Điều tra

Gia Lai: Vì sao dân phá gần 10 ha rừng phòng hộ?

24/01/2016, 19:19

Gần 300 người dân của làng Phăm Kăh 1, 2 thuộc xã Bar Măih, Chư Sê đã phá gần 10 ha rừng phòng hộ.

Anh 1-PR
Hiện trường gần 10 ha rừng gỗ Sao bị người dân chặt phá.

Khoảng 8h ngày 11/1, gần 300 người dân của làng Phăm Kăh 1, Phăm Kăh 2 thuộc xã Bar Măih, Chư Sê đã cùng kéo lên khu rừng nằm trong Tiểu khu 1028, thuộc BQL rừng phòng hộ Chư Sê để chặt phá. Chỉ trong vòng từ 8h đến hơn 12h cùng ngày, người dân đã phá gần 10 ha rừng gỗ Sao trồng từ năm 2006.

"Xẻ thịt" gần 10 ha rừng phòng hộ

Tại hiện trường, PV Báo Giao thông ghi nhận gần chục ha cây gỗ Sao thân hơn 20 cm, cao gần 4 m bị đốn tận gốc, nằm ngổn ngang, lá vẫn còn tươi. Bên cạnh gần chục ha rừng mới bị chặt hôm 11/1, nhiều diện tích rừng cũng bị người dân chặt phá và đốt từ trước. Anh Siu Hùng (28 tuổi, trú tại làng Phăm Kăh) dẫn đường cho chúng tôi vào rừng cho biết: “Phần đất này trước đây của dân làng trồng lúa rẫy vào mùa mưa.

Nhưng từ khi chuyển cho BQL rừng quản lý, họ đã tiến hành giao lại một số diện tích cho các hộ nhận khoán với cam kết chuyển đổi trồng cao su. Nhưng sau khi nhận thấy giá cao su xuống thấp, nhiều hộ nhận khoán đất rừng đã chặt phá cao su để trồng tiêu và cà phê. Trong khi đó, người dân không có đất canh tác nên bức xúc, kéo lên chặt phá rừng Sao để lấy lại đất rồi chia cho các hộ trong làng trồng tiêu”.

Anh 1-1PR
Phá rừng đốt cháy cả dãy đồi

Trao đổi với ông Đinh Mạnh Phong, Phó BQL rừng thì được biết, hiện BQL rừng đang huy động toàn lực lượng và thuê người dân vào khu vực rừng bị chặt để phòng chống cháy rừng. “Chúng tôi sẽ di chuyển mọi vật liệu cây rừng bị chặt ra khỏi khu vực để không bị phát lửa. Số diện tích có thể khôi phục được hoặc tái sinh thì phải bằng mọi cách giữ và chăm sóc. Diện tích không tái sinh thì đến mùa mưa năm nay phải trồng lại”, ông Phong nói.

Sử dụng đất không đúng mục đích

Theo thống kê, diện tích gỗ Sao bị phá lên tới 9,64 ha, trên 4.500 gốc gỗ Sao bị chặt. Nguyên nhân rừng bị chặt được người dân phản ánh là do nhiều người nhận khoán rừng thuộc Dự án 135 tự ý trồng tiêu và trồng nhiều loại cây khác trong diện tích đất khoán, chủ yếu là cây tiêu và cà phê.

Ông Phan Văn Trí, cán bộ BQL rừng cho biết: Năm 2007, Dự án 135 trồng 95 ha cây cao su được triển khai. Ban đầu có 14 hộ, đến đầu năm 2016 có tổng cộng 21 hộ là người dân trên địa bàn huyện Chư Sê và một số cán bộ của BQL rừng cũng tham gia nhận khoán. Sau đó, do một số người chuyển công tác và không đủ sức để tiếp tục nhận khoán nên đã chuyển đổi cho người khác. Trước đây, khi triển khai dự án, BQL rừng đã tuyên truyền và vận động người dân nhận khoán rừng để trồng cao su. Thế nhưng người dân nói rằng, cây này tới 7 năm mới thu hoạch được thì sợ không theo nổi”.

Ngoài nguyên nhân về kinh tế, không loại trừ nguyên nhân người dân bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục. Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo công an nhanh chóng vào cuộc để điều tra vụ việc”.

Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Chư Sê

Ông Trí cho biết, từ khi giá cao su xuống thấp, một số hộ dân trong dự án đã tự ý cơi nới đất trồng thêm một số loại cây khác vào trong khu vực đất giao khoán của Dự án 135. Mặt khác, ở các khoảng đất thuộc bìa rừng cao su và một số diện tích nhỏ khác người nhận khoán lấn chiếm và trồng tiêu, cà phê đã nhiều năm. “Thực tế thì đất ở khu vực rừng phòng hộ này chất đất rất tốt, phù hợp nhất với loại cây tiêu. Trong khi đó, viện cớ lý do người trong khu vực Dự án 135 trồng tiêu và một số loại cây khác nên người dân đã rủ nhau chặt phá ở khu rừng trồng cây Sao (thuộc Dự án 661) lân cận để chiếm đất nhằm chia nhau trồng tiêu”.

Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó chủ tịch thường trực UBND huyện Chư Sê cho biết: “Sau khi nhận thông tin báo cáo từ xã, lãnh đạo huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành cùng lực lượng chức năng đến hiện trường xử lý vụ việc. Trong đó, Công an huyện Chư Sê đã cử một đội cơ động vào hiện trường để giải tán người dân.

Anh 2
Người dân mở hắn đường lớn để chuyển cây rừng bị phá

Nguyên nhân ban đầu được huyện xác định là do các hộ nhận khoán đất rừng thuộc lâm phần quản lý của BQL rừng đã sử dụng đất không đúng mục đích theo tinh thần Dự án 135. Thay vì trồng cao su thì các hộ nhận khoán đã chuyển đổi sang trồng tiêu và cà phê. Điều này gây bức xúc cho các hộ dân ở hai làng nói trên, dẫn đến người dân kéo lên phá rừng trồng tiêu”.

Về sai phạm trong sử dụng sai mục đích đất rừng được giao khoán, ông Tâm cho biết, huyện đã ra hạn trong 1 tháng, BQL rừng phải trả lời nguyên nhân vì sao các hộ nhận khoán đất rừng không trồng cao su mà trồng tiêu và cà phê. Đồng thời, rà soát danh sách các hộ sử dụng sai mục đích đất rừng giao khoán để có hướng giải quyết ổn thỏa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.