Xã hội

Gọi vong, thu hàng trăm tỷ: Chùa Ba Vàng quy tụ nghìn phật tử nhằm minh oan

21/03/2019, 16:38

Chiều 21/3, tại chùa Ba Vàng tổ chức một cuộc gặp mặt quy tụ khoảng hơn 1.000 phật tử, chương trình được tổ chức khá chuyên nghiệp.

img
Chùa Ba Vàng vẫn tập nập người đến

Cuộc gặp mặt này, các phóng viên được mời chứng kiến, được đặt các câu hỏi với phật tử. Người dẫn chương trình mặc trang phục phật tử nói về lý do của cuộc gặp mặt, gợi ý phật tử lên tiếng về phóng sự của báo Lao động.

Theo đó, nhà chùa cho rằng phóng sự điều tra này gây tổn thất nghiêm trọng cho nhà chùa, ảnh hưởng tới phật tử. Sau mỗi câu hỏi của người dẫn chương trình, câc phật tử khác xung phong lên hưởng ứng. Đa số ý kiến của họ đều tin vào "oan gia trái chủ", niềm tin đối với sư trụ trì và bà Phạm Thị Yến. Có người còn phát biểu tôn sùng sư trụ trì và bà Yến là "người sinh ra tôi lần thứ 2".

img
Quang cảnh cuộc họp của các phật tử tại chùa Ba Vàng chiều 21/3

Khi phóng viên đặt câu hỏi về nội dung bài báo trên báo Lao động cho rằng nhà chùa gieo rắc mê tín dị đoan, thu lời hàng trăm tỷ đồng, người dẫn chương trình cho biết vấn đề này sư trụ trì sẽ trả lời sau.

Trong cuộc họp mặt, gần 20 phật tử đứng lên kể những câu chuyện về sự "thần kỳ" của chùa Ba Vàng, bà Phạm Thị Yến. Những câu chuyện như: không có con, đi khắp nơi chữa trị nhưng không khỏi, mắc bệnh hiểm nghèo, làm ăn thất bát... đến tu tập tại chùa đều được toại nguyện. Có vẻ nhằm tập trung thông tin tới các nhà báo, Ban tổ chức đã giới thiệu một phụ nữ chia sẻ. Chị này tự giới thiệu từng là phóng viên, cộng tác viên của một số báo đồng thời nói về việc mình bị bệnh hiểm nghèo, nhờ việc đến chùa mà giờ đây được mạnh khỏe. Toàn bộ buổi gặp mặt đều nhằm nói lên công quả của sư trụ trì và bà Yến đồng thời phản ứng với phóng sự điều tra của báo Lao động.

Đến giữa buổi họp, không khí khá căng thẳng, khi một số phật tử đứng lên nói gay gắt về bài phóng sự của báo Lao động. Một phật tử đứng lên hỏi: "Các anh chị phóng viên đến đây với mục đích gì? Sau đó, người dẫn chương trình xoa dịu tình hình bằng cách mời nữ phật tử chia sẻ những câu chuyện của mình.

Cuộc họp kéo dài gần 1 tiếng. Sau đó, nhà chùa thông báo khoảng 18h tối nay tại chùa sẽ có chương trình thuyết giảng của sư trụ trì.

Trước đó, như tin đã đưa, ngay sau phản ánh của cơ quan báo chí, dư luận tại chùa Ba Vàng xuất hiện tình trạng truyền bá vong báo oán, mỗi năm thu trăm tỷ đồng khiến dư luận xôn xao, nhiều người khác bày tỏ sự lo lắng và hoang mang trước sự việc này, nhiều cơ quan chức năng đã lên tiếng.

Lãnh đạo TP Uông Bí cho biết ngay khi tiếp nhận thông tin, UBND thành phố đã nhanh chóng thành lập đoàn công tác chuyên môn đến làm việc trực tiếp tại chùa Ba Vàng, và sẽ báo cáo cụ thể với UBND tỉnh Quảng Ninh.

Ngay sau khi báo chí công khai những thông tin, hình ảnh và các video phản ánh việc Chùa Ba Vàng (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) tổ chức các hoạt động mang tính mê tín dị đoan như "gọi vong", "hóa giải các ân oán từ nhiều kiếp trước"..., lãnh đạo tỉnh đã ký công văn hoả tốc yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ thông tin báo chí phản ánh, đồng thời có biện pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm (nếu có).

Liên quan đến sự việc này, sáng 21/3, TS Bùi Thanh Hà, Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, Ban Tôn giáo Chính phủ đã nắm được thông tin về sự việc xảy ra ở chùa Ba Vàng, nhưng để thể hiện quan điểm về việc này, trước hết phải làm rõ thực hư đúng sai của sự việc thế nào.

Theo ông Hà, Ban Tôn giáo Chính phủ đã yêu cầu địa phương là tỉnh Quảng Ninh báo cáo cụ thể. “Hiện địa phương cũng đang báo cáo, vì vụ việc xảy ra ở một ngôi chùa nên cơ quan cũng chưa nắm thông tin cụ thể”, ông Hà nói.

Trước câu hỏi về việc quản lý Nhà nước trong vấn đề tâm linh thế nào khi các dịch vụ tâm linh ngày càng nở rộ và có nhiều biến tướng, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, ngay từ thời điểm sau Tết, khi có phản ánh về tình trạng dâng sao giải hạn, Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao đổi với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng thời có công văn đề nghị Giáo hội Phật giáo chấn chỉnh tình trạng này. Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP yêu cầu siết chặt việc quản lý, cùng với đó thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các hoạt động liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng.

Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan trực thuộc Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo trong phạm vi cả nước và thực hiện các dịch vụ công thuộc lĩnh vực tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Cơ quan này cũng có nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật; bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật; chống mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện hành vi trái pháp luật và chính sách của Nhà nước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.