Giao thông

Gỡ điểm nghẽn, tăng kết nối giao thông

11/01/2019, 06:30

Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp, việc khắc phục, tháo gỡ những điểm nghẽn, tăng khả năng kết nối...

1

Bộ GTVT đang xây dựng đề án tăng cường kết nối hạ tầng giao thông nhằm phát huy hiệu quả tối đa của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có (Trong ảnh: Cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác tháng 9/2014) - Ảnh: Khánh Linh

Kỳ 1: Giao thông Tây Bắc chờ kết nối để bứt phá

Do nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch trung hạn còn hạn hẹp, nên hệ thống giao thông đường bộ kết nối khu vực miền núi phía Bắc, nhất là các tỉnh vùng Tây Bắc còn thiếu, khiến các tỉnh chưa thể kết nối thuận tiện với nhau, kết nối liên khu vực và với các cảng hiện hữu như: Đình Vũ, Lạch Huyện… để tạo đột phá phát triển KT-XH.

2
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn cùng các tuyến kết nối khi hoàn thiện sẽ “chia lửa” cho quốc lộ 1A, tạo cơ sở hạ tầng hiện đại để Lạng Sơn và các tỉnh phía Bắc phát triển kinh tế - Ảnh: HNB

Cao tốc dài nhất Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng

Năm 2014, tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác lập tức giúp GDP của tỉnh Lào Cai tăng trưởng đột phá (năm 2015, GDP Lào Cai tăng tới 3.500 tỷ đồng - con số mà theo lãnh đạo tỉnh này “trước đây có mơ cũng không dám”). Cùng đó, kim ngạch xuất nhập khẩu Lào Cai trước năm 2014 chỉ đạt 1 tỷ USD, nhưng từ năm 2015 đến nay, kim ngạch này tăng đều đặn bình quân 20%/năm. Đặc biệt, năm 2018, dự kiến kim ngạch tăng gấp 3 lần so với 2013 (đạt 3 tỷ USD). Lượng khách du lịch đến Lào Cai từ 700.000 lượt/năm (năm 2013) ước đạt 4,5 triệu lượt (năm 2018)… Các khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương đã được “lấp đầy” bởi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, việc đưa tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào khai thác còn giảm bớt áp lực, góp phần giảm thiểu ách tắc và TNGT trên các tuyến QL2, 2B, 32C, 4E và 70. Đại diện Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn Hải Vân chia sẻ, đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai giúp giảm thời gian hành trình xuống còn một nửa khi đi từ Hà Nội lên Lào Cai; nhiên liệu giảm 30%, chi phí sửa chữa giảm 10-15%, tỷ lệ TNGT, va chạm phương tiện giảm 70%. Khảo sát của doanh nghiệp, có tới 90% khách hàng thích di chuyển trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai so với di chuyển trên đường cũ.

"Hiện nay, đi qua khu vực trung du miền núi phía Bắc có 3 tuyến quốc lộ gồm: QL2, QL70 và QL32, chạy song song với tuyến cao tốc, nhưng thiếu hệ thống kết nối ngang giữa các quốc lộ vào cao tốc. Do đó, dù có cao tốc nhưng vẫn nhiều địa phương phải sử dụng hệ thống giao thông cũ, chưa phát huy được hiệu quả của tuyến cao tốc”.

Ông Đỗ Đức Duy
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái

“Sau khi có tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đội xe vận chuyển khách của chúng tôi đã tăng từ 20 xe lên 70 xe nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân các địa phương”, đại diện Công ty Hà Sơn Hải Vân nói.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng lưu tâm là lưu lượng cao nhất hiện tại của tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai mới chỉ đạt 16.000 CPU/ngày đêm, chưa đáp ứng được kỳ vọng theo phương án tài chính để đảm bảo khả năng hoàn vốn dự án. Theo ông Trịnh Xuân Trường, Giám đốc Sở GTVT - Xây dựng Lào Cai, nguyên nhân do hệ thống giao thông kết nối ngang giữa Đông Bắc - Tây Bắc còn hạn chế, kết nối các đường địa phương với cao tốc Nội Bài - Lào Cai chưa nhiều.

