Quản lý

Hà Nội ùn tắc giao thông do điều chỉnh quy hoạch tùy tiện

11/01/2017, 14:02
image

Một trong hai khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên Hà Nội giờ trở thành nỗi ám ảnh giao thông của cả khu vực.

ảnh Trí thức trẻ

Ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên hơn trên địa bàn phường Hoàng Liệt, nơi có mật độ chung cư và dân số tăng đột biến. Ảnh: Trí thức trẻ.

Một trong hai khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của Hà Nội giờ trở thành nỗi ám ảnh giao thông của cả khu vực. Đó là Khu đô thị Linh Đàm. Theo các chuyên gia về quy hoạch, đó là hậu quả tệ hại của việc điều chỉnh quy hoạch.

Từ đô thị kiểu mẫu đến nỗi ám ảnh gia tăng áp lực giao thông

Cách đây 20 năm, vào năm 1997, Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) được khởi công xây dựng với quy mô trên 200ha, quy mô dân số 25.000 người. Khu đô thị này sau đó được Bộ Xây dựng công nhận là một trong hai khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên của cả nước, với các tòa nhà chung cư dưới 20 tầng, xen giữa là thảm cỏ, vườn hoa, đường nội bộ rợp bóng cây. 

Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, sự gia tăng xây dựng cao ốc ở đây vượt quá quy hoạch ban đầu với tốc độ khủng khiếp. Trong đó, phải kể đến 12 tòa chung cư HH cao từ 36-41 tầng nằm ở lô đất CC6, ngay cạnh hồ Linh Đàm đã và đang hoàn thiện với hơn 7.000 căn hộ; Khu vực bán đảo Linh Đàm có 16 tòa nhà cao 11 tầng xây dựng từ năm 2001, có khoảng gần 2.000 căn hộ; Các tòa VP2, VP3, VP4, VP5… mới xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2015, 2016 có gần 2.000 căn hộ; Khu vực dự án nhà ở Bắc Linh Đàm và Bắc Linh Đàm mở rộng có khoảng trên 3.500 căn hộ; Khu vực dự án Tây Nam Linh Đàm vừa mới xây dựng và hiện vẫn đang hoàn thiện một số tòa chung cư, trong đó có 9 tòa chung cư là nhà ở xã hội đã bán hết, cộng với 4-5 tòa chung cư thương mại, ước khoảng 3.000- 4.000 căn hộ...

Xem thêm video:

Theo số liệu thống kê, trước khi lên phường, Hoàng Liệt chỉ có khoảng 2.000 hộ với gần 7.000 người. Nhưng vài năm gần đây, chung cư mọc lên rầm rộ khiến dân số của phường Hoàng Liệt tăng đột biến với khoảng 8.500 hộ, tổng dân số tăng gần gấp 5 lần lên 32.000 người. Dự báo trong năm 2017, với việc hoàn thiện thêm hàng chục nghìn căn hộ thì dân số phường Hoàng Liệt sẽ tăng thêm 80.000 dân - tương đương dân số đô thị loại 3.

Quy mô dân số tăng vọt khiến hạ tầng giao thông tại Khu đô thị Linh Đàm và vùng phụ cận trở nên quá tải. Khu đô thị kiểu mẫu giờ trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân khi tham gia giao thông qua khu vực. Một khu đô thị kiểu mẫu theo ý tưởng quy hoạch của 20 năm trước cơ bản bị phá vỡ.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị nhận xét: “Khu đô thị mới Linh Đàm trong những năm đầu xây dựng rất tốt nhưng vài năm trở lại đây đã “buông lỏng” để cho một doanh nghiệp vào xây dựng nhà giá rẻ, diện tích có 3-4ha mà xây 12 tòa nhà cao tới hơn 40 tầng với hàng vạn người dân, đông hơn cả một phường trước đây. Từ ngày có thêm khu đô thị đó thì đường tắc thêm 3 lần”. Theo ông Chính, nhìn rộng ra, việc Hà Nội đang có quá nhiều cao ốc trong nội đô đã cho thấy nó đi ngược lại với quy hoạch chung đã được Thủ tướng phê duyệt, ngược nguyên tắc không để tăng thêm người di chuyển vào nội đô.

