Vận tải

Grab có được khuyến mại, giảm giá “khủng”?

08/05/2018, 06:18

Sau khi mua đứt Uber tại thị trường Đông Nam Á, Grab liên tiếp tung ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá “khủng”...

1

Chị Đặng Thị Thêm nhận được khá nhiều mã khuyến mại từ khi đăng ký phần mềm gọi xe của Grab tại Hà Nội - Ảnh: Ngọc Ánh

Khuyến mại khủng, giá cước rẻ

Thời gian qua, Grab và trước đây cả Uber tự ý đưa ra nhiều chiêu khuyến mại, nhất là vào các giờ thấp điểm và tăng giá cao vào giờ cao điểm. Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trong tháng 5, Grab đưa ra những chương trình khuyến mại cực khủng dùng cho GrabBike, GrabCar, GrabExpress (giao hàng) và GrabTaxi.

Cụ thể, khi khách hàng nhập mã khuyến mại và hoàn thành một chuyến đi sẽ được giảm tiếp 20.000 đồng và nhận khuyến mại cho các chuyến tiếp theo với mức giảm 40.000 đồng mỗi chuyến. Mã khuyến mại sẽ được gửi trên email và thông báo trên ứng dụng với số lượng có hạn. Ngoài ra, nếu khách hàng có nhiều mã khuyến mại thì mã nhập sau cùng sẽ được sử dụng đầu tiên...

Phát biểu tại cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, sử dụng công nghệ mới để hoạt động dịch vụ vận tải Bộ rất hoan nghênh, nhưng phải đảm bảo đúng pháp luật, đúng trách nhiệm các bên. Grab và trước đây là cả Uber là các đơn vị kinh doanh vận tải kết hợp với ứng dụng công nghệ mới. Bản chất của loại hình này là kinh doanh vận tải, vì vậy cần đưa ra quy định yêu cầu Grab thực hiện đúng pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động Grab cũng phải công khai minh bạch về giá cước, nộp thuế đầy đủ cho Nhà nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tự ý khuyến mại, giảm giá trong vận tải là vi phạm Luật Cạnh tranh.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hồ Chí Minh chia sẻ, người dân đi Grab và trước đây là Uber nhiều là vì khuyến mại. Sau khi mua Uber, Grab càng khuyến mại nhiều và liên tục hơn, lên tới 40-50%, rồi miễn cước phí trong khoảng cách nhất định. “Nếu Grab không khuyến mại thì không rẻ hơn taxi truyền thống. Khuyến mại thì người tiêu dùng hưởng lợi, nhưng đấy là sự bất bình thường của thị trường. Do việc khuyến mại này, chỉ trong một thời gian ngắn, các hãng taxi truyền thống mất đến 60% thị phần”, ông Hỷ nói và cho rằng, đây là sự cạnh tranh không sòng phẳng. Điều này là vi phạm Luật Cạnh tranh.

“Điều này là vi phạm quy định tổng thời gian giảm giá trong một năm không vượt quá 90 ngày; vi phạm quy định thời gian tối đa cho một chương trình giảm giá là 45 ngày; cũng như vi phạm quy định tổng giá trị hàng hóa dịch vụ dùng để khuyến mại không vượt quá 50% tổng giá trị hàng dùng để khuyến mại. Việc Grab bỏ cả nghìn tỷ đồng để khuyến mại, giảm giá nhằm thôn tính thị phần là ép chết doanh nghiệp taxi truyền thống”, ông Hỷ dẫn chứng.  

Ông Trương Quốc Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Ngôi Sao (Vic Taxi) cho rằng, sau khi thôn tính Uber, Grab càng mạnh hơn và đang khiến cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải taxi truyền thống “điêu đứng”, đứng trước nguy cơ phá sản. Vị này cho rằng, đang có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa Grab với taxi truyền thống. “Đơn cử Grab vừa triển khai chương trình khuyến mãi là hành khách đi dưới 5km chỉ phải trả 10.000 đồng, nhập mã khuyến mại buổi sáng thì giảm buổi chiều”, ông Hùng nói và cho rằng, dù những doanh nghiệp taxi truyền thống cũng giảm giá cước tới 8.000 đồng/km, nhưng vẫn không thể cạnh tranh nổi.

Ông Hùng cũng cho rằng, mức xử phạt 500 triệu đồng đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh hiện nay là quá thấp. “Grab đang tùy tiện thực hiện các chương trình khuyến mãi, trái luật như không đăng ký, không được bất kỳ sự cho phép nào của cơ quan quản lý, hoạt động cạnh tranh không lành mạnh để chiếm lĩnh thị trường”, ông Hùng bức xúc.

2

Một tin nhắn khuyến mại của Grab gửi đến điện thoại của khách hàng (Ảnh chụp màn hình)

Vẫn còn nhiều tranh cãi

Đưa ra gợi ý cho việc giải bài toán cạnh tranh, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng, để đảm bảo cạnh tranh công bằng, cần kiểm tra có tình trạng phá giá hay không. Nếu vi phạm Luật Cạnh tranh thì Bộ Công thương phải vào cuộc.

Cũng theo luật sư Đức, đây là mô hình kinh doanh mới không hẳn là vận tải, cũng không hẳn là công nghệ. Vì chúng ta chưa định danh rõ ràng Grab nên không thể khẳng định họ vi phạm. Cách khuyến mại của Grab hiện nay là Grab “hy sinh” phần chiết khấu 25% của mình để khuyến mại cho khách hàng, lái xe vẫn nhận đủ trên 70% còn lại để phát triển thị trường, gia tăng doanh số. Với cách làm đang chịu lỗ này chúng ta cũng không làm gì được họ. “Phải phân định rõ bản chất, bóc tách được hoạt động của Grab và quan điểm quản lý để quản được đối tượng này”, luật sư Đức nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hành vi kinh doanh trên thực tế rất phong phú, trong khi bản chất của Luật Cạnh tranh không phải là để hạn chế cạnh tranh. Việc cần làm hiện nay của cơ quan quản lý là điều tra lại việc giảm giá, áp dụng khuyến mại đã phù hợp chưa. Nếu chứng minh được giá cước dưới chi phí bỏ ra làm phá giá thị trường thì phải có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời.

TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên trường Đại học GTVT cho rằng, để phán xét Grab có vi phạm pháp luật về cạnh tranh hay không, cần các chuyên gia phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng, bởi vấn đề này đang nằm giữa ranh giới có hay không bảo đảm tính cạnh tranh. Phải thừa nhận một thực tế hiện nay là có sự bất lực của cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, nên chúng ta chưa thể phân xử, phán xét hợp lý. “Nếu thực sự Uber và Grab khuyến mại liên tục, phá giá thị trường thì phán xét về chuyên môn là vi phạm, nhưng ở mức nào thì cần phân tích kỹ”, TS. Sùa nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.