“Cao tốc Nội Bài - Lào Cai không chỉ kết nối các vùng kinh tế khó khăn, chậm phát triển của 5 địa phương dọc tuyến (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai) với các vùng kinh tế năng động, mà tuyến đường này còn là tuyến “kinh tế xương sống” cho cả khu vực miền núi phía Bắc. Nếu có thể kết nối tuyến cao tốc này với các tỉnh Lai Châu, Điện Biên qua nút giao IC16 bằng việc nâng cấp, cải tạo tuyến QL279, kết nối với tỉnh Hà Giang qua nút giao IC12, kết nối với Tuyên Quang, Phú Thọ qua nút giao IC10; hay việc đầu tư thêm các nút giao trên tuyến như nút giao Phố Lu, IC13, IC15 sẽ góp phần tạo hạ tầng cơ sở thuận tiện cho giao thương phát triển”, ông Trường nhìn nhận.

Cũng theo ông Trường, không chỉ cao tốc Nội Bài - Lào Cai, khu vực này còn có QL279 là tuyến huyết mạch liên tỉnh nối các tỉnh miền núi phía Bắc gồm: Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên với nhau. Điểm đầu tại ngã tư Ao Cá giao với QL18 thuộc địa phận TP Hạ Long (Quảng Ninh) và kết thúc tại cửa khẩu Tây Trang (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), có ý nghĩa quan trọng trong việc thông thương hàng hóa trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện tuyến đường này đang bị hư hỏng nặng, cần được cải tạo, nâng cấp để tăng cường kết nối ngang khu vực Đông Bắc - Tây Bắc. Đây chính là những điểm nghẽn lớn trong việc liên kết vùng và thúc đẩy phát triển của cả khu vực.

3

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Khánh Linh

Kết nối để lan tỏa

Để tháo gỡ điểm nghẽn này, ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, tới đây cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến đường nối TP Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, bởi đây là tuyến đường có vai trò quan trọng kết nối giữa tỉnh Lai Châu với Hà Nội và các tỉnh trung tâm. Khi có các đường nói trên sẽ rút ngắn thời gian lưu thông, phá thế độc đạo của QL4D, phát huy hiệu quả tối đa của đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi phía Bắc phát triển.

“Tuyến đường đi qua các trung tâm huyện lỵ chính của tỉnh Lai Châu; kết nối với các khu công nghiệp đang được đầu tư và sân bay Tân Uyên, đồng thời đi qua Đông Pao (nơi có mỏ đất hiếm trữ lượng lớn) và góp phần mở mang đời sống kinh tế cho bà con 4 dân tộc ít người ở đây; tạo thuận lợi cho việc phát triển cửa khẩu Ma Lù Thàng”, ông An nói thêm.

Trong khi đó, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, khi cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động cũng góp phần kết nối giữa các địa bàn trong khu vực với Hà Nội. Tuy nhiên, theo thống kê, đây là một trong những tuyến cao tốc vắng xe nhất Việt Nam. Nguyên nhân do thiếu hệ thống kết nối ngang vào cao tốc. Do đó, giải pháp cần thiết là bổ sung, tăng cường, nâng cấp các hệ thống kết nối ngang bao gồm các tuyến quốc lộ có sẵn kết nối ngang như: QL37, QL32C, QL2, QL70, QL32 hoặc nâng cấp một số tuyến đường tỉnh lộ tiếp cận với cao tốc. Tuy nhiên, hiện nguồn của các địa phương rất khó khăn, chưa thể nâng cấp được.

Tương tự, tại Cao Bằng, hệ thống giao thông phát triển thiếu đồng bộ đang là một cản trở lớn, đòi hỏi sớm được hỗ trợ, tạo điều kiện nhằm xây dựng, nâng cấp trong thời gian tới. Đặc biệt, tuyến cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng đang là mong mỏi lớn của lãnh đạo và nhân dân địa phương.

