Quản lý

Hà Nội thu phí phương tiện vào nội đô thế nào?

05/11/2018, 06:45

Các chuyên gia cho rằng phương án tối ưu là thu phí tự động, nhằm tránh ùn tắc cho nội đô.

1

Cùng với việc lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô, Hà Nội cần cải thiện hạ tầng giao thông, phát triển loại hình vận tải để tăng lựa chọn cho người dân (Trong ảnh: Ùn tắc tại đường Xã Đàn, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn

Chính phủ vừa đồng ý để Hà Nội lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô. Vậy, việc thu phí sẽ được tiến hành ra sao, cách thức thu như thế nào, theo tiêu chí gì... Báo Giao thông trao đổi với các cơ quan chức năng, chuyên gia làm rõ.

2

Ông Vũ Văn Viện

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội:

Dùng biện pháp kinh tế để giảm ùn tắc

Hà Nội tiến hành thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn là một trong những biện pháp kinh tế để kéo giảm ùn tắc và đảm bảo môi trường, có lộ trình thực hiện từ năm 2017-2020. Việc này nằm trong lộ trình thực hiện Đề án “tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn đến năm 2030” đã được HĐND TP Hà Nội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

Tại đề án đã nói rõ, việc thu phí phương tiện vào nội đô là biện pháp kinh tế nhằm hạn chế phương tiện cá nhân. Biện pháp này cũng đang được các thành phố lớn như: London (Anh), Singapore… áp dụng và đạt được nhiều hiệu quả khi hạn chế được lượng lớn ôtô đi vào nội đô, hạn chế ùn tắc, ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, tại danh mục phí, lệ phí của Luật Phí và lệ phí hiện hành không có khoản phí phương tiện cơ giới vào nội đô, vì vậy, để triển khai nhiệm vụ trên, Hà Nội đã báo cáo Chính phủ và mới đây, Chính phủ vừa đồng ý cho bổ sung khoản phí này vào danh mục của Luật Phí và lệ phí.

Tôi cũng nói thêm, giai đoạn 2011-2016, trên địa bàn thành phố có trên 5 triệu xe máy, gần 500 nghìn ôtô (chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông). Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2016 của ô tô là 10,2%/năm, của xe máy là 6,7%/năm. Chỉ tính đồng thời 60% số phương tiện cùng hoạt động đã chiếm dụng vượt 1,34 lần so với năng lực của hệ thống đường đô thị (trong khu vực trung tâm là 3,72 lần). Dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay của ô tô và xe máy, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 843.000 ô tô, hơn 6 triệu mô tô, xe gắn máy; đến năm 2030 số ô tô là hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu (hiện nay là 5 triệu xe máy, 500.000 ô tô). Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì ùn tắc, ô nhiễm trong thời gian tới sẽ rất nghiêm trọng.

3

Ông Lê Đỗ Mười

Ông Lê Đỗ Mười, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT):

Thu phí tự động với ô tô, không thu xe máy

Sở GTVT Hà Nội đang phối hợp với Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) xây dựng đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hà Nội”. Theo Nghị quyết 04, chúng tôi cũng đang nghiên cứu phạm vi thu từ vành đai nào vào để mang tính khả thi nhất, đồng thời bố trí trạm thu phí cho phù hợp với yếu tố giao thông của từng tuyến đường, tạo thuận lợi cho người dân nhất, tránh ùn tắc.

Trong đề án, chắc chắn chúng tôi sẽ xây dựng phương án thu phí tự động, vì trong đô thị nếu không thu phí tự động sẽ gây ùn tắc. Vấn đề là phải áp dụng công nghệ mới nhất.

Mục đích của việc thu phí nhằm để người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn, mật độ xe ô tô con đi vào nội đô sẽ giảm để tránh ùn tắc, không phải “liều thuốc thánh” để giảm ùn tắc ngay. Triển khai thu phí vào nội đô, tôi cho rằng chắc chắn sẽ hiệu quả, đây cũng là khuyến nghị để người dân lựa chọn phương tiện cho phù hợp, ý thức người dân sẽ được nâng lên.

Khi vận tải khách công cộng đáp ứng 30 - 35% trong khu vực nội đô, lúc đó mới nghiên cứu dừng xe máy. Còn trong giai đoạn hiện nay, chưa thể dừng xe máy ngay vì phương tiện công cộng chưa đáp ứng được.

