Chuyện dọc đường

Giải bài toán lợi ích kinh tế

17/08/2017, 07:16

Thực tế đã chứng minh, một tuyến đường cao tốc, quốc lộ mới hình thành đều rút ngắn thời gian đi lại, giảm tải...

8

Hàng dài xe container, xe tải trọng lớn nối đuôi nhau đi vào TL380, TL385 giao với đường sắt vị trí Km 26+500 để né trạm thu phí QL5

Bởi, khi hành trình được rút ngắn, xe được chạy trên đường êm thuận, chi phí nhiên liệu tiêu thụ của xe sẽ giảm, tuổi thọ xe tăng lên, tài xế tiết kiệm được thời gian.

Nhìn xa hơn, một tuyến đường được mở mới, nâng cấp, không chỉ đem lại thuận lợi và an toàn cho người tham gia giao thông, mà còn kéo theo sự phát triển KT-XH không chỉ của một xã, một huyện hay một tỉnh, mà thậm chí cả vùng.

Thế nhưng, cứ mỗi khi trạm thu phí vừa hình thành, thì chỉ vài ngày sau, cánh tài xế đã rỉ tai nhau những “con đường máu” né trạm thu phí, dù các cung đường né trạm thu phí ấy đều xấu hơn, xa hơn, mất an toàn hơn. Cánh tài xế chọn né trạm thu phí bởi cứ nghĩ, mỗi lần né trạm, một chiếc xe có thể tiết kiệm vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Nhưng ít ai nghĩ rằng, khi lưu thông trên địa hình phức tạp, chất lượng đường thấp, đương nhiên về lâu dài sẽ dẫn đến hao mòn xe (máy móc, lốp, chi phí bảo dưỡng). Và càng hiếm người nhìn rộng hơn, những con đường, cây cầu của khu dân cư, đường thôn xóm, đường xã, huyện, đường tỉnh vốn được thiết kế chỉ dành cho lưu lượng xe ít, tải trọng thấp, bỗng nhiên phải cõng khối lượng xe lớn hơn sẽ nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, mất ATGT.

Để hạn chế tình trạng xe né trạm thu phí, nhiều địa phương đã triển khai các biện pháp cấm đường, kiểm tra, xử lý, tuyên truyền… Điển hình, Hải Dương đã quyết liệt cấm xe tải trọng lớn vào một số tuyến đường, một số cung giờ. Nhiều địa phương tăng cường kiểm soát tải trọng xe, thậm chí có địa bàn dân cư tự lập barie thu tiền xe chạy qua để bù đắp chi phí sửa chữa đường sá...

Nhưng, hiệu quả thực tế của những giải pháp này chưa được như kỳ vọng. Bởi, cứ cấm tuyến đường này lái xe lại tìm ra cung đường khác, cấm giờ này thì lái xe lại dừng đỗ chờ hết giờ cấm để chạy qua. Việc tăng cường TTKS, cân xe cũng không đem lại hiệu quả khi xử lý xe né trạm, bởi nếu xe vẫn chở đúng tải trọng, đầy đủ các điều kiện tham gia giao thông, tài xế không phạm luật thì lực lượng chức năng không thể xử phạt vì xe không chạy vào đường cấm. Còn tự lập barie thu tiền là hành động tự phát, sai luật, dễ gây nhiều hậu quả khó lường.

Có ý kiến cho rằng, cấm đường, tăng cường TTKS, cân tải trọng xe... chỉ là những giải pháp “cắt ngọn” xe quá tải. Để giải quyết cái “gốc” vấn đề, cần có sự tính toán lại bài toán kinh tế, làm sao vừa thu hút được nguồn vốn xã hội để đầu tư giao thông cho dân có đường tốt, an toàn hơn, vừa hài hòa lợi ích kinh tế giữa chủ đầu tư và người tham gia giao thông. Có như thế, xe không né trạm, trạm thu phí đỡ thất thu và hiệu quả tuyến đường được đầu tư, nâng cấp mới được khai thác tốt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.