Pháp đình

Grab bồi thường hơn 4,8 tỉ: Cuộc chiến pháp lý chưa có điểm dừng

02/01/2019, 07:30

TAND TP.HCM cho rằng, Grab đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam, yêu cầu bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng.

23

Luật sư phía Grab cho rằng, tòa đã vượt thẩm quyền nhiều vấn đề trong vụ kiện này

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, luật sư cho rằng, phán quyết của tòa là vội vàng và việc này có thể tạo ra tiền lệ xấu.

“Grab gây thiệt hại cho Vinasun”

Ngày 28/12, TAND TP.HCM chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), tuyên buộc Công ty TNHH Grab Việt Nam bồi thường cho nguyên đơn hơn 4,8 tỷ đồng.

Căn cứ các chứng cứ cũng như lời khai nhân chứng, người liên quan cho thấy Grab giao dịch với hành khách bằng phương thức kết nối phần mềm. Hoạt động này chính là kinh doanh vận tải điện tử, chứ không đơn thuần chỉ là cung ứng phần mềm kết nối. 

Theo bản án, Grab cho rằng, chỉ là công ty cung cấp công nghệ, không hoạt động kinh doanh vận tải taxi, các tài xế do hợp tác xã quản lý... Nhưng thực tế, Grab quản lý lái xe, đưa ra cước phí. Khách hàng khi đặt xe đều chuyển khoản qua Grab, hoặc trả cho tài xế sau đó chiết khấu. Việc thưởng, phạt lái xe do Grab quyết định, trái với Đề án 24.

Để kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, doanh nghiệp (DN) phải đảm bảo những điều kiện như niên hạn xe, đóng các loại bảo hiểm cho người lao động, đăng ký tiêu chuẩn dịch vụ theo quy định, phải có giấy phép kinh doanh ngành nghề vận tải, phải có phù hiệu xe hợp đồng. Taxi phải có bảng hiệu taxi. Tuy nhiên, Grab không đáp ứng các điều kiện này. Như vậy, Grab đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam về kinh doanh vận tải.

HĐXX cho rằng, có căn cứ cho thấy những sai phạm của Grab gây thiệt hại cho Vinasun nhưng cần xem xét toàn diện mối quan hệ nhân quả. Từ khi Grab vào Việt Nam đã có nhiều ảnh hưởng gây thiệt hại cho Vinasun nhưng nguyên đơn không xác định tách bạch phần thiệt hại nào do Grab gây ra. Vì vậy, tòa không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Vinasun (đòi bồi thường 41 tỷ đồng), chỉ chấp nhận phần thiệt hại hơn 4,8 tỷ đồng do xe nằm bãi.

HĐXX kiến nghị xác định Grab là DN kinh doanh vận tải. Grab vào Việt Nam đã cung cấp dịch vụ gọi xe bằng công nghệ thuận lợi cho người dân. Việc này cần khuyến khích để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không quản lý được hoạt động của các tài xế, khả năng thất thu thuế cao dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh... Do đó, nếu tiếp tục thực hiện Đề án 24, Bộ GTVT cần xem Grab là DN kinh doanh vận tải để quản lý. Bảo hiểm xã hội và cơ quan chức năng cần làm việc với Grab để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tại tòa, HĐXX cũng công bố, ngoài các sai phạm trên Grab còn có các vi phạm đã bị cơ quan chức năng xử phạt như: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mà không đăng ký, khuyến mãi gửi trực tiếp vào email cá nhân, vi phạm hai hợp đồng trên một chuyến xe...

Trước đó, đại diện VKS cho biết, thông qua vụ án này, VKS sẽ có báo cáo đề xuất với VKSND Tối cao kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các ngành liên quan xây dựng lại khung pháp lý về việc quản lý các loại hình kinh doanh vận tải nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng cho những đơn vị tham gia vận tải hành khách.

Ảnh hưởng đến môi trường đầu tư?

Luật sư Đoàn Văn Hướng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm tôn trọng quyết định của HĐXX. Tuy nhiên, luật sư Hướng cho rằng, các cơ quan làm luật cần khẩn trương hoàn thiện quy định pháp luật bằng việc sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Qua đó có nguồn luật rõ ràng để điều chỉnh vận tải khách công cộng.

Luật sư Hướng cho rằng, đang có cái nhìn Grab dưới góc độ có lợi cho người sử dụng mà không nhìn kỹ về lợi ích quốc gia, xã hội. Taxi truyền thống phát triển vài thập kỷ mới có số lượng vài chục nghìn xe nhưng Grab, Uber vài năm đã có số lượng gấp đôi, dẫn đến nhiều hệ lụy về thuế, phí, người lao động…

Theo luật sư, kết quả phán quyết của tòa hoàn toàn có thể thành tiền lệ để các hãng taxi truyền thống khác kiện Grab.

Không đồng tình với quan điểm kết quả phiên tòa sẽ là tiền lệ để các hãng taxi truyền thống có thể khởi kiện Grab, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, việc taxi truyền thống kiện không phải vì mục đích lấy tiền bồi thường. “Có nhiều DN taxi truyền thống đã bị phá sản, số còn lại phải sáp nhập. Kết quả phiên tòa sẽ giúp cho DN vững tin vào tính công minh của pháp luật”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cho rằng, đây là quyết định đúng đắn của Tòa án TP.HCM. Ông Hùng dẫn chứng, không riêng ở Việt Nam, ở các nước phát triển khác họ cũng đã phán quyết Uber là loại hình kinh doanh vận tải, tại Singapore cũng phán quyết tương tự đối với Grab, chính Malaysia cũng coi Grab là kinh doanh vận tải. Còn tại Việt Nam, Cục Cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng đã kết luận Grab vi phạm độc quyền.

