Hạ tầng

Giấc mơ xa vời về cây cầu qua sông Kôn

22/09/2021, 14:00

Giấc mơ về một cây cầu nối đôi bờ sông Kôn của người dân xã Tây Bình (huyện Tây Sơn, Bình Định) chưa biết khi nào mới thành hiện thực.

Hơn 20 năm nay, người dân xã Tây Bình (huyện Tây Sơn, Bình Định) phải đối diện với nguy hiểm luôn thường trực khi di chuyển qua lại sông Kôn trên chiếc cầu tre tạm bợ.

img

Người dân cận kề nguy hiểm khi đi qua cầu tre An Chánh mỗi ngày

Nín thở qua cầu

Bóng chiều đổ xuống sông Kôn lấp lóa, ông Văn Minh Thiện (66 tuổi, trú thôn An Chánh, xã Tây Bình) nhọc nhằn vác đống tre mới vót từ nhà ra giữa cầu An Chánh để thay lại những thanh tre cũ đã gãy.

Đây là công việc thường ngày trong suốt 20 năm qua của ông, từ thuở cây cầu tre này mới được làm (năm 2000). Ông Minh là thành viên trong ban quản lý cầu tre An Chánh.

Ngày ấy, do nhu cầu qua bên kia bờ để vào được trung tâm huyện Tây Sơn giao thương, buôn bán, người dân xã Tây Bình xin chính quyền đứng ra làm tạm cây cầu tre này.

Thời điểm đó, ông cùng 6 người dân khác trong thôn đứng ra nhận làm cây cầu này. Cầu tre An Chánh có chiều dài 600m, nối hai xã Bình Nghi và Tây Bình.

Nói là cầu, bởi nó nối đôi bờ sông Kôn cho người dân qua lại, nhưng thực chất đây là những thanh tre mỏng được đan lại với nhau và chằng buộc bằng sợi thép.

Phần chân cầu cũng chỉ là những thanh gỗ cắm sâu xuống lòng sông để cố định, làm bệ đỡ gánh trọng tải thân cầu. Mỗi lần có xe máy chạy qua, những thanh tre rung lên bần bật, tựa hồ như chỉ cần một cơn gió mạnh là có thể hất văng cả người lẫn xe xuống lòng sông đục ngầu cuồn cuộn.

Ông Thiện vừa lom khom thay những thanh tre đã mục nát, vừa lắc đầu ngao ngán: “Cầu làm bằng tre nên hư suốt. Những năm gần đây, việc khai thác cát của các doanh nghiệp gần đó khiến chân cầu bị sụp. Mỗi lần nghe báo cầu bị gãy mấy thanh tre là tôi phải chạy đi chặt tre, vót những thanh khác rồi ra đan lại ngay vì sợ người dân đi qua lọt xuống dưới”.

Quan sát của PV Báo Giao thông, dù chỉ là cầu tre tạm bợ, nhưng mỗi ngày có hàng trăm lượt người và phương tiện qua lại.

Bề ngang cầu chỉ rộng tầm 1m, lại không có lan can nên cứ mỗi lần qua cầu ai cũng thót tim, bởi chỉ cần một chút bất cẩn là người và phương tiện có thể rơi xuống sông.

Anh Hải, một người dân địa phương cho biết: “Tôi làm công nhân cho một công ty gạch bên xã Tây Xuân nên qua lại cầu mỗi ngày. Dù vậy, đến giờ vẫn cứ nín thở mà đi. Sợ lắm. Nhất là ở đoạn giữa cầu, nước thì chảy phía dưới gây ảo giác, còn mặt cầu cứ rung lên bần bật. Chỉ đàn ông cứng tay lái mới dám qua cầu này, còn phụ nữ thì chịu. Đi không cẩn thận là ngã xuống sông liền”.

Đứng nép một bên cho phương tiện khác chạy qua, anh Tuấn Anh (36 tuổi) nói thêm: “Biết là nguy hiểm, nhưng hàng ngày chúng tôi vẫn thường xuyên qua lại cầu An Chánh vì đây là con đường ngắn và tiện lợi nhất. Chỉ mong sao sớm có một cây cầu kiên cố qua đây để người dân đỡ nguy hiểm và lo sợ”.

Khó đầu tư cầu mới vì kinh phí quá lớn

img

Ông Văn Minh Thiện dùng tre “vá” lại thân cầu mục nát

Theo các cán bộ UBND xã Tây Bình, việc người dân té ngã, rơi xuống sông, hư hỏng phương tiện khi qua cầu tre An Chánh xảy ra thường xuyên.

Dù biết nguy hiểm nhưng họ vẫn chọn qua cầu vì đây là con đường ngắn nhất dẫn vào trung tâm huyện.

Bởi nếu đi đường vòng xuống cầu An Thái (thị xã An Nhơn) phải mất thêm gần 20km. Hoặc lên phía trên để đi qua cầu Phú Phong cũng phải mất quãng đường xa hơn.

Những mùa lụt năm 2018, 2019, cầu tre An Chánh đều bị lũ cuốn trôi, người dân phải làm lại cầu tre mới, tốn hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

“Điều này khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều bất tiện. Nếu có việc đột xuất phải đi xuống cầu An Thái để qua bờ bên kia rất tốn thời gian và quãng đường cũng khó khăn hơn. Do đó, nhiều năm qua, chúng tôi luôn mong mỏi có một cây cầu kiên cố, giúp hạ tầng giao thông đồng bộ hơn, kết nối được với tuyến ĐT636B và ra QL19 một cách thuận lợi, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”, ông Thương nói.

Ông Phan Chí Hùng, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết, trong đồ án phát triển đô thị Tây Sơn tới năm 2035 và danh mục công trình trung hạn, huyện có đề nghị xây cầu này bởi nó đáp ứng nguyện vọng của người dân cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, qua khảo sát, nguồn vốn đầu tư cho cây cầu này lên đến gần 250 tỷ đồng nên việc xây dựng rất khó thực hiện trong giai đoạn này.

Trong khi đó, ông Trần Thanh Dũng, Giám đốc Sở GTVT Bình Định cho biết, cây cầu dài hơn 500m, kinh phí thực hiện lên đến cả trăm tỷ đồng nên không thể thực hiện được bởi nguồn vốn quá lớn. Trong danh mục giai đoạn 2021 - 2025 được tỉnh phê duyệt không có cây cầu này.

Ông Phạm Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Tây Bình cho biết, cầu tre An Chánh phục vụ cho nhu cầu đi lại của khoảng 200 hộ dân địa phương. Tuy nhiên, chỉ đi lại được vào ban ngày và mùa nắng, bởi ban đêm tối trời và mùa mưa nước dâng không thể qua cầu được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.