Vận tải

Hà Nội đã có nhiều tuyến buýt kết nối bến xe Nước Ngầm

06/03/2017, 09:11

Hiện có 3 tuyến buýt kết nối và 10 tuyến khác qua bến Nước Ngầm.

29

Xe buýt chạy tuyến Nước Ngầm - Mỹ Đình - Ảnh: Tạ Tôn

Tại cuộc đối thoại với các doanh nghiệp vận tải sau điều chuyển luồng tuyến mới đây, lãnh đạo TP Hà Nội chỉ đạo sẽ khảo sát mở thêm tuyến buýt từ Mỹ Đình kết nối bến xe Nước Ngầm. Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Quản lý, điều hành giao thông đô thị (Tramoc) Nguyễn Hoàng Hải cho biết, hiện có 3 tuyến buýt kết nối và 10 tuyến khác qua bến Nước Ngầm. Trung tâm sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu xe buýt đến đây để kịp thời mở tuyến, tăng tần suất nếu cần.

Hàng trăm lượt xe buýt qua bến Nước Ngầm mỗi ngày

Trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, trên trục giao thông QL1 đoạn Giải Phóng - Ngọc Hồi hiện có khá nhiều tuyến xe buýt hoạt động kết nối về bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát và đi các hướng khác nhau của thành phố.

Cụ thể, hiện có 3 tuyến xe buýt đỗ đầu - cuối tại bến gồm: 04, 16, 60B với tần suất bình quân mỗi tuyến 10-12 phút/lượt, 5.213 lượt xe ra - vào bến mỗi ngày từ 5h - 21h, trong đó tuyến 16 đi bến xe Mỹ Đình, tuyến 04 đi Long Biên và tuyến 60 đi KCN Bắc Thăng Long. Hiện tại, bến Nước Ngầm có 4 vị trí cho xe buýt đỗ chờ đón trả khách trên tổng diện tích khoảng 350 - 400m2. Với diện tích và số vị trí đỗ như trên, về cơ bản chỉ đáp ứng đủ cho 3 tuyến hoạt động hàng ngày, không thể bố trí thêm tuyến vào hoạt động đầu - cuối cũng như tăng tần suất hoạt động của các tuyến hiện tại.

Ngoài ra, do đặc thù về diện tích, cách bố trí cổng ra - vào quá gần nhau (chỉ cách nhau khoảng 20m) và tiếp giáp trực tiếp với đường Ngọc Hồi nên việc ra - vào bến cũng chưa thuận tiện, đôi khi gây khó khăn. Khi xảy ra ùn tắc tại nút giao Ngọc Hồi - Pháp Vân, các xe về bến không đúng giờ kế hoạch dẫn tới ùn ứ tại bến.

Cũng theo ông Hải, mặc dù chỉ có 3 tuyến buýt có điểm đầu - cuối tại bến Nước Ngầm, nhưng có tới 10 tuyến buýt khác có lộ trình qua bến. Các tuyến này gồm: 06A, 06B, 06C, 06D, 06E, 08, 12, 21B, 37, 60A với 1.062 lượt xe hoạt động/ngày (2 chiều) tương ứng 531 lượt xe thông qua 1 chiều hướng từ Văn Điển về trung tâm thành phố. Vị trí điểm dừng đón trả khách kết nối với bến xe hiện bố trí cách cổng ra - vào bến cho xe buýt khoảng 100m (hướng ngược lại Văn Điển).

Tiếp tục khảo sát nhu cầu xe buýt đến bến Nước Ngầm

Với các tuyến buýt thông qua kể trên, ông Hải khẳng định, cơ bản hành khách có thể trung chuyển đi các hướng của thành phố cũng như kết nối với các bến xe như: Mỹ Đình, Gia Lâm, Yên Nghĩa, Nam Thăng Long. Mặc dù vậy, ông Hải cũng nhấn mạnh, ngay tuần tới sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu xe buýt đến bến xe Nước Ngầm xem đã đủ đáp ứng nhu cầu chưa. “Nếu thiếu, chúng tôi sẽ nghiên cứu bổ sung, có thể mở mới hoặc tăng tần suất”, ông Hải khẳng định.

Tuy nhiên, theo khảo sát, vị trí điểm dừng xe buýt kết nối với bến xe bố trí như hiện nay chưa thực sự thuận tiện, hành khách khó tiếp cận các tuyến buýt thông qua. Để đảm bảo kết nối thuận tiện cho hành khách, cũng như tạo mạng kết nối liên thông giữa các tuyến xe buýt hoạt động trên trục Ngọc Hồi - Giải Phóng đi các hướng, cần bố trí để các tuyến buýt thông qua bến hiện nay kết nối trực tiếp với bến xe đón trả khách trong sân bến như một điểm trung chuyển xe buýt. Việc này sẽ giúp tăng cường tốt tính kết nối, tạo thuận lợi lớn và an toàn hơn cho hành khách.

Cũng cần thấy rằng, hiện nay, nút giao thông Ngọc Hồi - Giải Phóng trước cửa bến xe Nước Ngầm thường xuyên bị ùn tắc, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Nếu bố trí thêm các tuyến xe buýt về bến xe trong điều kiện hạ tầng hiện nay của bến giành cho xe buýt, việc các xe ra - vào bến tiếp giáp trực tiếp với trục đường Ngọc Hồi sẽ càng gây ùn tắc hơn nữa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.