Thế giới giao thông

Gọi xe điện tử Go-Jek đầu tư 500 triệu USD sắp vào Việt Nam

31/05/2018, 14:20

Sau thương vụ Uber bán lại hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab, đã có nhiều thông tin cho rằng...

23

Go-Jek sẽ mở rộng hoạt động ra 4 thị trường tại Đông Nam Á

Sau thương vụ Uber bán lại hoạt động kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab, đã có nhiều thông tin cho rằng, công ty khởi nghiệp Go-Jek của Indonesia sẽ nhiều cơ hội "bành trướng" trong khu vực. Và mới đây, công ty này thông báo đầu tư khoảng 500 triệu USD để mở rộng hoạt động tại 4 thị trường mới (Singapore, Việt Nam, Thái Lan và Philippines) trong 4 tháng tới.

Go-Jek có gì?

Công ty Go-Jek cho biết, họ sẽ ra mắt tại 4 đất nước trên với dịch vụ gọi xe qua điện thoại và sau đó sẽ mở rộng ra các dịch vụ khác như đang thực hiện tại Indonesia. Đây là thị trường tiềm năng khi được Google và công ty đầu tư nhà nước Singapore - Temasek dự đoán sẽ phát triển tới 13,1 tỉ USD tính đến năm 2025.

Go-Jek hiện đang hợp tác với cơ quan chức năng cùng các bên liên quan khác trên khắp khu vực để mở đường cho việc triển khai hoạt động. Ngoài ra, hãng cũng đang tìm kiếm những đối tác địa phương có cùng mối quan tâm và chuyên môn ở mỗi thị trường mới.

Có thông tin cho biết, Go-Jek đã và đang đàm phán với Tập đoàn taxi khổng lồ của Singpore ComfortDelGro để hợp tác làm ăn. Song, hiện nay, cả hai công ty đều chưa bình luận về những thông tin này.

Chia sẻ về triển vọng mới, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Go-Jek - ông Nadiem Makarim cho biết: “Người tiêu dùng sẽ rất hạnh phúc khi họ được quyền lựa chọn. Tại thời điểm này, người dân ở Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines chưa cảm thấy họ có đủ lựa chọn về dịch vụ đặt xe qua điện thoại. Chúng tôi hy vọng, khi đặt chân tới những thị trường mới, Go-Jek có thể nhanh chóng trở thành ứng dụng đi lại hàng ngày của mọi người”.

Vậy, Go-Jek đang có trong tay những gì để có thể hiện thực hóa ước muốn trên? Go-Jek đã thiết lập một nền tảng vững chắc tại Indonesia - nơi có hơn 3 triệu người sử dụng, bao phủ 25 thành phố. Họ đã nhận được sự hậu thuẫn từ rất nhiều công ty công nghệ lớn như: Google, Tencent, Temasek Holdings. Mới đây, công ty đặt xe qua ứng dụng của Indonesia đã gọi vốn khoảng 1,5 tỉ USD hồi tháng 2, cao hơn so với mục tiêu 1,2 tỉ USD.

Đó là về mặt tiềm lực, còn về khách quan, sự ra đi của Uber đã để lại chỗ trống trên thị trường đặt xe trong khu vực. Chưa kể, mặc dù Uber và Grab đã đạt được thỏa thuận mua bán nhưng chưa chính thức có hiệu lực vì cơ quan chức năng tại các địa phương đang điều tra vì lo ngại độc quyền và chưa thông qua sáp nhập.

Sự bất ổn của thỏa thuận giữa Uber - Grab có thể là yếu tố để thúc đẩy Go-Jek phát triển. Giới chức càng chậm đưa ra quyết định, Grab càng mất nhiều tiền. Hiện nay, Grab vẫn đang phải trả tiền để giữ Uber hoạt động tại Đông Nam Á.

Ngoài ra, Grab có lẽ cũng mong muốn Go-Jek cùng các dịch vụ khác gia nhập thị trường vì nhờ đó họ có lý để khẳng định mình không phải độc quyền. Khách hàng càng nhiều sự lựa chọn, Grab càng dễ dàng giành được thỏa thuận với Uber.

Thách thức

Nhiều nhà phân tích cho rằng, Singapore sẽ là điểm đến đầu tiên của Go-Jek và đây cũng được đánh giá là thị trường khó khăn nhất. Thực tế, công ty của Indonesia này không phải là đơn vị duy nhất ra mắt hoặc mở rộng dịch vụ tại Singapore.

Công ty cung cấp ứng dụng chia sẻ xe địa phương Ryde “trình làng” dịch vụ RydeX, đưa ra mức phần trăm mà tài xế phải trả lại thấp hơn Uber hoặc Grab. Jugnoo, một công ty khởi nghiệp của Ấn Độ đã bắt đầu cung cấp dịch vụ gọi xe, cho phép tài xế được chọn giữa hàng loạt đề nghị đặt xe của họ.

Bên cạnh đó, hai công ty Mass Vehicle Ledger (MVL) và DacSee cũng có ý định gia nhập thị trường Đông Nam Á. Cả hai đều đang khai thác vùng đất mới, sử dụng tiền điện tử (blockchain currency). MVL cũng đang có kế hoạch khai thác thị trường tại Việt Nam. Do đó, với sự ra mắt của Go-Jek, các thị trường này sẽ trở nên chật chội và cạnh tranh.

Một yếu tố khác cần phải kể đến đó là Go-Jek sẽ phải tuân thủ các quy định của chính quyền địa phương. Điển hình tại Singapore, Cơ quan Giao thông đường bộ Singapore (LTA) có thể sẽ không cho phép Go-Jek mở dịch vụ gọi xe ôm mà công ty này đã rất thành công tại nước nhà.

Bên cạnh đó, để đáp ứng các yêu cầu của LTA về dịch vụ đặt xe, Go-Jek phải thay đổi mô hình kinh doanh, có thể phải chấp nhận những cách thức mới lạ trong bối cảnh cơ quan giao thông của Singapore đang đánh giá lại ngành đặt xe và có những thay đổi mới về chính sách.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.