Xã hội

GS Hoàng Chí Bảo: "Học tập Bác Hồ, đừng thần thánh hóa Bác"

19/05/2018, 06:30

Thần thánh hóa Bác là không đúng, phải nhìn nhận Bác như một con người bình thường thì học Bác mới thấm thía được.

1

Hàng ngày vẫn có hàng nghìn người dân đến tham quan ngôi nhà sàn đơn sơ, bình dị - nơi ở và làm việc của Bác Hồ lúc sinh thời - Ảnh: Lăng Thị Nhung

Dành hơn 40 năm nghiên cứu về cuộc đời, tư tưởng sự nghiệp của Bác Hồ, đi khắp thế giới kể hàng nghìn câu chuyện cảm động, sâu sắc về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận T.Ư, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực đã có những chiêm nghiệm, chia sẻ sâu sắc về tư tưởng lớn của Người. 

Học Bác phải sáng tạo, không sao chép hay bắt chước

Ban Bí thư T.Ư Đảng vừa sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong đó chỉ ra rất nhiều hạn chế, bất cập, mà điển hình là việc này còn được thực hiện rất sơ sài, hình thức?

Nhận định đó của T.Ư rất đúng. Tính hình thức biểu hiện ở chỗ không gắn kết được giữa nói và làm. Dường như học tập Bác không trở thành nhu cầu thường xuyên, tự giác, bền bỉ như một nhu cầu văn hóa mà chỉ thường tập trung vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm.

Rồi phương pháp thực hiện lạc hậu, xơ cứng nên không có tác dụng tuyên truyền, tính thuyết phục và lan tỏa bị hạn chế, chưa tận dụng được điển hình người tốt, việc tốt mà Bác từng nói. Bác đã lưu ý phải dùng những điển hình tiên tiến có thực trong đời, những gương người tốt việc tốt để lan tỏa ra xung quanh, giáo dục mọi người, cũng như để ngăn chặn cái xấu, cái ác, cái tiêu cực. Nhưng cái đó chúng ta chưa làm được bao nhiêu.

Chưa kể vấn đề nêu gương của các cán bộ đảng viên, nhất là những người có trọng trách cũng chưa tốt. Nhìn vào những vụ án tham nhũng, những mức án nặng nề với nhiều cán bộ cao cấp như vừa qua thì đủ hiểu vấn đề gương mẫu hiện nay đang được đặt ra như thế nào. Nếu chúng ta khắc phục được những hạn chế này thì việc học tập Bác chắc chắn sẽ có hiệu quả cao hơn rất nhiều.

Nhiều năm nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng khi nhìn vào những thực tế không giống như những điều Bác đã dạy, ông có trăn trở gì?

Tất nhiên đó là điều dằn vặt. Bao giờ chúng ta cũng hướng tới lý tưởng tốt đẹp nhưng trong thực tế bao giờ cũng xảy ra nhiều điều ngang trái, mâu thuẫn.

Tất cả các địa phương xảy ra bao nhiêu câu chuyện bê bối về cán bộ nhưng đều giải trình đúng quy trình, trong khi thực ra quy trình này đã bị biến dạng, trở thành một sự hậu thuẫn để làm việc sai trái, mà sâu xa do mất dân chủ. Vì mất dân chủ nên người đứng đầu mới lộng quyền, lạm quyền, thậm chí vô hiệu hóa cả một cấp ủy.

Vấn đề dân chủ ngay trong Đảng cũng phải rút kinh nghiệm và sửa chữa, người đứng đầu phải có trách nhiệm cao nhất. Cùng với đó, phải tạo cơ chế để dân kiểm soát, dân giám sát, để có tiếng nói phản biện, đóng góp ý kiến cho Đảng, ngăn chặn cái sai từ khi còn là nguy cơ.

Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra, nhưng theo ông, có khi nào do hoàn cảnh thực tiễn giờ đã khác xưa rất nhiều?

Nguyên nhân của những hạn chế này rất nhiều, từ nguyên nhân trực tiếp cũng như nguyên nhân sâu xa.

