Làm báo cùng Giao thông

Giả sử thi THPT quốc gia diễn ra tháng 9, tránh nắng nóng?

03/07/2015, 07:24

Giả sử, thi THPT quốc gia được tổ chức đầu tháng 9, để cuối tháng 10, các em có thể tựu trường Đại học.

61
Quá nóng, mỗi thí sinh đều phải mang theo chai nước vào phòng thi - Ảnh: La Tuấn

Bà chị tôi có cô con gái đến tuổi thi đại học năm nay. Cuối tháng 5, hai mẹ con đã khăn gói lên Thái Nguyên tìm thuê nhà để thi đầu tháng 7. Sáng kiến “cụm thi” đã đưa hai mẹ con người nông dân Bắc Giang phải lên tận đất gang thép thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia. Sau ngày thi, gọi điện hỏi thì bà chị phấn khởi: “Với đề này thì cháu làm gần hết, có lẽ không lo hụt một suất sinh viên Trường Y Thái Nguyên. Nhưng mà nóng chú ạ. Gần chỗ chị thuê trọ có mấy phụ huynh ngất xỉu vì nóng”…

Những ngày này, cả nước “bỏng giẫy” tin tức về kỳ thi THPT quốc gia theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Một kỳ thi 2 trong 1 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam được chăm chú dõi theo từng bước. Nhưng có lẽ chính cái nực nộ của những ngày tháng 7 đổ lửa mới làm nóng bầu không khí thi cử, không, phải nói là cái “lò” thi cử mới đúng.

Dưới sức nóng ngùn ngụt 40-42 độ C, cha mẹ sốt ruột con thi bên trong nên bên ngoài nhất quyết bám mặt đường chờ đợi. Bố mẹ nóng một thì lo con nóng hai. Bởi lẽ những phòng học có điều hòa là cực kỳ hiếm hoi, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa.

“Nóng trong mùa thi” không chỉ diễn ra năm nay. Năm nào cũng vậy, cữ nóng nhất năm (khoảng đầu tháng 7) là thầy trò lại cùng nhau “vượt vũ môn”. Mọi năm là thi đại học, cao đẳng, năm nay là thi THPT quốc gia. Chẳng lạ khi cứ vào mùa thi cử lại thấy tin thí sinh bỏ thi vì ốm, phụ huynh đi cấp cứu do nóng…

Đó là chuyện thời nay. Còn ngày xưa thì sao? Chưa có thống kê tuyệt đối chính xác về khoa cử thời phong kiến nhưng nhiều tài liệu cho thấy, kỳ thi Hương thường được tổ chức vào tháng 8 còn thi Hội và thi Đình thì vào tháng 3 năm sau. Cũng có khi xê dịch 1, 2 tháng. Nên mới có “xuân thí”, “thu vi hội thí” chứ ít thấy ai nhắc đến “hạ thí”.

Việc thi cử không phải là việc nhắm bừa chọn một ngày. Theo Khâm định Đại nam hội điển sự lệ, năm 1837, nhà vua cho hai trường Hà Nội, Nam Định thi Hương vào tháng 10 thay vì tháng 9 (âm) để “sĩ tử đi thi đều khỏi lầy lội” vì “sau tiết sương giáng tuy nước đã xuống, đầm đã trong nhưng lụt đã lâu ngày, đường mới sửa lại, thế tất hãy còn bùn ướt”.

Hay vua Minh Mạng, năm 1840, cho học trò thi Hương vào tháng 9 chứ không phải tháng 7 vì thi vào tháng 7, thí sinh và những người phục vụ thi cử phải đi từ đầu tháng 6 vì trường xa “mà tháng ấy trời nóng bức rất là vất vả…”.

Hiện nay, năm học được mặc định từ ngày tựu trường 5/9 đến ngày 31/5. Hết năm là thi. Trong mỗi kỳ thi, nhất là kỳ thi đầu vào đại học, các cơ quan ban ngành chăm chăm đổi mới nội dung thi, từ “bộ đề” đến kiến thức cơ bản, từ kiểu ra đề “đánh đố” đến những bài thi tự luận mang đậm chất thời sự. Từ việc thi nhiều trường đến nhiều nguyện vọng. Từ hai kỳ thi xuống một kỳ thi. Nhưng ít ai để ý đến việc “nhỏ” là thời gian tổ chức thi.

Giả sử (giả sử thôi nhé), kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức vào đầu tháng 9, để đến cuối tháng 10, các em có thể tựu trường Đại học. Và bốn năm sau, các em ra trường muộn hơn hai tháng chắc cũng không ai phiền lòng.

Với thời gian thi như vậy, thí sinh và ngành Giáo dục đều có thời gian chuẩn bị dài hơn. Và thi lúc thời tiết mát mẻ, rất có thể chúng ta không bỏ lỡ một nhân tài nào đó đã suy kiệt trong kỳ nắng nóng phải rong ruổi nơi trường thi.

Nếu thi muộn, điều duy nhất mất có thể là cảm giác về một ngày tựu trường có “lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc” như trong văn của nhà văn Thanh Tịnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.