Trong đề án, chúng tôi dự kiến sẽ không thu phí phương tiện xe máy, bởi trong Nghị quyết 04 có nói đến việc khoanh vùng để hạn chế xe máy, tới năm 2030 sẽ dừng xe máy từ vành đai 3 trở vào...

4

Ông Nguyễn Mạnh Thắng

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc trang Whatcar.vn:

Chỉ nên thu phí vào giờ cao điểm

Để giảm ùn tắc, ô nhiễm, việc thu phí vào nội đô, thậm chí cả phí đỗ xe theo giờ cần được triển khai. Đây là việc nhiều thành phố trên thế giới đã thực hiện và đang phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, để hài hòa và đảm bảo quyền đi lại của người dân khi tình trạng ùn tắc tại Hà Nội hiện chủ yếu diễn ra vào giờ cao điểm, việc thu phí chỉ nên diễn ra vào giờ cao điểm. Vào các khung giờ thấp điểm, thậm chí ban đêm, sáng sớm cần có chính sách phù hợp để đảm bảo cho người dân đi lại.

Tôi cũng rất quan tâm đến cách thu phí phương tiện vào khu vực ùn tắc như thế nào, tính từ những tuyến phố ùn tắc hay tất cả các quận nội thành. Việc thu phí cũng cần cân nhắc xem những người ở trong nội đô có thu không, hay chỉ thu những người ngoại tỉnh về nội đô.

Rất nhiều thành phố trên thế giới đã áp dụng hạn chế xe vào nội đô, nhưng đồng nghĩa đó cần có phương tiện thay thế, đó là các phương tiện công cộng. Vậy phương tiện công cộng của ta đã đáp ứng nhu cầu người dân chưa. Nếu trong trường hợp mật độ phương tiện đổ về nội đô quá đông, năng lực của các bãi chứa cũng phải được xem xét.

Để đưa ra những quy định mới, cần phải hợp tình, hợp lý mới áp dụng được. Nếu Hà Nội thu phí phương tiện vào khu vực ùn tắc, nên thu cả xe máy. Vì hiện nay, xe máy vẫn là phương tiện chính gây ùn tắc, mất ATGT mỗi ngày. Trước mắt cần phân làn, kẻ lại vạch, biển báo chuẩn mực để tránh ùn tắc.

7

Ùn tắc tại đường Tây Sơn, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn

5

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội:

Tổ chức thu phí cần khoa học, thuận tiện 

Khi tiến hành thu phí vào nội đô sẽ hạn chế phương tiện cá nhân cũng khư khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện công cộng. Tôi cho rằng việc thu phí phương tiện vào nội đô là rất cần thiết, góp phần giảm ùn tắc giao thông trong vùng lõi của Thủ đô.

Việc thu phí cụ thể theo mức nào, các cơ quan chức năng có thể căn cứ vào quy định về phí, lệ phí mà HĐND TP Hà Nội đã ban hành. Khi triển khai việc thu phí, ngành chức năng cần tính toán cách thức tổ chức thu phí hợp lý, khoa học để vừa thuận tiện cho người tham gia giao thông, vừa không làm ảnh hưởng đến đi lại của người dân.

6

Chị Nguyễn Thị Thúy

Chị Nguyễn Thị Thúy, Chương Mỹ, Hà Nội:

Đầu tư đồng bộ hạ tầng và vận tải công cộng

Tôi cũng có cơ hội được học tập và tìm hiểu về tình hình giao thông một số nước trên thế giới và thấy rằng, ở nhiều thành phố lớn ở Anh, Pháp, hay đảo quốc Singapore, người ta áp dụng giải pháp kiểm soát phương tiện giao thông, cấm hoàn toàn xe gắn máy. Nhưng họ có cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh và hiện đại, phương tiện công cộng đáp ứng nhu cầu, mật độ dân cư được phân bố đều hơn. Để làm được điều đó, chính quyền các nước này đã lên kế hoạch từ nhiều năm để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, xe buýt tiện nghi và kết nối thuận lợi…

Hà Nội đưa ra đề xuất thu phí phương tiện vào nội đô cũng cần có lộ trình cụ thể. Cùng đó, để việc thu phí đảm bảo công bằng, TP Hà Nội cũng cần đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông mạnh mẽ và hiện đại hơn nữa. Phương tiện công cộng phải nhanh chóng, thuận tiện mới thì chủ trương này mới đảm bảo thành công.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.