Vận tải

Hà Nội: Bức xúc buýt ngoại thành nghỉ sớm

02/11/2018, 07:00

Nhiều hành khách phản ánh tình trạng một số tuyến buýt ngoại thành bỏ chuyến, 19-20h đã hết chuyến khiến họ “lỡ chuyến cuối”...

13

Tuyến buýt 20B thu hút khá đông lượng hành khách mỗi ngày

Dở khóc, dở cười vì bị lỡ “chuyến buýt cuối”

20h15 ngày 30/10, PV chờ đến chuyến buýt cuối cùng của tuyến buýt số  20B Cầu Giấy - Sơn Tây. Tại Trạm trung chuyển xe buýt Cầu Giấy, theo ghi nhận của PV, lượng khách trên xe vẫn còn rất đông. Thậm chí, nhìn thấy xe buýt ở phía xa, gần 20 hành khách còn “nhấp nhổm” đứng chờ sẵn bên vệ hè rồi chen chúc nhau lên khi xe dừng đón vì sợ lỡ chuyến xe cuối không về được nhà. Có hành khách nữ trạc 50 tuổi vì không kịp lên xe ở điểm trung chuyển đã phải nhờ xe ôm đưa lên điểm chờ xe buýt kế tiếp tại khu vực khách sạn Cầu Giấy mới lên được xe.

Bạn Vi, sinh viên Học viện Ngân hàng cơ sở 2 (Sơn Tây) cho biết, từ khu vực Cầu Giấy về Sơn Tây chỉ có duy nhất một xe 20B nhưng xe này lại thường nghỉ rất sớm khiến việc đi lại có nhiều bất cập. “Sinh viên trường em thường có chương trình giao lưu với một số trường trong nội thành. Các hoạt động diễn ra vào buổi tối, thời gian kết thúc sớm cũng phải 20h30. Nhưng vì chuyến xe cuối vào lúc 20h nên hầu hết những người không có xe máy như chúng em phải bỏ về trước”, Vi than thở.

"Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cần đi thực tế một số chuyến cuối để đánh giá lại và điều chỉnh cho phù hợp nhất."

Chuyên gia giao thông
TS. Nguyễn Xuân Thủy

Trước đó, khoảng 20h15 ngày 29/10, có mặt tại điểm chờ xe buýt trước khu đô thị Mỹ Đình Pearl, PV bắt gặp anh Nguyễn Tùng (trú tại phố Hữu Nghị, phường Xuân Khanh, TX Sơn Tây) đang nhăn nhó vì bị lỡ chuyến xe buýt số 74 về nhà.

Theo anh Tùng, từ Hà Nội về Xuân Khanh chỉ có duy nhất tuyến buýt số 74, nhưng xe này thường nghỉ rất sớm. “Tôi tranh thủ chiều xuống nội thành mua ít đồ cơ khí, đến 19h30 ra BX Mỹ Đình đã thấy mọi người bảo chuyến cuối xuất bến rồi. Ngay sau đó, tôi bắt xe ôm đuổi theo nhưng vẫn không kịp đành phải mất vài trăm nghìn thuê xe ôm về nhà”. 

Cũng theo anh Tùng, do nhiều lần bị lỡ xe buýt nên anh phải gọi taxi về nhà với giá cước lên đến 400.000 đồng, xe ôm thì khoảng hơn 200.000 đồng. “Vé xe buýt chỉ mất 9.000 đồng, lỡ một cái là số tiền đi lại tăng lên gấp 30 - 40 lần. Khoảng cách từ Hà Nội - Sơn Tây chỉ hơn 40km, đường sá cũng đã đẹp hơn nhiều nên người dân rất mong thời gian hoạt động của các tuyến buýt kéo dài thêm để thuận việc đi lại”, người đàn ông này chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều hành khách cho rằng một số tuyến buýt kết nối ngoại thành như: 06A (BX Giáp Bát - Cầu Giẽ), 15 (BX Gia Lâm - Phố Nỉ) cần tăng thời gian chạy để tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận tiện hơn.

Tăng thời gian phục vụ nếu nhu cầu của hành khách tăng

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho biết, không có chuyện các tuyến buýt tự ý bỏ chuyến. Trước đây, một số tuyến buýt ngoại thành như: 75, 55, 20B và một số tuyến ngoại thành khác hoạt động từ 5h10 - 21h30. Tuy nhiên, do nhu cầu của hành khách đi vào khung giờ từ 20h30 - 21h30 là rất thấp, thậm chí không có khách gây lãng phí. Do vậy, trong năm 2018 đã điều chỉnh thời gian biểu để phù hợp với nhu cầu đi lại của nhân dân.

“Có thể với tuyến 20B, 20h là chuyến cuối trong ngày nên lượng khách đông. Tuy nhiên, nếu khai thác thêm khoảng 1- 2 tiếng nữa khách sẽ rất vắng”, ông Hải nói và cho biết, các đơn vị vận tải rất mong muốn phục vụ hành khách ngay cả đến những giờ cuối trong ngày (như một số tuyến đi Nội Bài) nhưng do không khai thác được lượng khách nên buộc phải điều chỉnh cho phù hợp.

Cũng theo ông Hải, một số xe đi ngoại thành mới được điều chỉnh tăng thêm giờ phục vụ do nhu cầu của hành khách tăng lên.

Theo Tổng công ty Vận tải Hà Nội, đơn vị này đang nâng cấp phần mềm tim.buyt.vn để tiếp thu ý kiến của khách hàng, bổ sung thêm nhiều tiện ích trên cơ sở nghiên cứu thói quen của người dùng. Trong trường hợp có nhiều khách hàng đề nghị tăng thêm thời gian phục vụ đối với tuyến buýt nào, đơn vị sẽ tổng hợp để làm căn cứ đề xuất.

Chuyên gia giao thông TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, Hà Nội đang mong muốn phát triển vận tải công cộng để thay đổi thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân. Do đó, vận tải công cộng cần phát triển, thu hút người dân hơn nữa. Tuyến buýt nào người dân mong muốn tăng thêm thời gian phục vụ để thuận tiện hơn trong việc đi lại thì cần tăng và thí điểm một thời gian để đánh giá hiệu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.