Thị trường

Giá giấy tăng mạnh, báo in gặp khó

28/05/2018, 07:15

Nhiều cơ quan báo chí nhận được văn bản đề nghị tăng giá giấy in báo từ tháng 4 và tháng 5/2018.

15

Giá giấy tăng khiến lĩnh vực in ấn (báo chí, sách) tăng chi phí

Đồng loạt tăng 8-10%

Chỉ trong vòng nửa tháng, từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5, một tờ báo của Thành ủy Hà Nội đã hai lần nhận được văn bản đề nghị tăng giá giấy in báo. Sau 2 lần điều chỉnh đó, chỉ riêng giá giấy in báo hàng ngày của tờ báo này đã tăng thêm 125-135 đồng/tờ (tùy ấn phẩm). Và nếu tính cả công in, tiền giấy và tiền giấy tăng thêm, đơn giá mới đối với tờ báo này lên mức 1.525 - 1.596 đồng với báo hàng ngày và chủ nhật; lên 2.027 đồng/tờ với báo cuối tuần (tăng từ 7,5-9,4%, tùy ấn phẩm).

Trong văn bản đề nghị tăng giá giấy in, nhà in (thuộc cùng cơ quan chủ quản với tờ báo trên) cho biết: Dù chi phí công in liên tục tăng hàng năm, nhưng doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá công in đối với báo và ổn định trong suốt 4-5 năm trong bối cảnh các chi phí đầu vào đều tăng như lương, bảo hiểm, vật tư, tiền điện, tiền nước... Nhà in này cũng cho biết, năm 2017 đã bị lỗ trong hoạt động in báo. Vì thế, trong văn bản đề nghị tăng giấy in báo, nhà in đã thuyết phục trên phương diện cả lý cả tình “đề nghị Tổng biên tập báo thông cảm, cho điều chỉnh tăng giá giấy in đối với các ấn phẩm của báo” để bù đắp chi phí tăng thêm từ đơn vị cung cấp giấy”.

Đầu tháng 5 vừa qua, một tờ báo in trong ngành pháp luật cũng nhận được văn bản đề nghị tăng giá giấy in. Trong đó, giá giấy in chuyên đề cuối tuần tăng thêm 230 đồng/cuốn, riêng giá giấy in bìa tăng 45 đồng/tờ bìa (tương đương 2 triệu đồng/tấn), giấy in trang ruột tăng 185 đồng/cuốn (tương đương 2,1 triệu đồng/tấn). Mức giá tăng thêm này cũng chưa bao gồm thuế VAT. Tương tự, lãnh đạo một tờ báo ngành khác phát hành hàng ngày cũng cho biết, giữa tháng 5 nhận được văn bản đề nghị tăng giá giấy in, mức tăng 140-175 đồng/tờ (chưa gồm thuế VAT 5%, tùy ấn phẩm)...

Giá giấy năm 2018 còn tăng nữa?

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, mức giá giấy in báo hiện từ 17,5-18,5 triệu đồng/tấn, tăng 1,5-2,5 triệu đồng/tấn so với tháng 12/2017. Đây chủ yếu là giấy nhập khẩu bởi nhiều năm qua, các công ty giấy trong nước như: Giấy Bãi Bằng, Tân Mai... đã không còn sản xuất giấy in báo. Gần như toàn bộ giấy in báo là giấy nhập khẩu nguyên cuộn từ các nước lân cận nên bị phụ thuộc. Công ty In Hà Nội mới cho biết, giá tăng nhưng nguồn cung vẫn rất khan hiếm. Công ty này cũng đang phải thu xếp đàm phán với các đơn vị cung cấp giấy để đảm bảo ổn định sản xuất phục vụ nhiệm vụ chính trị của các cơ quan báo chí có hợp đồng in báo tại đây.