Giám đốc Sở GTVT Cao Bằng Lã Hoài Nam cho biết, QL4A đang phải oằn mình “phục vụ” lưu lượng lớn xe tải, container hạng nặng đưa hàng từ Lạng Sơn sang Cao Bằng nên hư hỏng nặng. Riêng QL3 đã được nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu hàng hóa, giao thương, nhiều vị trí cong cua, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

“Để lên Cao Bằng, không còn cách nào khác là phải đi đường bộ qua hai tuyến: QL3 (Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng) và QL4A (Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng) với thời gian di chuyển từ 7 - 8 tiếng bằng ô tô. Hơn nữa, cả hai tuyến đều đi qua những khu vực địa hình quanh co, hiểm trở, núi cao, suối sâu. Đặc biệt, nguy hiểm luôn rình rập khi TNGT có thể xảy ra bất cứ lúc nào dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế”, ông Nam nói.

Tại Lạng Sơn, ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh này cho biết: “Dù QL1A đã được nâng cấp, mở rộng đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa, hành khách và có độ an toàn cao nhưng với tình trạng gia tăng phương tiện đột biến, tuyến đường đang phải “gồng gánh” khá nặng cần phải có một tuyến đường để “san sẻ” đó là cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và tương lai xa hơn là cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng”.

Theo ông Hải, để khai thác hiệu quả tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, địa phương đã sớm hoàn thiện việc nâng cấp QL1A, QL4A. Để kết nối với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Lạng Sơn và Quảng Ninh đã thống nhất nâng cấp QL 4B theo tiêu chuẩn cấp III, dự kiến phía Quảng Ninh sẽ làm trước và Lạng Sơn theo sau.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN:
Dành nguồn vốn lớn đầu tư kết nối nội vùng và liên vùng

4


Liên quan đến kết nối giao thông các tỉnh phía Tây Bắc, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư với mục tiêu có được hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, đảm bảo kết nối nội vùng và liên vùng. Trong đó, về đường bộ, tập trung hoàn thành dự án “Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc” bao gồm 2 tuyến: Tuyến nối Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 147km (xây dựng mới 14km) đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, nền đường rộng 9m và tuyến nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 51,4km (xây dựng mới 4,6km) đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, nền đường rộng 7,5m; Hoàn thành các công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ đình hoãn giai đoạn 2013 - 2015 và các dự án đã khởi công giai đoạn 2013 - 2015; Hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc đã bố trí đủ vốn; Huy động nguồn lực để hoàn thành xây dựng tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; Đầu tư cơ bản vào cấp và kiên cố hóa các tuyến quốc lộ; Đầu tư nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh trong khu vực phù hợp với khả năng nguồn lực.

Với đường sắt, khu vực này sẽ nghiên cứu đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt Đông Anh - Quán Triều; Kép - Lưu Xá và nghiên cứu huy động nguồn vốn xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào thời điểm thích hợp.

Về đường thủy nội địa, nâng cấp các tuyến vận tải thủy Việt Trì - Lào Cai, Phả Lại - Đa Phúc và các cảng chính trên tuyến. Thực hiện quản lý một cách hiệu quả hoạt động vận tải thủy trên các lòng hồ thủy điện.

Với hàng không, sẽ tiếp tục nâng cấp sân bay Điện Biên, sân bay Nà Sản; Chuẩn bị nguồn vốn và tiến hành đầu tư sân bay Lào Cai và sân bay Lai Châu vào thời điểm thích hợp.

Dự kiến nhu cầu vốn, theo Quyết định 4039 năm 2013 của Bộ GTVT phê duyệt phương hướng, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GTVT vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 ước tổng nhu cầu nguồn vốn khoảng 52.464 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Đạo, Phó Vụ trưởng Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT):
Rà soát lại quy hoạch để tối ưu dự án đầu tư

5


Hiện Bộ GTVT đang xây dựng 6 đề án kết nối, phát triển hệ thống giao thông, gồm: Đề án kết nối mạng giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, Khu vực Đông Nam bộ; Kết nối mạng giao thông các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; Kết nối mạng giao thông các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên; Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển Hải Phòng và đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác CHK quốc tế Long Thành.

