Hạ tầng

Gõ cửa từng nhà "xin" mặt bằng làm cầu Ngô Sĩ Liên

24/03/2014, 07:06

Dù được triển khai theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên, quá trình xây dựng cầu vượt Ngô Sĩ Liên lại gặp rất nhiều vướng mắc trong công tác GPMB.

Cầu vượt hoàn thành đã xóa được điểm đen TNGT khu vực nút giao Ngô Sĩ Liên
Cầu vượt hoàn thành đã xóa được điểm đen TNGT khu vực nút giao Ngô Sĩ Liên


Giải quyết điểm “cực nóng” về mất ATGT


Trước đây, khu vực cầu vượt Ngô Sĩ Liên là một trong những điểm đen phức tạp nhất về trật tự ATGT trên địa bàn TP Đà Nẵng bởi đường ngang dân sinh qua đường sắt chằng chịt và mật độ sinh viên các trường đại học, nhất là Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và nhân dân sống dọc hai bên đường tham gia giao thông rất lớn. 


Theo lãnh đạo Ban ATGT Đà Nẵng, trước năm 2005, khu vực nút giao Ngô Sĩ Liên là điểm “cực nóng” vì năm nào cũng có hàng chục người bị tai nạn, nhiều người tử vong khi băng qua các đường ngang dân sinh chằng chịt này. Trước tình thế cấp bách như vậy, Đà Nẵng đã phải thành lập riêng một Tổ cảnh giới đảm bảo ATGT đường sắt tại đây. Nhưng hoạt động của Tổ cảnh giới này cũng có hạn, không thể căng sức 24/24h nên TNGT vẫn thường xuyên xảy ra. Chỉ có cây cầu vượt hiện đại mới có thể giải được bài toán mất ATGT tại các đường ngang phức tạp này. Chính vì thế, theo đề nghị của địa phương và ngành Đường sắt, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý xây dựng cầu vượt đường sắt Ngô Sĩ Liên vào chương trình xây dựng cầu vượt khẩn cấp theo Lệnh của Thủ tướng Chính phủ.

Chạy vạy nhờ “can thiệp” thúc GPMB


Cầu vượt đường sắt Đà Nẵng được khởi công từ tháng 9/2012. Đây cũng là công trình mà Tổng công ty ĐSVN chọn làm mốc chính thức phát lệnh khởi công xây dựng toàn bộ hạng mục công trình thuộc giai đoạn 2 kế hoạch 1856 trên toàn quốc với mục tiêu là xóa bỏ các đường ngang dân sinh mở trái phép qua đường sắt, giải quyết ách tắc giao thông đường bộ qua đường ngang, đồng thời đảm bảo an toàn chạy tàu.


Toàn bộ cầu được xây mới là hơn 316m, trong đó chiều dài cầu là 145m, đường hai đầu cầu gần 171m. Hướng tuyến bám sát tuyến đường Ngô Sĩ Liên cũ, kết nối với đường trục I phía Tây Bắc của TP Đà Nẵng. Tổng kinh phí  xây dựng cầu là 110 tỷ đồng (chưa bao gồm GPMB, đường gom) bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do Công ty TNHH MTV Quản lý đường sắt Thanh Hóa thi công, Ban QLDA Đường sắt khu vực 2 làm đại diện chủ đầu tư và tư vấn giám sát.
 

Cầu vượt đường sắt Ngô Sĩ Liên được xây dựng mới vĩnh cửu, tốc độ thiết kế 40km/h, độ dọc tối đa của đường hai đầu cầu 4%, hoạt tải xe ô tô HL93, chiều cao tĩnh không 4.75m đảm bảo tĩnh không của tuyến đường gom chui dưới cầu. Phần cầu vượt gồm 7 nhịp dầm bản 20m bê tông cốt thép dự ứng lực. Mặt cắt ngang cầu 11m. Kết cấu phần trên gồm 7 nhịp dầm bản cao 0.75m, mặt cắt ngang 11 dầm. Kết cấu phần dưới là mố chữ U bê tông cốt thép, móng cọc khoan nhồi. 

Tuy công trình không lớn về quy mô, nhưng lại mang ý nghĩa vô cùng lớn đối với nhân dân thành phố bên bờ sông Hàn. Lần đầu tiên, Đà Nẵng triển khai xây dựng một công trình cầu vượt đường sắt với kiến trúc đẹp, hài hòa với cảnh quan và ý nghĩa hơn khi cây cầu hoàn thành sẽ xóa bỏ được "điểm nóng” đã tồn tại trong hàng chục năm về mất trật tự ATGT và gây ra nhiều vụ TNGT thương tâm. Người dân nơi đây không còn cảnh hàng ngày, hàng giờ nơm nớp lo mỗi khi đi băng qua đường ngang vốn được gọi là nút giao “tử thần” này.