Trực tiếp là hiện nay ta đang phải đối mặt với kinh tế thị trường, mặt trái của nó gây ra rất nhiều hệ lụy xã hội, nhất là lối sống hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân, tham lam, ích kỷ, vụ lợi, nó tác động ngay vào việc học tập tấm gương Hồ Chí Minh. Nguyên nhân khác là sự phá hoại của kẻ thù ngày một phức tạp và tinh vi, họ tuyên truyền, xuyên tạc làm lung lạc niềm tin. Nếu chúng ta giáo dục, tuyên truyền không tốt thì đây sẽ là trở ngại.

Nhưng nguyên nhân sâu xa là trong nhận thức. Chúng ta chưa có nhận thức đầy đủ, toàn diện về Bác. Bệnh thần thánh hóa Bác Hồ là không đúng đâu, mà phải nhìn nhận Bác như một con người bình thường, gắn với cuộc đời bình thường thì học Bác mới thấm thía được, còn những điều cao đạo, xa xôi nhiều khi không có tác dụng thực tế. Như thế không phải đề cao Bác mà nhiều khi làm suy giảm tác dụng thực tấm gương về Bác, đây là lỗi ở tư duy nên cần phải sửa.

Còn nguyên nhân về hoàn cảnh đã khác cũng đúng, thực tế có điều đó. Vì thế, nên học Bác phải sáng tạo. Bác giản dị chứ không giản đơn, học Bác là học cái tâm, cái đức của Bác, chứ không phải học theo kiểu máy móc hay bắt chước Bác, vì những cái ấy nếu áp dụng máy móc sẽ không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại nữa.

2

GS.TS. Hoàng Chí Bảo

Cán bộ trước hết phải đức, tài

Trong tất cả các vấn đề, Bác Hồ dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác cán bộ. Nhưng nhìn lại công tác cán bộ thời gian qua, phải chăng những tư tưởng của Bác về cán bộ chưa được thực hiện một cách đúng đắn, thưa ông?

Câu chuyện cán bộ hiện nay là vấn đề xung yếu. Và Hội nghị T.Ư 7 vừa qua cũng đã có bàn Nghị quyết về cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Bác Hồ luôn coi cán bộ là công việc gốc của Đảng, quyết định tất cả. Bác nói “cán bộ tốt, cán bộ giỏi thì cách mạng phát triển thuận lợi và thắng lợi, như thế chúng ta có lãi. Còn cán bộ yếu kém, hư hỏng, cách mạng thất bại thì chúng ta lỗ vốn”. Tức là Bác coi đầu tư vào con người và cán bộ là đầu tư vào nguồn lực, coi vốn người là tài sản lớn nhất. Đây là tư duy rất hiện đại.

Trong vấn đề cán bộ chúng ta phải học Bác. Bác không câu nệ giữa cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, bởi Người có bản lĩnh dùng tất cả những người tài đức, bất kể có phải là đảng viên hay không, vì thế mà Chính phủ thời Bác, có cả Bộ trưởng là người ngoài Đảng. Bác lấy tiêu chí phục vụ dân làm gốc, ai phụ trách tốt nhất, ai tài đức nhất, ai phục vụ dân tốt nhất và được dân tín nhiệm nhất thì Bác bổ nhiệm chứ không căn cứ vào tiêu chí có phải đảng viên hay không, dù với Đảng cầm quyền, tiêu chí Đảng viên cũng rất quan trọng.

Bác giải quyết một cách đúng đắn quan hệ đức - tài. Người cho rằng, đức là gốc nhưng tài rất quan trọng, không thể tách rời nhau. Có đức mà không có tài thì vô ích, còn có tài mà không có đức thì rất nguy hiểm.

Đặc biệt, Bác rất chú trọng đến những nhân tố điển hình trong việc lựa chọn cán bộ, không căn cứ theo tuổi, cấp bậc hay quy trình như chúng ta dùng hiện nay, mà cứ giỏi, cứ tốt thì Bác sử dụng, kể cả cán bộ trẻ. Người chú trọng đến hiệu quả công việc chứ không căn cứ vào lời nói, đồng thời đưa ra các tiêu chí “dĩ công vi thượng”, “quang minh chính đại” và đặt cán bộ trong tầm kiểm soát của dân, dân đánh giá cán bộ và T.Ư lắng nghe ý kiến của dân để điều chỉnh chính sách của mình. Nếu làm được như vậy ta sẽ có đội ngũ cán bộ toàn tâm, toàn ý vì dân, vì nước, theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bác ra đi, trên ngực không có một tấm Huân chương

Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ có vô vàn những câu chuyện cảm động, ông tâm đắc nhất với câu chuyện nào?

