Doanh nghiệp

Gặp ông chủ đội tàu cao tốc 5 sao

24/02/2018, 07:15

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ông Hải vẫn tiếp tục đóng thêm tàu mới.

171

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP HCM chúc mừng ông Trần Song Hải khi đi thăm chiếc tàu C8 phục vụ tuyến vận tải Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu

Đội tàu cao tốc 5 sao hiện đại từ Sài Gòn đi Vũng Tàu được ông Trần Song Hải - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xanh DP (GreenlinesDP) đầu tư đã tạo niềm tin và đưa khách trở lại với ngành vận tải đường thủy. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ông Hải vẫn tiếp tục đóng thêm tàu mới. Nhân dịp xuân mới, PV Báo Giao thông đã có cuộc trò chuyện với ông chủ của đội tàu cao tốc 5 sao này.

Sẽ có tàu từ Sài Gòn đi Côn Đảo

Năm 2017, hình như cứ mỗi tháng ông cho hạ thủy một tàu cao tốc? Kế hoạch năm mới của ông là gì?

Đến Tết này, GreenlinesDP sẽ có đội tàu cao tốc 10 chiếc. Những ngày đầu năm mới 2018, chúng tôi đã khởi công đóng tàu từ Phan Thiết đi Phú Quý. Đặc biệt đang chuẩn bị ký kết hợp đồng thực hiện đóng chiếc tàu từ Sài Gòn đi Côn Đảo. Đây là loại tàu ba thân rất hiện đại với 300 hành khách, trong đó có 220 giường nằm và 80 ghế ngồi hạng sang. Với thiết kế hiện đại, độ an toàn cao, tàu cao tốc này có thể từ TP HCM đi Côn Đảo, Phú Quốc và những đảo xa khác. Với đội tàu 10 chiếc được đóng mới hoàn toàn trong nước, chúng tôi khẳng định chất lượng dịch vụ đạt đẳng cấp 5 sao, từ dịch vụ phục vụ hành khách đến các tiêu chuẩn về an toàn, cứu hộ cứu nạn.

Ngày 28/1, chúng tôi khai trương tuyến cao tốc Bến Tre - Vũng Tàu với tần suất bốn chuyến/ngày, sau này sẽ tăng lên 8 chuyến/ngày. Tôi đánh giá đây là tuyến đột phá, bởi hiện nay từ miền Tây Nam bộ đi Vũng Tàu đi bằng đường bộ rất xa, mất hơn 5 giờ đồng hồ, trong khi đi tàu cao tốc chỉ 2 giờ.

Ngày 7/2, chúng tôi chạy tuyến Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu sau khi UBND TP cho phép chúng tôi khai thác tạm cầu bến số 2 của bến Bạch Đằng. Điều này cho thấy thành phố tin tưởng, cho phép chúng tôi khai thác bến này để phục vụ hành khách. Với người dân, cán bộ chiến sĩ làm việc tại Cần Giờ, chúng tôi sẽ giảm giá 50%. Tôi cho đây là tuyến chiến lược, vì Cần Giờ đang là địa phương nghèo, nhưng tiềm năng phát triển còn rất lớn. Khi chúng tôi mở tuyến này, tin chắc du lịch Cần Giờ, Vàm Sát, Thạnh An sẽ phát triển. Các nhà đầu tư bất động sản cũng sẽ về để giúp Cần Giờ phát triển hơn. Nếu Cần Giờ phát triển, tôi tin đó sẽ là một Florida của Việt Nam.

Tôi thấy anh rất tâm huyết với ngành đường thủy?

Đơn giản là tôi quá yêu biển. Tôi xuất thân trong một gia đình có truyền thống gắn bó với biển. Không biết có phải vì vậy mà bố mẹ đã chọn và đặt tên tôi là “hai biển” - Song Hải, tự nhiên lớn lên mình thấy yêu biển hơn. Việt Nam là một quốc gia biển, nhưng tới thời điểm này phát triển du lịch từ bờ ra đến các đảo để bảo vệ chủ quyền quốc gia vẫn còn nhiều bất cập.

Tôi yêu biển bằng cách cung cấp các động cơ cho tàu của lực lượng chấp pháp, hải quân để bảo vệ biển đảo. Từ đó, tôi thấy rằng tại sao mình không đầu tư làm những chiếc tàu dân sự để đưa dân ra tham quan, du lịch khám phá biển đảo. Đó cũng là một cách để khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc rất tốt. Vì vậy, tôi quyết tâm đầu tư vào đội tàu cao tốc.

Đối với TP HCM, nơi tôi sinh ra và lớn lên, tôi thấy rằng hiện đường bộ đang kẹt xe nghiêm trọng, trong khi lợi thế về hơn 1.000km đường thủy chưa được khai thác nhiều, sao mình không đưa dân xuống sông để đi? Đó cũng là lý do để UBND TP HCM cho chúng tôi sử dụng tạm thời bến Bạch Đằng để mở tuyến tàu cao tốc TP HCM - Cần Giờ - Vùng Tàu phục vụ người dân trước dịp Tết cổ truyền này. Từ đây, chúng tôi sẽ tiếp tục mở thêm những chuyến tàu cao tốc, tàu buýt đi quận 7, Nhà Bè, quận 9, Củ Chi… để chia tải cho đường bộ.