Ông Hùng cho rằng, qua phiên tòa cho thấy, Viện Kiểm sát, luật sư cũng đưa ra đầy đủ các căn cứ chứng minh Grab là đơn vị kinh doanh vận tải và đã vi phạm Quyết định 24 của Bộ GTVT về thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối vận tải khách bằng xe hợp đồng. Grab đã điều hành giá cước, quản lý, xử phạt lái xe nhưng không đóng bảo hiểm cho lái xe, lách luật trốn thuế. “Chúng tôi đồng tình với kết quả phiên tòa, vì đã tạo sự công bằng, minh bạch trong thị trường kinh doanh vận tải. Chúng tôi cũng đồng tình phải đưa Grab vào quản lý đảm bảo công bằng trong kinh doanh”, ông Hùng nói.

Ở chiều ngược lại, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam đưa ra quan điểm, toà xử như vậy sẽ tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh. Lợi ích Grab mang lại cho người tiêu dùng là quá rõ ràng và nếu khảo sát chắc hẳn phần lớn trong số họ sẽ chọn Grab chứ không phải Vinasun. Còn việc quản lý Grab thế nào lại là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Vì thế, Bộ GTVT mới cho phép thí điểm.

“Điều quan trọng nhất là phải biết chấp nhận sự tiến bộ của khoa học công nghệ. Khi chưa nghĩ ra cách để quản lý cần để nó tự phát triển chứ không nên cấm. Nếu vẫn cứ mang tư duy cũ để phân xử, rất dễ sa vào cứng nhắc, khiên cưỡng”, luật sư Hậu nhận xét và cho rằng, cần phải tôn trọng quy luật của thị trường, tiệm cận được với thực tế đang diễn ra trong cuộc sống, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão hiện nay cũng như cuộc cách mạng công nghệ 4.0 chúng ta đang hướng tới.

Grab sẽ kháng cáo

Sau khi TAND TP.HCM tuyên Grab phải bồi thường cho Vinasun hơn 4,8 tỉ đồng, luật sư của Grab đã trao đổi với báo chí và cho biết, sẽ kháng cáo bản án này.

Luật sư Lưu Tiến Dũng - đại diện quyền lợi cho Grab cho rằng, tòa đã đi quá xa so với thẩm quyền. Tòa án không có chức năng định danh DN hoạt động theo lĩnh vực nào nhưng trong phiên tòa HĐXX đã định danh hoạt động của GrabTaxi, Công ty Grab (bị đơn) là hoạt động kinh doanh vận tải. Việc tòa xác định Grab đã vi phạm đề án thí điểm, vi phạm pháp luật về GTVT là không thỏa đáng. Đây là chức năng quản lý của Nhà nước, của cơ quan thuộc Chính phủ chứ không phải việc của tòa. Thêm nữa, tòa đã can thiệp vào công việc quản lý Nhà nước khác trong lĩnh vực bảo hiểm, thuế… không thuộc thẩm quyền và còn đưa ra những kiến nghị không có căn cứ.

Về mặt pháp lý, luật sư cũng cho rằng, tòa đã không có cơ sở để chấp nhận kết luận giám định của Công ty Cửu Long và cũng không có cơ sở để đưa ra mức bồi thường 4,8 tỷ đồng.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại (Công ty TNHH luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP Hà Nội):
Nên chấp nhận tiến bộ của khoa học công nghệ

Quyền khởi kiện là quyền của doanh nghiệp. Về mặt pháp luật tôi hoàn toàn ủng hộ việc khởi kiện của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đưa ra được những chứng cứ chứng minh cho quyền khởi kiện của mình. Vì thế, ý kiến cho rằng, đây là tiền lệ để các hãng taxi khác đồng loạt kiện Grab khó xảy ra.

Trong vụ việc này, dù tôn trọng quyết định của tòa nhưng đứng ở góc độ người tiêu dùng, tôi không đồng tình với phán quyết của tòa án. Tuy nhiên, đây là quyết định chưa có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, phía Grab có quyền kháng cáo. Nếu như tòa cấp cao y án thì đó mới mới là một tiền lệ. Nói cách khác, đây chỉ là quan điểm của TAND TP HCM và trong thời gian 15 ngày Grab có quyền kháng cáo.

Quan điểm của toà án dựa trên yếu tố pháp lý. Quan điểm của thẩm phán là độc lập và chỉ tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Và quan trọng nhất trong vụ án dân sự bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là bên người khởi kiện có trách nhiệm chứng minh các yêu cầu của mình và nếu không chứng minh được thì tòa án sẽ bác.

Theo tôi, điều quan trọng nhất là phải biết chấp nhận sự tiến bộ của khoa học công nghệ, khi chưa nghĩ ra cách để quản lý nó. Với góc độ quản lý Nhà nước, ở Việt Nam hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Thế nhưng, Chính phủ không cấm mà cho phép hoạt động thí điểm và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp lý.

Văn Huế (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.