Chuyện dọc đường

Giám sát bằng luật thay vì lời khuyên

28/01/2015, 16:34

Từ khi bắt đầu thực hiện lắp đặt TBGS hành trình đã có không ít lời ra tiếng vào về chủ trương tốn kém.

giam-sat-bang-luat-thay-vi-loi-khuyen
 

Cũng vì thế mà lộ trình bắt buộc lắp đặt đã liên tục phải điều chỉnh, giãn tiến độ để các nhà xe thấm nhuần lợi ích cho chính doanh nghiệp và trách nhiệm đối với xã hội trong bảo đảm ATGT, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải. Xem tiếp trang 8

Đến nay, việc bắt buộc lắp đặt TBGSHT đã được thực hiện gần một năm và thực sự có những bước tiến dài. Loại thiết bị được ví như “bàn tay vô hình” giám sát hoạt động vận tải này đang hàng ngày, hàng giờ có mặt trên hơn 80 nghìn chiếc xe khách để truyền những dữ liệu quan trọng nhằm bảo đảm an toàn sinh mạng cho hành khách và giúp các doanh nghiệp vận tải biết được chiếc xe của mình đang ở đâu và hoạt động như thế nào trên khắp các cung đường. Đây được coi là một thành công lớn trong công tác quản lý vận tải. Vì thế, thời gian tới, hàng vạn chiếc xe kinh doanh vận tải khác như: Taxi, container... cũng bắt buộc phải lắp đặt theo đúng lộ trình.

Những kết quả thu được từ việc giám sát từ xa, phạt nguội bằng công nghệ không chỉ cho thấy sự hiện đại hóa công tác quản lý vận tải, mà quan trọng hơn là sự thay đổi trong phương pháp tiếp cận, đó là chủ trương “túm người có tóc”, nghĩa là xử lý các doanh nghiệp vận tải chứ không chỉ xử phạt người làm thuê là các lái xe vốn chỉ biết tuân lệnh ông chủ.

Nhờ có những thông tin từ TBGSHT, cơ quan quản lý vận tải đã soi rõ tình hình chấp hành thể lệ vận tải của từng doanh nghiệp, chấp hành pháp luật của từng lái xe và tiến hành xử lý trực tiếp đối với chủ thể quan trọng nhất có thể gây ra những nguy cơ trên đường là doanh nghiệp vận tải.

Điều này đã buộc nhiều doanh nghiệp phải xem xét lại cung cách điều hành, tổ chức lại hoạt động kinh doanh nếu không muốn bị xử phạt như: Xử phạt hành chính, tước phù hiệu, thậm chí có thể tước giấy phép kinh doanh... Hiệu quả đã thấy rõ khi số vụ tai nạn liên quan đến xe khách đã giảm mạnh sau khi dữ liệu của thiết bị này được sử dụng để xử phạt.

Để thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa của loại thiết bị này chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Ngoài việc hoàn thiện các văn bản qui phạm pháp luật để quản lý chất lượng, độ tin cậy của thiết bị và các cách thức sử dụng dữ liệu quản lý thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan như: Bộ Công an, Sở GTVT và chính quyền các địa phương. Nói như Bộ trưởng Đinh La Thăng, đó là sự thay đổi trong tiếp cận và xử lý vấn đề để “quản lý bằng luật pháp thay vì lời khuyên”.

Làm được như vậy cũng loại bỏ được hiện tượng bảo kê, hay can thiệp dưới mọi hình thức của lãnh đạo các địa phương để xử phạt nghiêm minh các doanh nghiệp cố tình vi phạm.

Ngọc Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.