Góc nhìn

Gây hấn ở biển Đông, Trung Quốc đe dọa hòa bình thế giới

05/06/2014, 06:36

Hành động phi pháp của Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam vẫn đang là điểm nóng trong giới học giả và chính giới quốc tế.

Truyền thông Trung Quốc thừa nhận hành vi tàu thuyền nước này đâm va tàu thuyền VN
Truyền thông Trung Quốc thừa nhận hành vi tàu thuyền nước này đâm va tàu thuyền VN


Thế giới tiếp tục lên án Trung Quốc


Ngày (3/6), tại Thủ đô Washington (Mỹ) đã diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề “Philippines, Việt Nam và các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông” do Trung tâm Wilson tổ chức. Các học giả tham dự hội thảo đã đề cập đến tính phi pháp của cái gọi là “đường 9 đoạn” và cho rằng đây là “căn nguyên của mọi vấn đề” dẫn đến căng thẳng đang diễn ra ở biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên biển Đông.
 

"Điều mà quốc tế lo ngại chính là những tiền lệ hôm nay xảy ra với Việt Nam thì ngày mai có thể sẽ xảy ra với nước khác, hôm nay xảy ra trên biển thì ngày mai sẽ xảy ra trên bộ và ngày kia sẽ xảy ra trên không. Và như vậy vấn đề chủ quyền của Việt Nam tự nhiên không phải là vấn đề của riêng Việt Nam nữa. Bảo vệ lẽ phải của Việt Nam, vì vậy cũng là bảo vệ chân lý chung, lợi ích chung của thời đại”

 

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng 
Nguyễn Chí Vịnh

Các học giả đặc biệt quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang ở biển Đông do các hành động gây hấn về chủ quyền của Trung Quốc gây ra, đồng thời cho rằng các diễn tiến trong vài tuần qua cho thấy tranh chấp kéo dài này có nguy cơ trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Ông Robert Daly, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kissinger về Mỹ và Trung Quốc cho rằng, vấn đề là ở chỗ Trung Quốc đã bỏ qua hoặc cố ý hiểu sai luật pháp quốc tế, không tôn trọng trật tự trên cơ sở luật pháp quốc tế đã được chấp nhận một cách phổ quát. Nước này trong các đòi hỏi chủ quyền của mình đã không dựa trên luật pháp quốc tế. Đây là lý do mà tranh chấp có thể trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu.


Các học giả nhấn mạnh cần sớm kết thúc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) và phải có cơ chế đảm bảo thực thi COC có hiệu quả. Về căng thẳng đang diễn ra hiện nay, một số học giả nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kiểm soát chủ nghĩa dân tộc ở mỗi nước, nhất là vai trò của truyền thông Trung Quốc cần có cái nhìn công bằng để định hướng dư luận nước này một cách đúng đắn trong các căng thẳng và tranh chấp chủ quyền nói chung ở biển Đông.

LHQ hoan nghênh chủ trương của VN


Trước cuộc hội thảo nói trên một ngày, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Đại sứ Lê Hoài Trung - Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại LHQ đã gặp ông Jeffrey Feltman - Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề chính trị để tiếp tục thông báo về những diễn biến liên quan đến việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Các tàu Trung Quốc đã chủ đích đâm va, uy hiếp, dùng vòi rồng công suất lớn nhằm vào các tàu công vụ chỉ là tàu dân sự của Việt Nam gây hư hại nhiều tàu, làm nhiều người bị thương.


Đại sứ Lê Hoài Trung nêu những cơ sở pháp lý, lịch sử cho chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.  Xuất phát từ chính sách nhất quán giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế, Việt Nam hết sức kiềm chế, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở nhiều cấp, dưới nhiều hình thức yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, các tàu và đề nghị Trung Quốc sớm cùng Việt Nam đối thoại, thương lượng để giải quyết các khác biệt. Đại sứ đề nghị Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm, ủng hộ các đề nghị thiện chí của Việt Nam, kêu gọi việc không có các hành động đơn phương làm căng thẳng thêm tình hình, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực. 


Phó tổng Thư ký Liên hợp quốc Jeffrey Feltman hoan nghênh chủ trương của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Ông Feltman khẳng định, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon rất quan tâm đến tình hình hiện nay ở biển Đông. Và chia sẻ đánh giá về tầm quan trọng của biển Đông đối với thế giới, bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ở biển Đông, khẳng định các bên  cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hoà bình khác phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế.

Thanh Huyền
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.