Bạn cần biết

Uống rượu, trăm kiểu nhập viện

22/02/2018, 07:05

Trong dịp nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, nhiều bệnh viện “vỡ trận” do bệnh nhân nhập viện có liên quan đến rượu...

19

Một ca cấp cứu TNGT tại Bệnh viện Việt Đức

80% ca cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức là do TNGT

10h sáng 21/2 tại Bệnh viện Việt Đức, một ca bệnh TNGT được nhanh chóng đẩy cáng vào phòng cấp cứu. Nằm trên cáng, nam thanh niên tên Lê Quang C. (25 tuổi, trú tại Bình Lục, Hà Nam) cả khuôn mặt xây xát, bầm dập, hôn mê và liên tục được nhân viên y tế bóp bóng thở…

Thi thoảng, cơ thể C. lại quằn lên, hai chân giẫy đạp vô thức. Theo hồ sơ chuyển lên từ Bệnh viện Đa khoa TP Phủ Lý, bệnh nhân được chẩn đoán chấn thương sọ não, sọ tụ máu, dập phổi hai bên, gãy xương gò má, gãy xương quai xanh, máu tràn dịch phổi… tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao.

Anh Phạm Văn N. (anh rể bệnh nhân) cho biết: “Khoảng 1h sáng mùng 4 Tết, gia đình nhận được thông tin C. bị TNGT. Trước đó, C. có tham gia cuộc họp lớp, uống rượu, rồi tiếp tục uống bia khi đi hát karaoke… Say rượu, không làm chủ được tay lái nên đã lái xe tự đâm vào cột điện và xảy ra cơ sự này. Khi được mọi người phát hiện, C. đã hôn mê nên gia đình vội đưa đi cấp cứu”.

Theo thống kê của Bộ Y tế, 6 ngày Tết Mậu Tuất, tổng số khám, cấp cứu do TNGT tại các cơ sở y tế là 37.376 trường hợp, trong đó 12.630 trường hợp phải điều trị nội trú, chuyển tuyến trên điều trị 2.962 trường hợp… và 168 trường hợp tử vong. Tổng số ca khám rối loạn tiêu hóa là 3.075 trường hợp, trong đó 810 trường hợp ngộ độc rượu (chiếm 26,3%). 

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 6 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, tổng số ca cấp cứu do đánh nhau là 4.184 trường hợp, giảm 19,2% so với 6 ngày Tết Đinh Dậu 2017, nhưng số ca phải nhập viện điều trị nội trú là 2.773 trường hợp, tăng 14,6 ca; có  559 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên; có 13 trường hợp tử vong, giảm một nửa so với 27 ca trong dịp nghỉ Tết Đinh Dậu 2017.

Cũng trong phòng cấp cứu, ngay giường đối diện là bệnh nhân Phạm Gia K. (15 tuổi, trú tại Yên Dũng, Bắc Giang) đã nằm hôn mê 3 ngày nay. Chị Nguyễn Thị Ng. (người nhà bệnh nhân) cho hay, K. bị TNGT sau cuộc nhậu. Khi người đã chuếnh choáng hơi men, K. điều khiển xe máy chở 2 người bạn về nhà rồi va chạm với một xe tải cùng chiều. Hậu quả, K. chấn thương sọ não, hôn mê sâu, được chuyển tuyến lên Bệnh viện Việt Đức, còn hai người bạn bị nhẹ hơn được cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. “Trước khi đi chơi, bố mẹ đã nhắc nhở K. không được uống bia rượu và không lái xe máy vì em chưa đủ tuổi. Thế nhưng tai nạn thương tâm lại xảy ra vào đúng đêm mùng 2 Tết”, chị Ng. cho biết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Bệnh viện Việt Đức cho hay, trong những ngày Tết bệnh viện liên tục tiếp nhận bệnh nhân TNGT. Nếu ngày mùng 1 Tết số bệnh nhân có giảm so với ngày 30 với 95 ca cấp cứu, trong đó 76 ca TNGT, thì từ ngày mùng 2 số bệnh nhân TNGT tăng lên 128 ca, với 30 ca chấn thương sọ não; mùng 3 Tết có 126 ca TNGT cấp cứu, 92 ca chấn thương sọ não và ngày mùng 4 Tết là 119 ca TNGT với 56 ca chấn thương sọ não…

Theo BS. Vũ Văn Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu (Bệnh viện Việt Đức), số bệnh nhân cấp cứu trong những ngày Tết vừa qua có tới 80% là các ca TNGT, trong đó 60% có liên quan đến bia rượu.

“Các kíp trực làm việc hết sức vất vả, vừa cấp cứu, vừa phân loại bệnh nhân để chuyển bớt những người bị chấn thương nhẹ đến các bệnh viện khác. Bệnh viện đã huy động tối đa y, bác sĩ, thiết bị, mỗi ngày phẫu thuật từ 25-35 ca, chủ yếu phẫu thuật sọ não, bụng, ngực và tứ chi cho bệnh nhân TNGT”, BS. Hà nói.

Bệnh nhân tăng đều mỗi ngày Tết

Tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong 6 ngày qua đã phải gồng mình tiếp nhận gần 700 bệnh nhân. Sau khi cấp cứu, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến các chuyên khoa trong bệnh viện hoặc bệnh viện lân cận để giảm tải. Trong số hàng trăm bệnh nhân nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, chủ yếu do lạm dụng rượu, bia dẫn đến xuất huyết tiêu hóa, viêm tụy cấp, men gan tăng cao và xơ gan.

TS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong đợt Tết Mậu Tuất, bệnh nhân bị bệnh nội khoa, mãn tính (hô hấp, tiêu hóa, cơ xương khớp) nhập viện gia tăng đột biến so với năm trước.

Nếu trong ngày 29 - 30 Tết, các khoa, phòng của bệnh viện đã rà soát, chỉ còn lại các bệnh nhân nặng với khoảng 1.000 người, thì số bệnh nhân tăng lại rất nhanh từng ngày sau đó do người bệnh về nhà ăn uống, sử dụng thuốc không đảm bảo và có thêm nhiều ca mắc mới. Ngay trong sáng mùng 1 Tết đã tăng lên 1.200 ca. Tiếp đó, trung bình mỗi ngày có thêm 100 ca và đến ngày mùng 5, số bệnh nhân nằm điều trị đã gần 1.500 người.

Mặc dù dịp Tết năm nay, chỉ có 5 ca ngộ độc rượu được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong đó 1 trường hợp tử vong, nhưng ông Hùng nhận định đó chỉ là những ca quá nặng cần sự can thiệp của y tế. Vì thực tế, tình trạng sau uống rượu nôn mửa (dạng ngộ độc mức độ nhẹ) ở tại các gia đình thì rất nhiều.

“Mọi người cần hiểu không chỉ uống rượu đến khi phải nhập viện mới nguy hiểm, mà uống rượu là gây độc cho gan. Bởi, uống rượu không gây ra cái chết tức thì, nhưng lâu dài sẽ gây xơ gan, viêm tụy... Từ xơ gan đến khi tử vong là cả một quá trình dài điều trị tốn kém cả kinh tế và công sức, đó là gánh nặng cho gia đình, xã hội”, ông Hùng khuyến cáo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.