Điện ảnh

Góc nhìn khác về Hãng phim truyện Việt Nam 0 đồng

22/09/2017, 09:06

Một góc nhìn khác về câu chuyện định giá thương hiệu khi cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam 0 đồng.

vfs

Nhìn lại việc định giá Hãng phim truyện Việt Nam

Nửa cuối tháng 9/2017, Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) và Tổng công ty Vận tải Thuỷ VIVASO trở thành chủ đề bàn luận nóng hổi. Bất cập sau khi cổ phần hoá, nguy cơ suy sụp một thương hiệu lâu đời, các nghệ sĩ gạo cội kêu cứu… Tất cả đã đốt cháy truyền thông nhiều ngày qua.

Nổi cộm lên là việc xác định giá trị của hãng phim truyện. VIVASO trở thành cổ đông chiến lược, nắm 65% cổ phần với mức giá 34 tỷ đồng (tổng giá trị VFS được định khoảng 50 tỷ đồng). Còn các nghệ sĩ của VFS cho rằng số tiền này quá bèo bọt so với giá trị hãng phim hiện tại, nhất là giá trị thương hiệu lại chỉ được định giá 0 đồng.

Theo chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Quách Mạnh Hào (giảng viên môn tài chính Đại học Lincoln, Anh), ở điểm then chốt này đôi bên đã không thể gặp nhau. "Bên mua (VIVASO) đã nhìn vào giá trị tài sản hiện hữu là đất để tính toán trong khi bên bị mua (các nghệ sĩ Hãng phim truyện) cho rằng giá trị vô hình – tài năng của các nghệ sĩ - mới là quan trọng. Và bên mua thực chất không có lỗi gì cả xét ở khía cạnh thị trường", TS Hào phân tích.

Trên thực tế, VFS không có nhiều cơ hội xuất hiện trên truyền thông từ lâu. Nếu có, đó lại là những thông tin kiểu "phim làm ra cất vào kho", "đốt 21 tỷ đồng làm phim không ai mua vé"… Tựu chung, đều là những màu sắc buồn thảm và không mấy liên quan đến cổ phần hoá.

Theo đó, ngay cả khi đặt dưới góc độ giá trị nghệ thuật, việc Hãng phim truyện bị đánh giá thấp cũng là có cơ sở. Bởi nhiều năm qua VFS không có thành tựu nào đáng kể để được đặt ở vị trí cao hơn.  

Nhiều gương mặt  gạo cội của Hãng phim truyện Việt Nam như: NSND Trà Giang, diễn viên Quốc Tuấn, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân… đều đã khóc trong những ngày vừa rồi. Nhưng ngoài nước mắt, thì vũ khí mà các nghệ sĩ đem ra chống đỡ cho VFS chỉ là lịch sử. Thành tích hào hùng, 400 bộ phim cách mạng, vai trò cánh chim đầu đàn… được sử dụng rất nhiều. Song tất cả đều nói về một VFS của quá khứ rất xa xôi.

Còn hiện thực phũ phàng hơn thế. Trước kia có 400 bộ phim cách mạng, nay cách 2-3 năm mới cho ra được một tác phẩm. Thành tích hào hùng, nhưng nay những phim như Sống cùng lịch sử (2014), Những người viết huyền thoại (2013) đều không tạo ra doanh thu đáng kể. Cánh chim đầu đàn, giờ ngụp lặn ở các liên hoan phim quốc nội đầy tai tiếng và mất hút trên trường quốc tế.

Dạo trên báo chí truyền thông, nói về phim VFS hiện tại đều là những lời phàn nàn như "đề tài cũ kĩ", "nội dung sáo mòn", "dựng phim giả tạo"… Khán giả là những giám khảo công bằng nhất, và với họ, hào quang xưa kia của VFS là không đủ che lấp thực tế lạc hậu.

Tức là chẳng cần quy trình cổ phần hoá can thiệp, tự VFS đẩy mình "lạc trôi" ra khỏi quỹ đạo vận động của đời sống điện ảnh đương đại.

Những báo cáo tài chính minh bạch cho thấy VFS lỗ ròng nhiều năm nay (nửa đầu năm 2017 lỗ 4,7 tỷ đồng). Đồng nghĩa với việc kinh phí hàng chục tỷ đồng để làm ra các bộ phim "đắp chiếu" lâu nay chỉ dựa vào bầu sữa ngân sách nhà nước. Nói dân dã thì là tiền thuế của dân, và VFS dùng tiền đó làm những bộ phim người dân không để mắt tới. Đặt việc này lên bàn cân định giá sẽ là một điểm mù nhức nhối.

Dư luận cho rằng VIVASO kỳ thực chỉ nhắm vào khu đất vàng địa chỉ số 4 Thuỵ Khuê. Nhưng ngay cả khi điều này thành sự thực, nó cũng cho thấy trong mắt nhà đầu tư VFS chỉ còn là giá trị đất cát. Một doanh nghiệp chuyên sản xuất các món ăn mang giá trị tinh thần phải làm ăn rệu rã tới mức nào để chỉ còn được định giá bằng cơ sở vật chất? Tức là giả định ngược, nếu Hãng phim truyện Việt Nam đang là cái tên sừng sỏ của nền điện ảnh, cho ra các bộ phim mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng và lợi nhuận mơn mởn, đời sống cán bộ tươi rói thì có cần phải cứu vớt không? Có mất tới gần 10 năm mới cổ phần hoá xong để về tay một đơn vị "không biết gì về điện ảnh"?

Theo chuyên gia Quách Mạnh Hào, VIVASO "không có đủ chuyên môn để phát huy tài năng của các nghệ sĩ". Nhưng nếu cứ tiếp tục đem "thời vang bóng" ra để phản biện, Hãng phim truyện Việt Nam rất khó tìm lối thoát. Bởi đơn giản, không có thương hiệu nào trên thế giới tồn tại và có giá trị vĩnh viễn. Nên dưới góc nhìn và phân tích của nhà kinh tế, chỉ có lợi ích và giá trị kinh tế mang lại là tồn tại vĩnh viễn. Nên với nền tảng kinh tế như vậy thì giá trị thương hiệu được định giá bằng 0 cũng là dễ hiểu. 

Không ai có thể sống mãi trong quá khứ. Quá khứ và lịch sử hãy để lịch sử điện ảnh và nhà nước ghi nhận, chứ không thể buộc một doanh nghiệp tư nhân phải tôn thờ, chịu trách nhiệm?!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.