Hồ sơ tài liệu

Ghế Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản lung lay vì một ngôi trường

17/03/2017, 07:22

Sau gia đình Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đối mặt với chỉ trích, nghi vấn...

16

Nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada

Sau gia đình Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada đối mặt với chỉ trích, nghi vấn và áp lực kêu gọi từ chức vì mối quan hệ với trường Moritomo Gakuen. Đây là ngôi trường đang dính bê bối “cáo buộc lạm dụng trẻ em, sử dụng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc cùng nhiều cáo buộc khác”.

Gây áp lực buộc Nữ tướng từ chức

Theo Japan Times, mối quan hệ giữa nữ Bộ trưởng Quốc phòng với trường Moritomo Gakuen trở thành “tâm bão” dư luận khi nhà báo tự do của Nhật Tamotsu Sugano đăng tải trên Twitter tài liệu của tòa án chứng minh mối quan hệ giữa bà Inada với ngôi trường bê bối trên. Theo tài liệu do nhà báo Sugano cung cấp, bà cùng chồng là Ryuji Inada, cả hai đều là luật sư từng hoạt động với tư cách đại diện pháp luật cho trường Moritomo Gakuen cũng như Hiệu trưởng Yasunori Kagoike vào tháng 10/2005.

Mặc dù từ đầu tuần, trong một phiên họp tại Ủy ban Ngân sách Hạ viện Nhật, bà Inada cực lực bác bỏ mọi cáo buộc làm luật sư hay cố vấn pháp lý cho trường Moritomo Gakuen và ông Kagoike. Tuy nhiên, sau khi tài liệu trên được công bố, tờ Kyodo News đưa tin bà Inada đã tham dự một phiên điều trần với tư cách là luật sư cho trường Moritomo Gakuen, bà Inada chính thức thừa nhận từng tham dự một phiên tòa ở vị trí của chồng, làm luật sư đại diện cho Moritomo Gakuen.

Trong phiên điều trần tại Quốc hội, bà Inada thừa nhận, văn phòng luật mà bà tham gia điều hành cùng chồng đã tư vấn pháp lý cho trường Moritomo Gakuen từ năm 2004 - 2009. Bà Inada cho biết, sở dĩ trước đó bà phủ nhận vì “quên mất sự việc”. “Tôi muốn đính chính lại và gửi lời xin lỗi”, đồng thời hy vọng sẽ tiếp tục được “làm tròn nhiệm vụ” với sự chân thành.

Tuy nhiên, các Đảng đối lập tận dụng chi tiết này để cực lực chỉ trích và kêu gọi bà Inada từ chức. Mới đây nhất, bốn Đảng đối lập của Nhật gây áp lực yêu cầu bà Inada từ chức. Tại Quốc hội, nghị sĩ các Đảng đối lập liên tiếp đặt câu hỏi với bà Inada về mối quan hệ của bà với Moritomo Gakuen - một ngôi trường tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước cực đoan, các giá trị của Nhật thời trước chiến tranh. Bản thân bà Inada vốn được đánh giá là người có quan điểm theo chủ nghĩa dân tộc bất cứ khi nào nhắc đến lịch sử chiến tranh của Nhật.

Không dừng lại đó, các nghị sĩ Đảng đối lập cũng đặt câu hỏi với nữ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật về những thông tin mà kênh truyền hình Nhật Bản đăng tải đầu tuần này, trong đó, vợ Hiệu trưởng Kagoike - bà Junko kể lại, cuộc gặp lần đầu tiên giữa hai vợ chồng bà với bà Inada là vào 10 năm trước; Hai bên gặp nhau một lần nữa tại cuộc họp của giới chức Đảng Dân chủ tự do cách đây 2 năm. “Tôi không thích bà Inada nên tôi không nói chuyện. Tuy nhiên, chồng tôi đã tiếp chuyện với bà ấy”, bà Junko kể lại.

