đồng Lộc được ví như túi bom của cả nước. Để cho các đoàn xe kịp ra chiến trường, bà đã cùng đồng đội ngày đêm bám đường, phá bom. Và chính trong một lần làm nhiệm vụ, nữ TNXP Lê Thị Nhị đã bước vào thơ của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng.

Đó là một tối năm 1968, đơn vị bà làm nhiệm vụ như bao ngày khác: Phá bom, san lấp hố, thông đường cho xe qua. Đúng lúc ấy, một đơn vị lính của Binh đoàn 559 từ trong miền Nam ra. Trong giây phút ngắn ngủi lưu lại chờ thông đường, có một người lính lái xe, dưới ánh pháo sáng trông còn rất trẻ, có gương mặt đẹp, chiếc mũi cao và miệng cười rất duyên, nói giọng Bắc thật ngọt. Chú bộ đội đó nhảy từ trên xe xuống hỏi chuyện làm quen. “Khi chú ấy hỏi tui quê ở mô thì tui nói: “Quê em ở Thạch... Nhọn!”. Chú bộ đội ấy ngơ ngác rồi thắc mắc: “Thạch Nhọn là đâu?”. “Lúc đó, chúng tui cười ồ lên. Thạch Kim là Thạch Nhọn đó, có vậy cũng không hiểu được”, bà Nhị nhớ lại.

Cuộc trò chuyện vui vẻ ngắn ngủi chỉ đến đó thì đường thông, những người lính lại lên đường. Ấy vậy mà người lính đẹp trai Phạm Tiến Duật lại đưa vào bài thơ rất hay: Em ở Thạch Kim sao em đùa bảo anh là Thạch Nhọn/Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón/Cái miệng em ngoa cho bạn em cười giòn/Giọng Hà Tĩnh buồn cười đáo để...”.

Khi bài thơ Gửi em, cô thanh niên xung phong của anh Phạm Tiến Duật đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, bà Nhị đang làm nhiệm vụ ngoài đường thì có lệnh của Đại đội trưởng kêu về gấp. Đại đội trưởng nghiêm nghị nói: “Nói chi mà để người ta đọc trên đài nói lừa Thạch Nhọn với Thạch Kim rứa? May họ là nhà thơ chứ cán bộ thì o tội to lắm vì làm ảnh hưởng đến chính trị địa phương”.

“Lúc đó tui rất sợ, ngồi im một lúc lâu mới giải thích được. Rồi năn nỉ xin Đại đội trưởng có kỉ luật thì cũng cho ở lại chăn trâu bò chứ đừng đuổi về vì trốn mẹ đi, nay bị đuổi về thì mang tội với mẹ, làng xóm lắm…”, bà Nhị nhớ lại.

15

Các thanh niên xung phong lấp hố bom thông đường cho xe ra chiến trường (Ảnh tư liệu)

Để rồi 70 tuổi vẫn là con của mẹ…

Sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân nơi chiến trường, bà mang thương tật trở về với gò biển quê mình, nơi có người mẹ già ngày đê trông ngóng… Cũng từ đó, hai mẹ con bà quanh quẩn bên gánh hàng nhỏ nuôi sống nhau qua ngày.

Chiến trường trở về, bà không còn là cô gái đôi mươi nữa. Mẹ già thương con, thúc giục con gái kiếm lấy tấm chồng cho đỡ hiu quạnh. “Nhưng số phận cứ như trêu tui”, người nữ TNXP đã nhiều năm cống hiến cho chiến trường ấy chia sẻ. Người bà Nhị thương thì ngại chuyện “ở rể” không dám quyết, người thương bà thì bà lại không thương được.

“Chị gái đã lấy chồng xa, mẹ chỉ còn tôi là chỗ dựa, lấy chồng mà phải xa mẹ thì tôi không làm được…”, bà nghẹn lại. Để rồi cứ thế, khi mẹ mất (năm 2002), người con gái đã gần 70 tuổi vẫn là con gái của mẹ.

Mẹ mất, còn mình bà lủi thủi qua ngày với mớ hàng rong bán nơi gò biển, lâu lâu lại qua người chị gái để tìm chút tình thân. Nhưng rồi chị gái bà cũng mất sau đó, đời bà lại thêm hiu quạnh.

Gạt đi giọt nước mắt khi chạm vào vết thương lòng, bà trở về thực tại với nỗi lo mưu sinh. Cuộc sống hiện tại của bà khá khó khăn: Căn nhà cấp 4 được xây dựng từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm; trong nhà duy mỗi cái tivi cũng được các mạnh thường quân biếu là tài sản có giá trị; mức phụ cấp cho thương binh loại 4/4 mà bà hưởng chỉ được mấy trăm ngàn một tháng; gánh hàng rong nơi gò biển mỗi ngày cũng chẳng là bao. Nhất là vừa qua làng biển quê bà lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ sự cố môi trường Formosa Hà Tĩnh, người đi biển ít, kéo theo gánh hàng của bà ngày một ít khách.

“Giờ còn có sức, còn bám lấy được gánh hàng vụn vặt này để qua ngày, chỉ sợ vài năm nữa già yếu không đẩy được xe hàng đi bán thì quả thật tui không biết trông cậy vào ai nữa chú à”, bà Nhị tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.