Một con người vĩ đại như Bác nhưng Bác đã từ chối nhận huân chương cao quý nhất là Huân chương Sao Vàng. Bác trả lời trước Quốc hội rằng, Bác chưa xứng đáng nhận huân chương. Bác đề xuất tặng huân chương này cho bác Tôn (cố Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng), còn riêng Bác bảo hoãn lại, đợi miền Nam giải phóng xong, Quốc hội cho phép đồng bào miền Nam thay mặt cả nước gắn huân chương cho Bác cũng chưa muộn. Rồi Bác đi, trên ngực Người không có một tấm huân chương nào.

Vừa rồi công tác cán bộ có nhiều phức tạp, kỷ luật cả cán bộ cao cấp, thậm chí tướng lĩnh công an, đại tá quân đội còn bị bắt. Đó là những sự thật đau xót, gây mất mát nhiều lắm. Nhưng càng cho thấy chúng ta phải trở về với tư tưởng Hồ Chí Minh trong vấn đề dùng người.

Bác nói “phải bảo vệ cán bộ, muốn bảo vệ cán bộ thì phải nghiêm khắc với cán bộ, thường xuyên kiểm tra giám sát chứ đừng để đến mức hư hỏng, tội lỗi, sự đã rồi”. Nhưng Bác cũng dặn rằng, nghiêm mà bao dung, có lý có tình.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo

Chỉ một câu chuyện này thôi đã đủ sức thức tỉnh và lay động bao nhiêu người, nhất là những ai chưa khiêm tốn hay còn cá nhân chủ nghĩa. Câu chuyện thể hiện tính khiêm nhường, đức độ, hy sinh, phản ánh đúng bản lĩnh của Bác là đứng ngoài vòng danh lợi, tuyệt nhiên không màng danh lợi. Cả một đời người nhưng cho đến khi ra đi, túi tiền tiết kiệm của Bác chỉ còn mấy đồng bạc, vì Bác đã cho đi hết.

Câu chuyện ấy của Bác rất đáng suy nghĩ khi hiện nay, nhiều người đang mải chạy theo vinh hoa, quyền lợi. Vì thế, mỗi cán bộ phải lấy Bác làm tấm gương để tự răn mình, thức tỉnh mình.

Một câu chuyện rất cảm động khác, đó là câu chuyện về giọt nước mắt muộn màng của những cán bộ cao cấp đã mắc sai lầm. Đời Bác đã từng ký những án tử hình, khi toà án xử tử hình, Bác đã ký y án ngay, nhưng vừa buông bút xuống là Bác khóc, Bác thức trắng đêm, tóc bạc thêm, vì Bác nghĩ “mất người là mất lớn nhất”.

Không những thế, còn làm tổn thương đến uy tín của Đảng, làm dân mất niềm tin vào Đảng, đó là điều Bác thấy đau đớn.

Kể từ đó, khi biết cán bộ cao cấp vướng sai lầm, khuyết điểm, Bác đều cho gọi đến, Bác nói “ở đời không ai là thần thánh, ai cũng là người, Bác cũng vậy, đều có ưu, có khuyết, có tốt có xấu, có sai có đúng, nhưng Bác có khuyết điểm ở chỗ không dạy bảo các chú đến nơi đến chốn để các chú hư hỏng, dân oán dân ghét, Bác xin lỗi dân trước về điều đó”.

Rồi Bác hỏi “ở nhà các chú có bao giờ ăn tranh cơm của vợ, của con không? Chắc là không chứ gì, vì con người cơ mà, ai lại thế. Vậy tại sao các chú nỡ lấy (tham nhũng) của dân”? Thế rồi, các cán bộ ấy khóc, họ dằn vặt, cắn rứt lương tâm.

Học tập Bác, hiện nay trong Đảng phải chú trọng giáo dục đạo đức, danh dự, liêm sỉ và lòng tự trọng cho mỗi cán bộ đảng viên, có như vậy Đảng mới tốt lên được.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.