Giao thông

Hà Nội: 4 bến xe lớn sẽ thành bãi đỗ xe, điểm xe buýt

01/05/2018, 16:50

Theo quy hoạch, 4 bến xe lớn của Hà Nội sẽ trở thành các điểm đầu mối phục vụ giao thông công cộng.

bxe_RUPU

Quy hoạch bến xe, bãi đỗ của Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Sở GTVT Hà Nội, 4 bến xe lớn trên địa bàn sẽ được chuyển đổi chức năng sử dụng

Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình UBND TP phê duyệt, 4 bến xe khách liên tỉnh hiện có (trong khu vực đường vành đai 3) được tạm thời giữ lại tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô như hiện nay. Về lâu dài, các bến xe này sẽ được được chuyển chức năng thành các điểm đầu mối phục vụ giao thông công cộng (bãi đỗ xe, điểm trung chuyển xe buýt...). Thay thế vào đó sẽ là các bến xe ở khu vực đường vành đai 4.

Cụ thể: Bến xe liên tỉnh Gia Lâm (diện tích 1,45ha) dự kiến sau năm 2020 chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của bến xe Gia Lâm sẽ được chuyển về bến Cổ Bi, Đông Anh, Nội Bài và bến xe phía Nam (Ngọc Hồi); Bến xe khách Mỹ Đình (diện tích 3,5ha) dự kiến sau năm 2025 chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của bến xe Mỹ Đình sẽ được chuyển về bến Cổ Bi, Nội Bài, Phùng và bến xe phía Tây.

Bến xe khách Giáp Bát (diện tích 3,65ha) dự kiến sau năm 2020 chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Các tuyến của Bến xe Giáp Bát này sẽ được điều chuyển về bến xe Cổ Bi, Đông Anh, Yên Nghĩa và bến xe phía Nam (Ngọc Hồi); Bến xe Nước Ngầm sẽ được âng cấp cải tạo trong giai đoạn trước mắt, dự kiến sau năm 2025 khi xây dựng mới bến xe phía Nam thì chuyển thành đầu mối giao thông công cộng. Các tuyến của Bến xe Nước Ngầm sẽ được chuyển về Bến xe Cổ Bi và Bến xe phía Nam.

Đến thời điểm này, đồ án quy hoạch đã được Sở GTVT Hà Nội báo cáo UBND TP 3 lần. Dự kiến, đồ án sẽ được phê duyệt trong quý 2/2018.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.