Việc xây dựng các đề án nhằm rà soát lại toàn bộ quy hoạch các chuyên ngành, qua đó xác định nhiệm vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian tới. Trên cơ sở rà soát, Bộ GTVT sẽ đánh giá những bất cập, tồn tại để hoàn chỉnh, củng cố lại quy hoạch, xác định các nhiệm vụ mang tính tổng thể.

Nhu cầu đầu tư hiện nay của ngành GTVT lớn gấp nhiều lần so với khả năng đầu tư. Điển hình như giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu đầu tư của ngành GTVT cần đến gần 1 triệu tỷ đồng, trong khi thực tế nguồn vốn chỉ đáp ứng khoảng 30%. Thông qua các đề án đã xây dựng, chúng ta sẽ xác định được thứ tự ưu tiên cho từng dự án. Những dự án nào cấp bách, có tính chất kết nối và đem lại hiệu quả cao sẽ được ưu tiên đầu tư trước

Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và phát triển GTVT:
Kết nối đường bộ phía Tây Bắc với các CHK lớn

6


Các cảng hàng không hiện đại đều nên kết nối với đường sắt, đặc biệt là đường sắt đô thị mới có thể giải tỏa hành khách nhanh chóng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, với quy mô, lưu lượng hiện tại, việc kết nối với đường bộ tại các cảng hàng không khu vực phía Bắc đã tạm ổn.

Như tại CHK quốc tế Nội Bài, từ hướng Hà Nội tiếp cận vào đã có cao tốc Nhật Tân - Nội Bài và hướng đi từ cầu Thăng Long, giúp giải tỏa cơ bản ách tắc nếu đi từ nội đô ra. Còn với các địa phương trong vùng thu hút của sân bay, hiện nay cơ bản các trục cao tốc đều kết nối với sân bay Nội Bài như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lạng Sơn hay Hà Nội - Thái Nguyên…

Với kết nối hiện nay của Nội Bài, tôi cho rằng, có thể đáp ứng tốt đến năm 2025. Tuy nhiên, sau năm 2025, cần nghiên cứu các tuyến đường sắt ngay để kịp thời đáp ứng nhu cầu khi lưu lượng hành khách tăng cao.

Với sân bay Cát Bi, giao thông đường bộ đã hỗ trợ rất tốt cho sân bay này, đáp ứng tốt nhu cầu từ nay đến năm 2030, cụ thể là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn hay QL10 từ Thái Bình sang. Ngay cả sân bay mới nhất ở phía Bắc là CHK quốc tế Vân Đồn đã được kết nối ngay với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, hoàn toàn không gặp trở ngại gì trong việc kết nối để giải tỏa hành khách, hàng hóa.

Ông Nguyễn Đức Thọ, Giám đốc Sở GTVT Hải Phòng:
Tăng kết nối giao thông các tỉnh phía Bắc với cảng Lạch Huyện

7


Để cảng Lạch Huyện phát huy hết giá trị của trung tâm cảng biển phía Bắc, ngoài hệ thống đường bộ có nhu cầu tiếp tục đầu tư, cần đầu tư hệ thống đường sắt và đường thủy nội địa nhằm tăng cường kết nối đến khu bến cảng Lạch Huyện, giảm tải cho hệ thống đường bộ; Đặc biệt, cần có các cảng thủy nội địa để gom hàng đến cảng Lạch Huyện.

Một phần hàng hóa sau khi cập cảng Lạch Huyện sẽ được vận chuyển bằng đường thủy tỏa đi các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, một số tuyến luồng đường thủy nội địa của Hải Phòng và một số tỉnh lân cận tồn tại một số bất cập như chiều cao thông thuyền một số cầu vượt sông thấp, nhiều đoạn sông chưa đảm bảo chuẩn tắc luồng theo cấp quy hoạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.