Xã hội

Gặp người đàn ông từng ăn ngủ bên thi thể vợ

29/05/2016, 20:53

13 năm qua, chuyện ông Lê Vân ôm bức tượng vợ ngủ không còn lạ với người dân trên địa bàn.

4

Hàng ngày, ông Vân kiếm sống bằng nghề làm hương tại nhà - Ảnh: Hải Dương

Chính quyền địa phương cho rằng đã tuyên truyền, vận động ông Vân trả hài cốt vợ về phần mộ. Nhưng ông Vân vẫn khẳng định chắc nịch: Trong tượng có xương cốt vợ mình.

Từ mặt con, dọa tự tử nếu không ở bên xác vợ

Căn nhà cấp 4 của ông Vân nằm nép bên ngã ba Cây Cốc, thuộc tổ 12, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình. Hàng ngày, ông Vân cặm cụi với nghề truyền thống sản xuất hương để bán cho các đại lý ngoài Đà Nẵng, Quảng Nam. Năm nay đã 62 tuổi, nếp da nhăn nheo, mái tóc điểm bạc, ông Vân không hề úp mở chuyện mình vẫn hàng đêm ngủ bên xác vợ, chỉ tay vào căn buồng phía trong, niềm nở với khách lạ: “Bà ấy vẫn nằm trong nớ. Không ai ngăn cách được chúng tôi cả”.

Sau lớp rèm cửa cũ kỹ, trong căn phòng ngủ lập lòe ánh điện, một dáng người phụ nữ làm bằng thạch cao, đất sét được mặc bộ quần áo ngay ngắn, nằm thẳng đuột trên chiếc giường. Ông Vân rảo bước đi vào, cẩn thận sửa lại nếp áo cho bức tượng rồi quay ra. Từ tốn nhấp ngụm nước trà, ông Vân kể hành trình lập gia đình, rồi đưa vợ từ mộ phần lên “thiên táng”.

Hiện tại, phần mộ gió của vợ ông Vân nằm ở nghĩa trang Bàn Than, thị trấn Hà Lam. Sau khi mang hài cốt vợ về nhà, gia đình ông Vân cho xây lại phần mộ bằng xi măng. Thời điểm PV thăm mộ, ngôi mộ bà Sang lọt thỏm giữa nhiều ngôi mộ khác, khá cũ kĩ vì ít được chăm sóc. Đất bốn phía đã có dấu hiệu sụt xuống nhiều, cây cối quanh mộ khá rậm rạp. Được biết, vì khá bận với nghề làm hương, cha con ông Vân rất ít lên thăm mộ. Mà quan trọng hơn, theo ông Vân, bà Sang đã ở nhà với ông nên việc lên mộ cũng không mấy quan trọng nữa (?)

Năm 1975, ông Vân cưới bà Phạm Thị Sang (sinh năm 1950) cùng trú tại thị trấn Hà Lam bây giờ. Việc cưới vợ là do mẹ ông ấn định. Trước ngày cưới, ông chỉ gặp bà có một, hai lần, hai bên gia đình sắp đặt hôn sự chứ lúc đó bản thân ông chưa biết yêu là gì. Nhưng lấy nhau rồi, ông lại rất yêu thương vợ mình. Quanh năm với nghề chẻ đá, phu hồ, làm nông, cuộc sống gia đình ông Vân vất vả nhưng khá yên ấm với 7 người con. Điều ông Vân đau đáu nhất khi ngày vợ mất (3/2/2003), ông chỉ kịp nhìn mặt bà lần cuối trong ít phút ngắn ngủi. Đang làm thuê ở Gia Lai, ông Vân nhận tin dữ vợ mình qua đời vì nhồi máu cơ tim. Tức tốc bắt xe về quê an táng vợ, ông Vân chỉ kịp nhìn mặt người vợ quá cố của mình trong ít phút trước khi đưa thi hài lên phần mộ.

Từ đó, đêm nào ở khu nghĩa trang thị trấn Hà Lam cũng xuất hiện ánh đèn đỏ cùng dáng người đàn ông thơ thẩn đi lại rồi ngủ luôn bên ngôi mộ mới đắp. “Lên trên nớ gió, sương lạnh nên tui đào một đường hầm vào sâu huyệt mộ để ngủ cùng bà ấy. Sau mấy đứa phát hiện, không cho tui lên nữa”, ông Vân kể khiến chúng tôi không khỏi rùng mình ớn lạnh.

Bị con ngăn cấm, ông Vân trăn trở tìm cách khác để được… ở bên vợ. Ông chủ động đắp một bức nhân tượng giống hệt hình dáng của vợ mình bằng đất sét, thạch cao, xi măng để chuẩn bị cho một ý tưởng táo bạo: “Khai quật tử thi của vợ”. Khoảng 22h đêm 16/11/2004, một mình ông ra khu nghĩa trang, hì hục đào mộ đến 3h sáng hôm sau, đưa quan tài lên và lấy hài cốt vợ bỏ vào hình tượng. “Tôi làm mọi việc âm thầm chẳng cho ai biết. Ban đầu, tôi để hài cốt vợ trong tượng người bốn tháng ở nghĩa trang, sau đó mới mang vợ về nhà”, ông Vân kể.