Theo thống kê, cả năm 2017, Việt Nam nhập khẩu giấy và sản phẩm giấy các loại với giá trị gần 2,5 tỷ USD, trong đó riêng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc hơn 600 triệu USD.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sự thắt chặt trong chính sách bảo vệ môi trường của Trung Quốc khiến doanh nghiệp sản xuất giấy và bao bì nước này thu mua nguyên vật liệu từ Việt Nam. Thương lái Trung Quốc đã mua kraftliner (giấy loại 1 mặt không tẩy trắng), testliner (giấy để làm lớp mặt ngoài thùng carton) và các loại giấy thành phẩm khác để đầu cơ, đẩy giá giấy testliner tăng 20-30% so với năm trước. Giá OCC (giấy bìa cứng lớp sóng cũ) đạt đỉnh điểm vào tháng 9/2017. BVS cũng nhận định, xu hướng này có thể kéo dài đến hết năm 2018.

Không chỉ giá giấy in báo tăng, giá giấy các loại khác cũng tăng mạnh. Đơn cử, từ tháng 10/2017 đến nay, Tổng công ty Giấy Việt Nam cũng đã 3 lần tăng giá giấy in offset (giấy in danh thiếp, túi giấy, hộp giấy...). Hiện nay, giá giấy in loại từ 23,5-24 triệu đồng/tấn, tăng 4-4,5 triệu đồng/tấn so với cuối 2017. Ông Nguyễn Trường, Giám đốc Nhà xuất bản Thanh niên cho biết, trong mấy tháng qua nhà xuất bản này đã 2 lần nhận được thông báo tăng giá giấy in sách. “Điều đó gây khó khăn cho nhà xuất bản. Giá giấy tăng thì giá bán sách cũng phải tăng theo. Nhưng chúng tôi có những ấn phẩm như Sổ tay Đoàn viên với số lượng hơn 200 nghìn bản bán giá cố định rồi. Còn các ấn phẩm thương mại khác muốn tăng giá cũng khó vì sẽ giảm số lượng người mua”, ông Trường phân tích. Theo ông Trường, trong bối cảnh hiện nay, thu nhập của người dân không tăng, nhưng rất nhiều hàng hóa thiết yếu tăng giá. “Xăng dầu tăng giá người dân vẫn phải đổ xăng để chạy xe, còn sách nếu không mua cũng không chết ai”, Giám đốc Nhà xuất bản Thanh niên nói và dự kiến doanh thu năm nay của nhà xuất bản sẽ sụt giảm rất mạnh.

Lãnh đạo tờ báo ngành mới ký phụ lục hợp đồng tăng giá giấy in cũng cho biết: “Mức tăng giá trên được coi là sự hỗ trợ của phía nhà in đối với các cơ quan báo chí khi làm nhiệm vụ chính trị. Do đó, các cơ quan báo chí đều phải chấp thuận tăng giá. Tuy nhiên, do giá giấy tăng cao, nhiều tờ báo đã khó khăn nay càng khó khăn hơn”, vị này nói. Doanh thu của một số tờ báo lớn đang giảm khoảng 10% mỗi năm. Nếu giá giấy in tăng, báo in sẽ càng thêm khó.

Theo Hiệp hội Giấy Việt Nam, giá giấy nói chung đã biến động mạnh kể từ đầu năm 2017. Diễn biến này tiếp tục lặp lại trong năm 2018 khi các doanh nghiệp Trung Quốc thu gom giấy nguyên liệu các loại và tích trữ giấy đầu cơ đã khiến thị trường lên cơn sốt vì khan hiếm giấy, làm cho giá giấy tăng cao đột biến từ ngày 1/4/2018, sau đó tiếp tục tăng mạnh từ ngày 1/5/2018. Cả hiệp hội và các doanh nghiệp cũng như nhà in đều nhận định giá giấy sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2018. Vì vậy, khi đề nghị tăng giá giấy in sách, in báo, các nhà in đều bỏ ngỏ khả năng tăng giá các lần sau khi chỉ ký phụ lục hợp đồng và cho biết “mức tăng này (mức tăng từ 1/5 - PV) sẽ chỉ áp áp dụng cho đến khi thị trường giấy in báo phát sinh biến động mới và công ty sẽ thông báo trước bằng văn bản”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.