Điện ảnh

Giải mã sức hút phim Thương nhớ ở ai

21/11/2017, 09:05

20 năm sau Bến không chồng, đạo diễn Lưu Trọng Ninh trở lại với một phiên bản truyền hình với cái tên mông lung...

20

Một cảnh trong bộ phim “Thương nhớ ở ai”

20 năm sau Bến không chồng, đạo diễn Lưu Trọng Ninh trở lại với một phiên bản truyền hình với cái tên mông lung: Thương nhớ ở ai, dài 34 tập phát sóng từ ngày 4/11 trên VTV3 có sức hút lớn với khán giả. Phim có những đổi mới nhất định, nhưng giá trị cốt lõi là tái hiện thân phận con người hậu chiến tranh vẫn được giữ nguyên không thay đổi.

Bi kịch con người

Kịch bản Thương nhớ ở ai có sự tổng hòa của nhiều chất liệu, mà thân phận bi kịch của người phụ nữ trội hơn cả. Cơ bản vì bối cảnh phim thấm đẫm chất bi: Giai đoạn miền Bắc xây dựng chế độ mới, chi viện cho miền Nam. Bom đạn tạm yên, các vết thương vẫn còn âm ỷ. Con người vừa trải qua chiến tranh lại tiếp tục đối mặt với một thời kỳ cải cách khốc liệt. Trong không gian đầy truân chuyên ấy, nói như đạo diễn Lưu Trọng Ninh thì “gánh nặng nhân gian thường rơi vào đầu người phụ nữ”. Nguyễn Vạn, anh lính phục viên do bị thương tật trở về làng Đông. Đón tiếp anh là cảnh một phụ nữ chửa hoang bị cạo đầu bôi vôi, thả trôi sông. Từ đó, mở ra hàng loạt phận đời phụ nữ còn thê thảm hơn thế.  

Phim mô tả khéo léo những tác nhân gây khổ đau cho người phụ nữ. Chiến tranh là tác nhân chính, nhưng không hiện hữu cụ thể. Dưới lớp vỏ yên bình của làng Đông, biên kịch lồng vào những cảnh tượng ám ảnh như hàng chục phụ nữ ngồi ở sân đình cười đùa, mà hỏi ra mới biết họ là hội góa chồng. Hay chi tiết anh chồng dằn mặt vợ không được lăng nhăng, cô vợ cãi: “Làng này còn lại được mấy mống đàn ông?”. Chiến tranh đã cướp đi quá nhiều, để lại những vết thương đang khép miệng hờ, động tới là đau nhói. Sau cơn đau ấy là một chuỗi những tư tưởng và định kiến trói buộc con người, hoặc là tập tục cổ hủ, hoặc là quan điểm cách mạng mới. Phim đầy những cảnh đám đông tụ tập thóa mạ, chỉ trích cô gái chửa hoang, hay ném đá phỉ báng Nương vì làm nghề con hát. Gay gắt, nhưng là cách diễn đạt thực tế cho một thời kỳ đầy đau khổ của người phụ nữ Việt Nam.

Trên hết, người phụ nữ trong Thương nhớ ở ai bị giằng xé giữa phản kháng và cam chịu. Hai dòng cảm xúc mâu thuẫn sôi sục ngay từ đầu, nhưng được khắc họa một cách tinh tế. Góa phụ Nhân khao khát một thứ tình yêu tươi mới, nhưng sau từng cử chỉ thân mật với Nguyễn Vạn đều giật mình thon thót vì mặc cảm tội lỗi. Hay Nương, dù bên ngoài cong cớn, thách thức cả thiên hạ thì trong một phút trải lòng vẫn thú nhận: “Về đây (Làng Đông - PV) chị vẫn cảm thấy bình yên, dù cho bị khinh ghét”.  

Giàu nét mới

Khó có thể so sánh những Lâm Vissay (vai Vạn), Ngọc Anh (vai Nhân)... với Lưu Trọng Ninh, Minh Châu khi trước. Nhưng đột phá của phim nằm ở chỗ đã dám đổi mới nhân vật cũ, hay sáng tạo ra nhân vật mới để mở rộng biên độ câu chuyện rộng hơn. Nhờ có sự góp mặt mới mẻ của Đột (Jimmy Khánh), Quất (Thiện Tùng), Nương (Thảo Hương)... phim khắc họa được thêm các góc cạnh nhức nhối mà điển hình là lề thói cán bộ thời bao cấp, nhũng nhiễu, hạch sách người nông dân ít học. Bản thân đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng chia sẻ: “Phim điện ảnh co cụm trong một khoảng thời gian rất ngắn. Phim truyền hình có nhiều thời gian để làm mọi thứ rộng hơn”, dẫn tới sáng tạo là yếu tố cần thiết.

Thương nhớ ở ai hé lộ thêm tín hiệu đáng mừng cho công tác phục dựng những bối cảnh phi hiện đại. Không gian làng Đông hiện lên với đầy đủ những cây đa, bến nước, sân đình, bộ ba tiểu cảnh kinh điển của nông thôn Việt. Flycam được ứng dụng có kiểm soát, đặc biệt khéo léo thu lấy các con ngõ, hẻm tường gạch rêu phong đặc trưng của đồng bằng Bắc bộ. NSƯT Hoàng Tích Thiện, đạo diễn hình ảnh của bộ phim thừa nhận: “Đoàn làm phim đã phải quay ở rất nhiều không gian khác nhau để nối lại thành hình ảnh một làng quê, bên cạnh đó là việc đưa vào các cảnh quay kỹ xảo”. Trên thực tế, đoàn đã phải đi qua 18 ngôi làng nổi tiếng nhất miền Bắc mới chọn được những bối cảnh ưng ý.

Xa hơn, việc lồng ghép chất liệu âm nhạc cổ điển còn tạo chiều sâu cho phim. Ca trù và hát xẩm thiên về các câu hát ưu tư buồn bã, nay hô ứng nhịp nhàng với tình huống phim. Trong cảnh đầu tiên, một điệu xẩm được lồng vào cảnh cô gái chửa hoang bị thả trôi sông có vẻ vô thưởng, vô phạt. Nhưng khi chiếc bè chuối lạc trên sông khuất dần, câu hát “Nơi dòng đời trôi xao xác. Ai biết không?” bất thần vang lên, đầy ám ảnh. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh khẳng định, đã “dâng lên khán giả một ngôi làng đẹp nhất chưa từng có”, còn tác giả tiểu thuyết gốc - nhà văn Dương Hướng cho rằng Thương nhớ ở ai “tái hiện không gian văn hóa, cảnh đời sống nông thôn nhiều hơn, rõ nét hơn so với Bến không chồng”.

Có một trào lưu đang lên ở phim truyền hình Việt Nam, đó là tận dụng các thương hiệu đã cũ. Phần lớn vấp phải thách thức về đổi mới, thích nghi với khán giả hiện đại. Về điểm này, Thương nhớ ở ai là một trường hợp hiếm hoi lột xác thành công. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.