Biết chuyện, các con ông và người thân ra sức phản đối. Ngày ông Vân định đưa bức nhân tượng có hài cốt vợ mình về nhà, con cái yêu cầu để lại nhưng ông Vân nhảy luôn xuống huyệt, đòi tự tử nếu không cho mình thực hiện kế hoạch. “Ngành chức năng thị trấn Hà Lam cũng can thiệp. Lúc đầu ông ấy cũng bằng lòng để xác vợ lại nhưng ai ngờ ông Vân vẫn tiếp tục tìm cách đưa về nhà”, một người dân (xin giấu tên) gần nhà ông Vân kể. Thậm chí, đầu năm 2005, khi biết bố đưa hài cốt mẹ về nhà, con trai Lê Quốc Phú (sinh năm 1981) trong lúc bất bình đã đánh ông để can ngăn. Ông Vân từ mặt con từ ngày đó.

5

13 năm qua, ông Vân vẫn sống cùng bức tượng chứa thi thể người vợ quá cố

Chịu tiếng tâm thần, miễn được bên xác vợ

Ngày ấy sự kiện này gây xôn xao dư luận, tốn rất nhiều giấy mực của báo chí. Nhiều nhà báo, phóng viên ở xa về tận nhà ông Vân để tìm hiểu thông tin. Thậm chí, có tờ báo nhờ cả ê-kíp bác sĩ, mang theo máy X-Quang, siêu âm để tìm hiểu thực hư có xương cốt bên trong hay chỉ là lời đồn đại. Nhắc lại sự kiện này, ông Vân quả quyết: “Đoàn bác sĩ ở Đà Nẵng về nhà tui, sau khi “tác nghiệp” xong họ còn bảo có một cái xương sườn bị sắp nhầm”.

Các con ông Vân phần lớn đi làm ăn xa, ông ở nhà cùng con trai út Lê Quốc Hoàng Tuấn (sinh năm 1997). Bốn năm nay, Tuấn được bố xây cho phòng ngủ riêng. “Hồi năm lớp 2, em đã ôm mẹ ngủ. Ở cùng mẹ mình thì có gì mà sợ! Hồi đầu em qua nhà hàng xóm thì bị đuổi về, nhưng thời gian sau thì bạn bè chơi với em bình thường. Những năm đầu mang hài cốt mẹ về, bố thỉnh thoảng có mở lớp xi măng, thạch cao ra kiểm tra nhưng nhiều năm trở lại đây thấy bức tượng ổn định, bố trát xi măng, thạch cao lại cẩn thận, chỉ thay lại quần áo, chỉnh sửa hình dáng bên ngoài cho phù hợp”, Tuấn chia sẻ.

Những lúc rảnh rỗi, Tuấn phụ giúp bố sửa soạn quần áo cho mẹ. “Người sống cũng rứa, chết rồi cũng phải tắm rửa, thay quần áo cho bà ấy, nhưng không phải ngày một, thường tuần lễ tui làm một lần. Nhiều người quan niệm người chết phải chôn để siêu thoát nhưng tôi không cùng tư tưởng này. Tui biết, có nhiều cách mai táng. Tui làm khác họ, có thể người ta cho tui bị tâm thần nhưng tui không để tâm, miễn sao bà ấy được ở nhà cho ấm”.

Theo ghi nhận của PV, hiện câu chuyện về người đàn ông ôm xác vợ không còn ồn ào như những năm trước. Người dân khu vực lân cận quen dần và “quên” luôn việc phản đối. Bản thân con cái ông Vân sau thời gian thuyết phục đủ đường cũng đành “bó tay” chấp thuận. Phần mình, chính quyền địa phương tỏ ý không muốn báo chí “xới xáo” lại câu chuyện. Ông Nguyễn Ngọc Duẩn, Phó chủ tịch UBND thị trấn Hà Lam nói rằng, sự việc đã lâu và không muốn trả lời báo chí (!?). Lãnh đạo Công an thị trấn Hà Lam thì cho biết, đã vận động, buộc ông Vân ký cam kết không được đào mộ, đưa hài cốt vợ mình về nhà; Đảm bảo các quy định về việc an táng người chết...

“Tụi tui ngại qua lại với nhà bên nớ (nhà ông Vân - PV), cũng không ai quan tâm, ngăn cản mô, con cái ông ấy cũng đã nói hết lời. Chính quyền ở đây cũng không xuống nhà nữa”, một người hàng xóm nói.

Hiện tại, ông Vân cùng con trai út làm hương tại nhà. Cứ vài ngày, ông lại chạy xe ra Đà Nẵng,Tam Kỳ, Hội An giao hương cho các đại lí. Số đất đai của mình, ông cho các con làm ăn, buôn bán. Gần 5 sào ruộng, ông cho con gái lớn làm một nửa, một nửa cho thuê. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.