Hạ tầng

Giảm 50% tiền bảo dưỡng thường xuyên, vẫn đấu thầu thành công

06/07/2015, 13:25

Năm 2015, Bộ GTVT tiếp tục có chủ trương duy trì mức vốn bảo dưỡng thường xuyên bằng với năm 2014.

62
 

Đầu năm 2014, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN xây dựng kế hoạch với đơn giá sản phẩm bảo dưỡng thường xuyên (BDTX) tiết giảm 50% chi phí so với năm 2013. Năm 2015, Bộ GTVT tiếp tục có chủ trương duy trì mức vốn BDTX bằng với năm 2014.

Tiền giảm một nửa, tiết kiệm nhiều tỷ đồng

Như vậy, số tiền chi BDTX trên 18 nghìn km quốc lộ từ đầu năm 2014 đến nay chỉ còn gần 700 tỷ đồng so với 1.400 tỷ đồng nếu tính theo con số 50 triệu đồng cho 1 km đường năm 2013. Ông Vũ Xuân Lai, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, giữa năm 2014, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GTVT về đổi mới công tác BDTX, Tổng cục Đường bộ VN đã tổ chức đấu thầu 34 đoạn, tuyến đường, tương đương 30% hệ thống quốc lộ với mức kinh phí 25 triệu đồng/km/năm. Tiêu chí nghiệm thu đưa ra đầy đủ các yêu cầu cho việc bảo dưỡng một tuyến đường. Khi đó, quá trình tổ chức đấu thầu không lựa chọn được nhà thầu vì các nhà thầu đều bỏ giá vượt 2 - 4 lần so với giá 25 triệu.

"Việc đấu thầu BDTX và BDTX ghép với bảo dưỡng định kỳ thành công là tiền đề để ngành Đường bộ đấu thầu với thời gian BDTX kéo dài 5 năm hoặc hơn nữa. Kết quả đấu thầu BDTX quốc lộ với việc giảm 50% chi phí và linh hoạt trong tổ chức thực hiện còn giúp các địa phương tham khảo, vận dụng trong đấu thầu các tuyến đường tỉnh và đường địa phương”.

Ông Nguyễn Xuân Cường

Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN lý giải, năm 2014, khi đấu thầu BDTX không thành công, Tổng cục đã báo cáo Bộ GTVT xin điều chỉnh giảm một số tiêu chí. Sau đó, Tổng cục đã cắt và hạ thấp một số tiêu chí. Trong đó, phần sửa chữa mặt đường không có trong BDTX.

Trên cơ sở định mức quy định của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị lập giá sản phẩm dịch vụ công ích công tác BDTX trên cơ sở không vượt hạn mức. Cùng đó, Tổng cục Đường bộ VN cũng lựa chọn những nội dung công việc chính, tập trung cho hệ thống ATGT, thoát nước… Còn những công việc khác có thể bỏ hoặc giảm tần suất. Đơn cử như công tác đếm xe phục vụ cho công tác quản lý, theo quy định trước đây là một tháng một lần, giờ giảm xuống một quý một lần.

“Do vậy, đến nay các Cục Quản lý đường bộ và Sở GTVT đã cơ bản hoàn thành công tác đấu thầu quản lý và BDTX quốc lộ. Đã có 126/128 gói thầu có kết quả đấu thầu. Giá trị 126 gói đã ký kết hợp đồng trúng thầu trên 1 nghìn tỷ đồng, tiết kiệm 72 tỷ đồng, giảm 8% so với dự toán được duyệt”, ông Cường nói.

Tiền đề để nhân rộng mô hình

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, đề án đổi mới toàn diện công tác bảo trì đường bộ đặt ra mục tiêu, hết năm 2015, đấu thầu toàn bộ công tác BDTX quốc lộ. Tuy nhiên, đến nay việc này đã cơ bản hoàn thành, sớm hơn nửa năm so với lộ trình của đề án.

Việc đấu thầu cũng có nhiều kết quả tích cực, ngoài doanh nghiệp truyền thống, có cả doanh nghiệp tư nhân trúng thầu. “Các doanh nghiệp truyền thống chưa chuyển đổi về nhận thức và đổi mới hoạt động bị “đứng ngoài cuộc” và buộc phải giao “sân nhà” cho nhà thầu khác thực hiện BDTX. Các doanh nghiệp trúng thầu mạnh dạn đầu tư thiết bị, công nghệ vào lĩnh vực bảo trì. Đơn cử như các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi và Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp mua máy cào bóc để xử lý hằn lún vệt bánh xe và cào bóc tái sinh bê tông nhựa”, ông Cường thông tin.

Hết năm 2017, sẽ kết thúc thời gian ba năm hợp đồng đã đấu thầu công tác BDTX. Trên cơ sở kế hoạch trung hạn của công tác bảo trì đường bộ, Tổng cục Đường bộ VN sẽ nghiên cứu tổ chức đấu thầu khoảng 50% hệ thống quốc lộ theo hướng gộp cả sửa chữa thường xuyên và sửa chữa định kỳ vào một gói thầu. Hình thức này có nhiều ưu việt, vì khi sửa chữa định kỳ nhà thầu làm tốt, đến khi BDTX sẽ giảm nhiều chi phí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.