Giao thông

Hà Nội: Ý tưởng không mới vẫn ẵm giải hơn 2 tỷ đồng?

11/09/2017, 06:39

Ý tưởng đoạt giải không có gì mới, chỉ tổng hợp lại các ý tưởng đã nhắc đi,nhắc lại nhiều lần trên báo chí.

10

Cuộc thi ý tưởng chống ùn tắc giao thông không có giải Nhất (Trong ảnh: Đường Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội) - Ảnh: Tấn Minh

Cuộc thi “Phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030” do TP Hà Nội tổ chức đã trao giải Nhì trị giá 100.000 USD (hơn 2 tỷ đồng) trao cho một đơn vị liên danh. 

Giải Nhì cũng nhận thưởng khủng

Ngày 8/9, UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội đã trao giải cuộc thi “Phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030”. Đáng chú ý, cuộc thi này không có phương án nào được trao giải Nhất. Giải Nhì thuộc về liên danh Viện Quy hoạch đô thị & nông thôn Quốc gia (VIUP) - Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (NSC) - Nikken Sekkei Reseach Institute (NSRI) với trị giá giải thưởng 100.000 USD. Cùng đó, 5 đơn vị khác lọt vào vòng chung khảo cũng đã được nhận số tiền hỗ trợ 25.000 USD.

Ngày 12/1/2017, Hà Nội công bố cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc giao thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hình thức là thi tuyển hạn chế, thông qua việc tuyển chọn năng lực của các đơn vị tư vấn thiết kế trong nước và quốc tế đã có nhiều kinh nghiệm và uy tín. Cuộc thi được một doanh nghiệp tư nhân tài trợ, có cơ cấu giải thưởng gồm 1 giải nhất giá trị tương đương 200.000 USD, 1 giải nhì giá trị tương đương 100.000 USD.

Theo Ban tổ chức cuộc thi, ý tưởng đoạt giải Nhì đưa ra 7 chiến lược nhằm chống ùn tắc giao thông cho Hà Nội. Trong đó có, mở rộng đô thị phải đồng bộ với mở rộng mạng lưới giao thông. Đô thị xây đến đâu phải có đường xây cùng đến đó, phát triển một cách đồng bộ; Cải tạo lại hệ thống giao thông dành cho các phương tiện cá nhân. Tháo gỡ những nút giao gây ách tắc giao thông, bố trí thêm các bãi đỗ xe; Phát triển hệ thống giao thông công cộng, cụ thể là phát triển hệ thống xe buýt nhanh BRT, hệ thống đường sắt đô thị; Giải pháp mềm chuyển đổi dần nhu cầu, ý thức của người dân từ việc chuyển đổi xe máy, xe cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng; Đề ra biện pháp quản lý giao thông, những luật lệ giao thông mà mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành, trách ùn tắc; Phát triển đô thị theo hình thức TOD, tức là phát triển các điểm khớp nối giao thông, phát triển theo định hướng ưu tiên giao thông công cộng; Lộ trình để thực hiện những chiến lược trên theo ngắn hạn và dài hạn.

Trao đổi thêm với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sau khi tiếp nhận ý tưởng của đơn vị đạt giải, Sở GTVT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp thu ứng dụng các giải pháp để có thể thực hiện cho thành phố. Cũng theo ông Tuấn, các ý tưởng giải pháp sẽ được linh hoạt lồng ghép đưa vào các đề án, chương trình, giải pháp chung của thành phố trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện, điều tiết giao thông để nhằm phát triển hệ thống giao thông vận hành hiệu quả hơn, chống được ùn tắc một cách thiết thực nhất.

“Đây là giải pháp tổng quát, có cái nhìn đa chiều về giao thông giúp cho thành phố có thể áp dụng, giải quyết ùn tắc” ông Tuấn nói.

Ý tưởng được tổng hợp lại, không có nhiều nét mới?

Trao đổi với Báo Giao thông xung quanh việc Hà Nội trao giải Nhì cho ý tưởng của liên danh Viện Quy hoạch đô thị & nông thôn Quốc gia (VIUP) - Nikken Sekkei Civil Engineering LTD (NSC) - Nikken Sekkei Reseach Institute (NSRI) với trị giá giải thưởng là 100.000 USD (tương đương 2,2 tỷ đồng), chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy, người có 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông bày tỏ sự thất vọng.

“Những ý tưởng mà các công ty trên đưa ra chỉ là những ý tưởng tổng hợp lại, không có nhiều nét mới hay thể hiện sự xuất sắc, đột phá. Những ý tưởng chưa thật tương xứng với sự sáng tạo cũng như chưa được chứng minh qua thực tiễn mà đã vội vàng trao thưởng”, ông Thủy nói.

Để chứng minh những ý tưởng đó chưa sáng tạo, chưa tương xứng với giải thưởng, TS. Thủy cho rằng, rất nhiều chuyên gia, người dân đã nói, đã viết hàng bao nhiêu năm về các ý tưởng trên như: Giao thông công cộng, hạ tầng, vấn đề giáo dục ý thức giao thông... “Ngoài ra, có ý tưởng mới tôi cho là chưa hợp lý. Đơn cử như làm phân cách mềm để đổi làn xe. Ý tưởng này không thể thực hiện được ở Hà Nội, cái đó chỉ là lý thuyết. Một tuyến đường hàng chục cây số người nào có thể thay đổi được dải phân cách cứng. Nếu làm như Hà Nội, phải thay đổi dải phân cách cứng chứ không thể chỉ có dải phân cách mềm, bởi dải phân cách cứng chia đôi làn đường. Thay đổi dải phân cách cứng mới chuyển đổi được các làn đường vào, đường ra”, ông Thủy nói và bày tỏ, cuộc trao thưởng lần này, Hà Nội không mời chuyên gia giao thông hay báo chí dự để mọi người có ý kiến, phân tích thêm. Như vậy, Hà Nội đang tổ chức một cuộc thi nội bộ, hoàn toàn khép kín, chưa minh bạch.

Đồng quan điểm TS. Đặng Minh Tân, giảng viên Khoa Công trình (Trường Đại học GTVT) cho rằng, những ý tưởng đoạt giải Nhì là những ý tưởng hết sức cơ bản, chưa có gì sáng tạo, việc nhận thưởng chưa xứng đáng và hợp lý.

“Đây là số tiền không lớn với đất nước, nhưng lại rất lớn đối với những người dân nghèo. Việc chúng ta đầu tư trao giải thưởng 2,2 tỷ đồng với giải Nhì để kỳ vọng giải pháp thật xuất sắc, thật hiệu quả mà chưa tìm ra, trong khi đó, nội dung ý tưởng đã được nhiều người biết đến qua báo đài”, TS. Tân nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.