Cũng theo ông Chính, trước đây, khi quy hoạch 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, những người làm chuyên môn đã nhấn mạnh việc đầu tiên cần làm là di dời một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, bệnh viện… ra khỏi nội đô để có không gian cho cây xanh, mặt nước, các công trình dịch vụ công cộng… Nếu theo đúng nguyên tắc này, thành phố tuân thủ và thành lập quy hoạch chi tiết với từng lô đất, xin ý kiến nhân dân thì sẽ không có chuyện băm nát quy hoạch như bây giờ.

Đừng vẽ quy hoạch cho vui

TS. Phạm Sỹ Liêm (Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) nhận xét: “Ở nước ta, quy hoạch có thể tốt, nhưng điều chỉnh quy hoạch còn dễ dãi. Vấn đề điều chỉnh quy hoạch như thế nào trong các luật liên quan đến quy hoạch đã nói rất rõ, phải qua thẩm định, phê duyệt chứ không thể âm thầm làm được. Thế nhưng, thực tế vẫn có chuyện chạy theo điều chỉnh quy hoạch để phục vụ lợi ích của một nhóm nào đó”. Để chấm dứt tình trạng này, cụ thể ở Hà Nội, thành phố nên lập Hội đồng Kiến trúc quy hoạch gồm các chuyên gia ở các viện nghiên cứu, trường đại học, các hội nghề nghiệp chứ không nên chỉ có cán bộ, quan chức như hiện nay. Đội ngũ này sẽ tham vấn cho thành phố khi phê duyệt các quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, cấp đất đai cho dự án, đảm bảo tính pháp lý đầy đủ. Bên cạnh đó, cần tổ chức một cuộc rà soát tổng thể lại các quy hoạch từ trước đến nay để bổ sung, điều chỉnh kịp thời, chặt chẽ.

"Mấy ngày gần đây, dư luận “nổi sóng” trước phát ngôn của Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội khi ông này cho rằng mọi dự án đều thực hiện đúng quy hoạch. Nhưng vấn đề là quy hoạch này họ đã điều chỉnh rồi, đúng là đúng theo cái đã điều chỉnh, mà theo kiểu như hiện nay thì điều chỉnh quy hoạch đâu có khó gì”, TS. Liêm nói.

Cũng bàn về sự tùy tiện trong điều chỉnh quy hoạch, KTS Trần Trọng Hanh (nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc) đánh giá: Có hai loại điều chỉnh quy hoạch là điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ. Với những điều chỉnh cục bộ theo kiểu “dăm câu ba điều” thì người ta nghĩ rất đơn giản, không ai kiểm soát, nhưng chính từ những cái cục bộ ấy kéo theo nhiều thứ thay đổi, thậm chí có thể gây ra sự hỗn loạn. Nếu cứ tiếp tục điều chỉnh theo hướng như hiện nay thì sẽ gây ra hậu quả vô cùng lớn, thậm chí coi như không có quy hoạch.

KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội) cho rằng, việc hàng loạt chung cư, khu đô thị mới đang mọc lên ngày càng nhiều trong nội đô cho thấy quy hoạch hiện nay không còn quá nhiều vai trò, bởi nó có thể được sửa bất cứ lúc nào. “Hiện nay, người ta chạy theo vấn đề lợi ích, cứ cái gì ra tiền thì họ làm, chung cư bán được làm chung cư, bệnh viện làm ra tiền thì xây bệnh viện… Nếu thế thì mọi toan tính về quy hoạch đều vô nghĩa. Cơ quan quản lý cần kiểm soát, giám sát chặt chẽ, để người dân tin rằng quy hoạch là có thật và có vai trò quan trọng chứ không chỉ là bản vẽ trên giấy, có để cho vui”, ông Ánh nêu quan điểm. 

Quản lý không tốt, quy hoạch “như hoa nở rộ”

Sáng 10/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, nhiều đại diện các bộ, ngành đều nêu ra những ý kiến trái chiều. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân băn khoăn khi luật do Chính phủ trình ra nhưng Bộ nào cũng còn ý kiến bức xúc, như vậy chứng tỏ luật “chưa ổn”. Góp ý kiến về thực trạng quy hoạch hiện nay, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, về lý thuyết mọi ngành đều phải có quy hoạch, nhưng vừa qua quản lý không tốt nên quy hoạch “như hoa nở rộ”, băm nát mọi thứ.

Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục chỉnh lý dự án luật để trình hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận trong thời gian tới; Tiếp tục lấy ý kiến, thảo luận với các bộ, ngành liên quan để nội dung dự thảo đạt đồng thuận cao hơn.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.