Quản lý

Hà Nội: Nhan nhản lấn làn buýt BRT, có nên cho đi chung?

01/03/2018, 06:56

Trên làn đường buýt nhanh BRT dọc từ chiều Giảng Võ - Lê Văn Lương ken kín các phương tiện khác.

10

Nhiều người vẫn thản nhiên điều khiển xe vào làn dành riêng cho buýt BRT(Chụp trên phố Giảng Võ, Hà Nội) - Ảnh: Khánh Linh

Đi vào làn đường BRT vì không muốn “chôn chân”

Thông tin Hà Nội đang nghiên cứu cho xe buýt và các phương tiện khác đi chung làn buýt nhanh BRT vào một số khung giờ nhất định đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, trên thực tế, vi phạm lấn làn buýt BRT vẫn diễn ra nhan nhản nhưng không hề bị lực lượng chức năng xử lý, gây phản cảm, dẫn tới nhờn luật...

Chiều 27/2, thị sát lưu thông trên trục đường buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, PV Báo Giao thông ghi nhận tình trạng lấn làn riêng của BRT diễn ra phổ biến. Hệ thống loa tại khu vực nhà chờ vẫn đều đặn ra rả tuyên truyền thông tin về các vi phạm, mức xử phạt, nhưng vẫn có hàng nghìn lượt phương tiện đi vào làn buýt nhanh BRT, thậm chí ngay trước mặt CSGT.

Cụ thể, lúc 14h45, tuy mới chỉ là khung giờ thấp điểm nhưng xuyên suốt trục đường từ ngã tư Lê Văn Lương - Vạn Phúc đến ngã tư Giảng Võ - Cát Linh, làn đường của buýt BRT vẫn tràn ngập đủ loại phương tiện, từ xe máy, xe ba gác, xe ô tô. Nhiều xe còn “đua tốc độ”, chèn lấn cả buýt BRT để vượt lên.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, năm 2017, tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã vận chuyển được gần 5 triệu lượt hành khách. Ngày cao điểm đạt 17.465 lượt hành khách. Sản lượng hành khách sử dụng vé tháng nói chung và vé tháng 1 tuyến nói riêng của tuyến BRT đang dẫn đầu so với các tuyến buýt khác trên toàn mạng, bình quân 2.100 hành khách/tháng, tăng 3% so với kế hoạch và chiếm gần 6,8% lượng vé tháng toàn mạng. 

Đáng nói, thời điểm ghi nhận, theo quan sát của PV, dọc trục đường vẫn có các tổ công tác lưu động thuộc CSGT Đội 3 (đối diện Khu tập thể Bắc Thành Công) và thuộc Đội CSGT số 7 (đối diện Nghĩa trang Trung Văn), song các lực lượng này không xử lý.

Trong giờ cao điểm ghi nhận của PV, trên làn đường buýt nhanh BRT dọc từ chiều Giảng Võ - Lê Văn Lương còn ken kín các phương tiện khác. Những chiếc buýt nhanh BRT bóp còi inh ỏi, nhưng vẫn phải dừng lại để cho các phương tiện di chuyển. Thậm chí, CSGT vào giờ cao điểm cũng phải “chấp nhận” phân luồng cho các phương tiện lưu thông vào làn đường buýt nhanh để tránh ùn ứ.

Chị Lưu Xuân Dung, cư dân sống tại chung cư Ecolife Capitol (số 58, đường Tố Hữu) lý giải: “Giờ cao điểm BRT gần 20 phút mới có một chuyến nhưng được dành riêng 1/3 đường. Trong khi, hai phần đường còn lại đủ thứ phương tiện dồn vào, chen lấn nhau đi từng mét một nên không ít người, trong đó có cả tôi nhiều khi muốn không bị “chôn chân” phải đi vào làn BRT”.

Trung úy Dương Quyết Tâm, Tổ trưởng Tổ tuần tra lưu động trên đường Tố Hữu (Đội CSGT Số 7, Công an TP Hà Nội) cho biết: “Do có quá nhiều phương tiện vi phạm cùng lúc nên với quân số mỏng, tổ công tác gần như không xử lý được trong khung giờ cao điểm”.

Có nên cho phương tiện khác đi chung?

Gần đây, Hà Nội nghiên cứu cho xe buýt và các phương tiện khác đi chung làn buýt nhanh BRT vào một số khung giờ nhất định. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho biết, đề xuất mới nếu được thông qua có thể sẽ hợp pháp hóa việc các phương tiện lấn làn xe buýt nhanh trong một số giờ nhất định, giúp giảm bớt tình trạng ùn tắc giao thông.

Trao đổi với Báo Giao thông, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, mới đây UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị nghiên cứu cho xe vận tải công cộng đi vào đường dành riêng cho buýt nhanh BRT. Theo ông Viện, vận tải công cộng được phép đi vào đường BRT, nhưng không nhất thiết phải đi vào, bởi buýt nhanh và buýt thường có điểm đỗ ở hai chiều khác nhau nên có thể đi vào trong điều kiện lái xe thấy có lợi. Hơn nữa, xe buýt chỉ khai thác từ 5h - 23h. Nếu theo quy định cứng hiện nay, ngoài khung giờ này không phương tiện nào được phép chạy vào đường BRT. Do vậy, cần quy định sau khung giờ buýt chạy các xe khác được chạy vào để khai thác toàn bộ lòng đường, tránh tình trạng lòng đường bỏ không trong điều kiện giao thông có nhiều phương tiện đi qua.

“Quy định này là để đỡ máy móc trong quá trình tổ chức giao thông trong khu vực, phù hợp với điều kiện và lộ trình tuyến buýt nhưng vẫn không làm thay đổi việc ưu tiên cho vận tải công cộng”, ông Viện nói. 

Ông Viện cũng cho biết thêm, theo lộ trình, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện tuyến BRT theo hướng tăng cường, mở rộng tần suất để khai thác tối đa hiệu quả tuyến đường, phù hợp với năng lực tổ chức giao thông; tăng cường đảm bảo kết nối giữa các phương tiện. Thậm chí, ngoài buýt thường, tới đây có thể xem xét cho cả một số xe ưu tiên đi vào làn đường BRT.

Tuy nhiên, việc này không nhận được sự đồng tình của nhiều người. Bởi nếu cho đi chung phải cho đi chung vào tất cả các giờ, còn không phải xử lý nghiêm để đảm bảo thượng tôn pháp luật. Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho biết, theo quy định, các phương tiện như ôtô, xe máy đi vào làn đường của BRT là lỗi “đi không đúng phần đường hoặt làn đường”, mức phạt từ 800 nghìn - 1,2 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô vi phạm, trong khi mức phạt đối với người đi xe máy dao động 300 - 400 nghìn đồng. Nhưng điều đó cũng không ngăn được vi phạm vì cùng một tuyến đường một làn thì thông thoáng còn làn kia thì chật trội, thậm chí ùn tắc.

“Hà Nội áp dụng các giải pháp của nước ngoài nhưng ít khi tính đến tình hình thực tế nên mới thất bại như hiện tại. Làn đường riêng nhưng sẽ không riêng được khi nhu cầu giao thông ngày càng cao mà diện tích cho giao thông chưa đủ. Trên đường Lê Văn Lương có ba làn đường nhưng một làn dành cho buýt nhanh BRT trong khi mỗi ngày có khoảng hơn chục xe, hai làn khác dành cho hàng nghìn phương tiện khác đi lại... sao đủ được”, TS. Thủy nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.