Về phần mình, bà Inada cho biết: “Tôi đã đọc các bình luận mà phu nhân ông Kagoike đưa ra. Nhưng cách đây 10 năm, tôi hoàn toàn không quen biết gì ông Kagoike. Có thể tôi đã gặp ông ấy tại một cuộc họp nào đó nhưng tôi không hề nhớ có cuộc gặp đó trong ký ức”.

Bất chấp lời giải thích trên, các nghị sĩ Đảng đối lập như thành viên Đảng Dân chủ Hideya Sugio tỏ ra ngờ vực: “Chúng tôi không tin những gì Bộ trưởng Quốc phòng nói. Bà ấy hoàn toàn không phù hợp với vị trí Bộ trưởng Quốc phòng”.

Ảnh hưởng uy tín trong nước, quốc tế

Tuy vậy, giới truyền thông Nhật nhận định, sự phản đối chỉ trích kịch liệt của Đảng đối lập chưa có ảnh hưởng rõ ràng tới bà Inada. Đến thời điểm này, Nội các của Thủ tướng Abe xử lý tình huống khá ổn và vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong các cuộc khảo sát từ truyền thông địa phương.

Bất chấp lời kêu gọi Bộ trưởng Quốc phòng từ chức, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã thể hiện sự ủng hộ với bà và tin tưởng bà Inada sẽ làm tròn trách nhiệm, giải thích rõ sự việc và tiếp tục đảm nhiệm vị trí nữ Tướng.

Một số thành viên Đảng liên minh cầm quyền tại Nhật công khai ủng hộ Thủ tướng Shinzo Abe, bác bỏ những lời kêu gọi bà Inada từ chức. Dù vậy, họ cũng lo ngại, sự việc này ảnh hưởng tới uy tín của bà Inada trong Bộ Quốc phòng cũng như với các nước đồng minh. Hơn hết, họ lo ngại uy tín của chính đảng cầm quyền sẽ bị suy giảm vì bê bối này.

Trước bà Inada, bản thân vợ Thủ tướng Shinzo Abe cũng từng dính cáo buộc liên quan tới ngôi trường bê bối Moritomo Gakuen. Phu nhân Akie Abe bị chỉ trích vì nhận chức Hiệu trưởng danh dự của trường tiểu học do trường này thành lập và bị nghi ngờ liên quan tới thỏa thuận mua đất với giá hời từ trường này. Sau đó, bà Abe đã giải thích rõ ràng, cắt quan hệ với trường, rời khỏi vị trí Hiệu trưởng danh dự để tránh liên luỵ tới uy tín của chồng. 

Vì sao trường Moritomo Gakuen trở thành tâm điểm dư luận?

Trường Moritomo Gakuen có trụ sở tại tỉnh Osaka, Nhật Bản, do ông Yasunori Kagoike điều hành, trở thành tâm điểm dư luận nhiều tuần trở lại đây kể từ khi tờ Asahi Shimbun đưa tin trường này đã mua một mảnh đất rộng 8.770m2 tại Toyonaka, tỉnh Osaka từ Chính phủ với giá rẻ bất thường, chỉ 134 triệu yên - bằng 1/10 so với giá mảnh đất lân cận. Nhiều nghị sĩ Đảng đối lập nghi ngờ, các nghị sĩ bảo thủ quyền cao chức trọng đã gây áp lực đối với Bộ Tài chính bán đất giá hời cho trường Moritomo Gakuen. Ngoài ra, chính quyền tỉnh Osaka, nơi ngôi trường này đặt trụ sở, cũng đang cân nhắc tố cáo hình sự đối với Moritomo Gakuen vì thiếu nhất quán trong hợp đồng mua bán đất. Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh học sinh cũng đang khiếu nại lên Sở Giáo dục tỉnh Osaka, yêu cầu điều tra các trường hợp học sinh tại trường bị lạm dụng và sử dụng ngôn ngữ phân biệt đối xử với người Trung Quốc.

B.T

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.