Tuyến tàu cao tốc Sài Gòn - Vũng Tàu từ khi hoạt động trở lại vẫn nhiều khó khăn, có lúc thu chưa đủ bù chi, vậy sao ông vẫn quyết tâm đóng thêm nhiều tàu mới?

Nói thật, chúng tôi phải gồng mình lên mới làm được. Bởi thực tế hiện nay chúng tôi phải cạnh tranh rất lớn với đường bộ khi đường cao tốc TP HCM - Long Thành đi vào hoạt động. Nhưng đường cao tốc nhiều lúc cũng bị kẹt xe, thực tế đã cho thấy điều đó. Đầu tư đường thủy là chúng tôi hướng tới tương lai. Hơn nữa, chiến lược của chúng tôi là nhắm tới hành khách du lịch, khách muốn trải nghiệm vẻ đẹp sông nước chứ không chỉ đơn thuần là đi lại. Đó là lý do chúng tôi đầu tư đội tàu cao tốc đẳng cấp 5 sao là vậy.

172

Đội tàu cao tốc 5 sao của GreenlinesDP đã thu hút người dân quay trở lại di chuyển bằng đường thủy bởi chất lượng dịch vụ cao, an toàn

Mong có nhiều én để mùa xuân thêm đẹp

Nhưng đầu tư vào vận tải đường thủy thấy rất nhiều rủi ro?

Đầu tư mà cứ nói chuyện “con gà quả trứng” thì không làm được. Giao thông không giống với những ngành khác, cứ chờ đông khách mới đóng tàu chạy thì không bao giờ đông cả. Mình cứ mạnh dạn đầu tư, chạy đã, sau đó khách họ sẽ thấy hiệu quả, thuận tiện của ngành đường thủy, từ từ sẽ đông lên.

Mình đi trước, đi tiên phong, tất nhiên sẽ gặp khó khăn, nhưng cũng để các doanh nghiệp khác họ thấy cái hay cái dở, lời lỗ thế nào. Mình không hi vọng một con én làm nên mùa xuân nhưng từ đội tàu của mình sẽ tạo sự lan tỏa, hình thành thêm những đội tàu khác, thêm nhiều con én khác, lúc đó mùa xuân sẽ tươi đẹp hơn.

Tham vọng của anh khi dấn thân vào lĩnh vực đường thủy này là gì?

Nếu tham vọng làm giàu thì mình sẽ đầu tư vào bất động sản, hoặc lĩnh vực kinh doanh khác. Nếu lĩnh vực vận tải hành khách bằng đường thủy mà có lời thì các doanh nghiệp lớn đã làm từ lâu rồi. Khi mình đến các quốc gia phát triển trên thế giới thấy lĩnh vực đường thủy họ rất phát triển. Nước mình với lợi thế về biển đảo, đường thủy mà mình không làm thì ai làm.

Với lợi thế là nhà cung cấp hệ thống thủy động cơ cho tàu hải quân, tàu chấp pháp hoạt động trên biển, chúng tôi kết hợp với những nhà máy đóng tàu hàng đầu trong nước để sản xuất ra những chiếc tàu cao tốc tiêu chuẩn 5 sao với giá cả rẻ hơn nhiều lần so với nhập khẩu. Tự mình sẽ chứng tỏ được hiệu quả của mình, qua đó mong muốn các doanh nghiệp khác thấy được và sẽ đầu tư như mình. Từ đó sẽ hình thành phong trào đầu tư vào đường thủy, trước mắt, những chuyến tàu nhỏ chia tải cho đường bộ. Về lâu dài là các tàu cao tốc nối đất liền với đảo xa, thậm chí là có thể đầu tư các du thuyền đi trên biển. Mình rất muốn Việt Nam xây được những bến du thuyền đẳng cấp và phát triển du lịch đường biển tốt hơn, bởi đó là loại hình du lịch thu được rất nhiều tiền.

Khó khăn mà các doanh nghiệp đầu tư vào đường thủy gặp phải hiện nay là gì?

Hiện nay, quy hoạch bến bãi chưa thuận lợi, vì vậy hành khách ngại đi tàu. Các nhà chờ cho hành khách đi đường thủy vẫn chưa được xây dựng bài bản. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có sự đầu tư hoặc giao cho các nhà đầu tư có khả năng, điều kiện kinh tế thực hiện. Các quy định về số lượng thủy thủ đoàn đi theo tàu quá chặt chẽ, chẳng hạn một tàu 96 hành khách, yêu cầu phải có 7 thủy thủ đoàn, làm cho chi phí một chuyến tàu bị đẩy lên, doanh nghiệp không có điều kiện giảm giá vé cho hành khách. Ở một số tuyến vận tải hành khách đường thủy hiện nay, tàu chở khách chưa được đầu tư tốt, khiến người dân ngại sử dụng dịch vụ này. Các doanh nghiệp muốn bỏ tiền ra đầu tư những loại tàu hiện đại không cạnh tranh được. Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý rõ về tiêu chuẩn của những tàu chở khách từ bờ ra đảo, tàu du lịch. Bởi chỉ cần một tai nạn nào đó không may xảy ra thì người dân sẽ quay lưng với ngành vận tải hành khách bằng đường thủy, đó là mối nguy rất lớn.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.