Giao thông

"Ghẻ lạnh" xe đạp vì bị cho là nghèo

28/09/2016, 15:02
image

Ông Khuất Việt Hùng nói tại Hội thảo khuyến khích mô hình xe đạp công cộng tại Hà Nội.

2

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo khuyến khích mô hình xe đạp công cộng tại Hà Nội được Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức sáng nay (28/9), Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, TNGT đường bộ và ô nhiễm môi trường từ giao thông đang là vấn nạn toàn cầu. Hàng năm có 1,25 triệu người tử vong vì TNGT đường bộ, 3,3 triệu người tử vong vì bụi nhỏ và phát thải không khí từ giao thông, chiếm xấp xỉ 20%.

“Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 64 của Liên Hợp quốc về thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ toàn cầu, Việt Nam vẫn là 1 trong số ít các quốc gia đang phát triển có số lượng xe máy nhiều, nhưng thương vong do TNGT đường bộ trong các năm 2011-2015 giảm 12.500 người so với giai đoạn 2006-2010”, ông Hùng cho biết thêm.

Theo ông Hùng, Việt Nam cũng như nhiều nước Châu Á là thiên đường xe đạp trước thập niên 90, sau đó chuyển sang xã hội xe máy. Thách thức lớn nhất để phục hưng xe đạp ở Việt Nam và các đô thị chính là xe máy. Xe máy có tính tiện dụng cao, xe đạp đi được ở đâu thì xe máy đi được ở đó và đi nhanh, xa hơn.

5

Đi xe đạp ở Việt Nam thường bị cho là lạc hậu, nghèo (Ảnh Internet)

Ông Hùng cho rằng, người dân không thích đi xe đạp vì còn có tâm lý cho rằng xe đạp tiêu biểu cho cái cũ, lạc hậu và nghèo. Phải đi xe máy, ô tô mới hiện đại, sang trọng. Tuy nhiên, ở  Đan Mạch hay Hà Lan lại ngược lại, họ mong thoát khỏi ôtô và quay trở về xe đạp. Phải chăng đây là vòng xoáy trôn ốc lịch sử của phát triển giao thông đô thị?

“Chúng ta phải nhận thức lại, nên chăng đi bằng phương tiện gì để tiết kiệm nhất và thỏa mãn chuyến đi, bao gồm cả đi làm và đi chơi. Quan điểm về phát triển phục hưng xe đạp công cộng đã có trong Đề án phát triển hài hòa phương thức vận tải giao thông đô thị năm 2013 đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó yêu cầu các đô thị khuyến khích phát triển giao thông công cộng, giảm phát thải ra môi trường. Đặc biệt thí điểm xe đạp công cộng”, ông Hùng khẳng định.

“Điều quan trọng nhất là làm sao để xe đạp trở thành phương tiện đi lại trong công việc và chuyến đi bình thường hàng ngày của người dân. Theo tính toán khoảng 40-45% số chuyến đi tại các đô thị hoàn toàn có thể đi xe đạp ở cự ly 4 km. Bản thân tôi vẫn đi xe đạp đi làm không thấy vấn đề gì”, ông Hùng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.