Ứng dụng

Gia Lai sẽ có thêm nhà máy điện thân thiện môi trường

30/07/2016, 14:29

Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt dự án nhà máy điện sinh khối tại TX. An Khê (Gia Lai) để xây dựng.

img_201512181051009409

Nguồn bã từ phế phẩm của hậu chiết xuất mía đường là nguồn nhiên liệu để phát triển điện sinh khối. Ảnh: Internet

Ông Trần Đức Hưng - Phó trưởng phòng Quản lý Điện năng, Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết: Dự án Điện sinh khối tại nhà máy đường An Khê (Gia Lai) do công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi làm chủ đầu tư sẽ được triển khai xây dựng theo hai giai đoạn. Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, nhà máy điện sinh khối An Khê sẽ triển khai vận hành với công suất 55MW năm 2017. Năm 2018, dự án này sẽ tiếp tục cho phát điện ở giai đoạn hai cũng công suất 55MW. 

Giảm áp lực thuỷ điện

Cũng tại khu vực Tây Nguyên hiện nay có khoảng 190 nhà máy thuỷ điện lớn nhỏ. Việc phát triển thuỷ điện ồ ạt, mất rừng tự nhiên, phát triển cây công nghiệp vượt mức quy hoạch trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến môi trường xã hội của người dân trong khu vực. Các nhà khoa học về môi trường cảnh báo về tác hại dẫn đến mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, xã hội bền vững ở Tây Nguyên. 

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại khu vực Tây Nguyên rất có tiềm năng đối với nguồn nguyên liệu để phát triển điện sinh khối. Theo đó các phế phẩm của ngành nông nghiệp như vỏ hạt cây cà phê từ các công ty chế biến, bã mía từ các nhà máy đường...

Việc tận dụng tốt các sản phẩm này còn giảm áp lực đối với vấn đề ô nhiễm môi trường ở đầu nguồn nước.

Ông Hưng cho biết, dự án nhà máy điện An Khê là một công trình sản xuất điện năng sạch và an toàn và thân thiện với môi trường. Ngoài câu chuyện nhà máy điện sinh khối khi đưa vào phát điện giải quyết vấn đề sử dụng điện cung cấp cho nhà máy hoạt động còn giải quyết tốt về vấn đề chất thải hậu ép đường của nhà máy. "Sau khi ép đường, lượng rác thải từ bã mía rất lớn, vậy nên khi đưa số rác thải này vào lò đốt biến thành điện năng sẽ đảm bảo môi trường. Ngoài ra, tro bã mía sẽ tiếp tục được sử dụng để làm phân bón cho cây trồng cũng rất hiệu quả".

Cũng theo ông Hưng, việc đưa vào sử dụng điện sinh khối sẽ giảm áp lực đối với công tác vận chuyển, tiêu huỷ chất thải ra môi trường, bên cạnh đó là vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu vực nhà máy. "Sau nhiều năm nhà máy điện sinh khối ở nhà máy đường Ayun Pa (Gia Lai) đi vào hoạt động, cho thấy hiệu quả về kinh tế, môi trường và xã hội nên Chính phủ tiếp tục quy hoạch và khuyến khích việc xây dựng nhà máy điện này", ông Hưng cho biết.

Theo EVN cho biết, số liệu tính toán, cứ 5 kg trấu tạo ra 1 KW điện, như vậy với lượng trấu hàng triệu tấn trấu mỗi năm thu lại được hàng trăm MW điện. Với lợi thế một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam có nguồn sinh khối lớn và đa dạng từ gỗ củi, trấu, bã cà phê, rơm rạ và bã mía...

Hơn nữa, Việt Nam lại có tiềm năng to lớn để phát triển điện sinh khối cả trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, số các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động tính đến thời điểm này vẫn còn quá ít và chỉ có vài dự án là điện sinh khối nối lưới, việc đầu tư mang nặng tính tự phát, thiếu quy hoạch tổng thể và chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của quốc gia. Do vậy, đầu tư các nhà máy điện sinh khối không chỉ đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng tăng mà còn góp phần đẩy mạnh sự phát triển của đất nước theo xu hướng phát triển bền vững. Ngoài ra, điện sinh khối còn giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập từ những thứ mà trước đây là phế thải như rơm, trấu, bã mía, mùn cưa,… vào tạo thêm nhiều việc làm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.