Mặc dù vậy, quá trình triển khai xây dựng công trình, các đơn vị thi công gặp phải không ít thách thức. Do đây là công trình “đầu tay” của ngành Đường sắt TP Đà Nẵng nên nhiều công đoạn gặp phải vướng mắc khó gỡ, nhất là công tác đền bù giải tỏa. Nhiều tháng bắt tay vào thi công, nhưng khối lượng công việc chẳng được là bao, mặt bằng tắc vẫn hoàn tắc. Ban QLDA Đường sắt khu vực 2 cùng nhà thầu phải xắn tay, lặn lội đến “gõ cửa” từng ban, ngành của địa phương, thậm chí đến từng nhà dân để vận động bàn giao từng mét mặt bằng. 


Nhớ lại quãng thời gian đó, ông Đặng Sỹ Mạnh - Giám đốc Ban QLDA ĐS khu vực 2 vẫn lắc đầu ái ngại: “Đúng là giai đoạn đầu thi công cầu vượt đường sắt Ngô Sĩ Liên hết sức cực nhọc. Cả một thời gian dài, nhà thầu đã tập kết máy móc, vật tư thiết bị đâu vào đấy, đã đổ bê tông trụ nhịp giữa rồi nhưng dân vẫn không chịu giao mặt bằng. Tất cả máy móc cứ nằm phơi sương, nắng. Công nhân thì ngồi chơi. Sốt ruột lắm, nhưng mặt bằng chẳng có nên đành chịu”.


Cũng theo ông Mạnh, nhận thức được tầm quan trọng của công trình nên ngành Đường sắt đã chủ động áp giá đền bù hợp lý, đầy đủ, nhưng không hiểu sao, dân vẫn một mực không bàn giao mặt bằng. Do đây là dự án làm theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng, không thể chần chừ nên từ Ban QLDA đến các nhà thầu đều đứng ngồi không yên. Nếu vướng mắc không được tháo gỡ, công trình không hoàn thành đúng hạn, ngoài việc không hoàn thành nhiệm vụ, giảm hiệu quả vốn đầu tư, còn giảm đi nhiều ý nghĩa của một công trình khẩn cấp mà Thủ tướng đã chỉ đạo.


“Chúng tôi phải chạy vạy khắp nơi, thậm chí lên tận UBND TP Đà Nẵng để xin ý kiến chỉ đạo và nhờ can thiệp. May mà có các anh trên ấy đã hiểu và chia sẻ được nỗi lo này và đã cùng chúng tôi tìm đủ mọi phương cách, từ vận động, tuyên truyền đến cưỡng chế nên nút thắt trường kỳ mặt bằng mới được tháo” - ông Mạnh nhớ lại.

Thường trực tư thế “ngay” và “luôn”


Với tính chất vô cùng cấp bách của cầu vượt Ngô Sĩ Liên, ông Đặng Sĩ Mạnh cho biết, ngành Đường sắt yêu cầu Ban QLDA vừa triển khai thiết kế, vừa thi công để đảm bảo tiến độ. Cùng với việc xây dựng cầu, Ban QLDA đường sắt khu vực 2 và các nhà thầu cũng tiến hành xây dựng hệ thống đường gom dọc tuyến đường sắt đi qua Đà Nẵng và đại tu, cải tạo kết cấu hạ tầng, gia cố mái ta luy những đoạn hư hỏng để đảm bảo ATGT. Khối lượng công việc rất lớn, do vậy áp lực đè lên các nhà thầu thi công không hề nhỏ.


Ông Đới Sỹ Hùng - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV QLĐS Thanh Hóa kể: “Do công trình được làm theo kiểu cuốn chiếu, nên hồi đầu, anh em nhà thầu chúng tôi luôn trong tình cảnh căng như dây đàn. Khi nào cũng phải trong tư thế ngay và luôn. Do giai đoạn đầu vướng mặt bằng nên “ngốn” của anh em mất mấy tháng trời chỉ làm cầm chừng. Trong khi đây lại là công trình làm theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng, nên mặc nhiên không thể chậm được”. 


Theo ông Hùng, giai đoạn sau, khi thành phố hậu thuẫn nên dân đồng tình ủng hộ. Người dân lúc này cũng thấy được lợi ích trực tiếp từ việc đầu tư một cây cầu vượt hiện đại này nên tự nguyện bàn giao mặt bằng cho nhà thầu. Do vậy, trong vài tháng ngắn ngủi sau này, nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực, máy móc, làm cuốn chiếu liên tục ngày đêm. Công trường chẳng lúc nào ngơi tiếng máy thi công. Công nhân làm 3 ca liên tục. Chính vì vậy, công trình nhanh chóng thành vóc, thành hình. Tháng 9/2013, sau tròn một năm từ ngày khởi công, công trình đã thông xe kỹ thuật và đưa vào sử dụng trong niềm vui khôn tả của anh em cán bộ, công nhân và người dân thành phố.


Theo Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết, cầu vượt Ngô Sĩ Liên hoàn thành và đưa vào khai thác có ý nghĩa to lớn đối với người dân thành phố. Đây là cây cầu vượt đường sắt đầu tiên được xây dựng tại Đà Nẵng, đáp ứng sự mong mỏi hàng chục năm nay của người dân. Từ nay, điểm đen TNGT này sẽ bớt “nóng”, tình hình trật tự ATGT khu vực này sẽ được đảm bảo và giảm đi nhiều những cái chết thương tâm do TNGT.

Dương Hằng Nga
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.