Xã hội

Hai bức thư cảm động của bộ đội Thành cổ Quảng Trị

27/06/2016, 08:23

Bức thư được anh Huỳnh viết và gửi cho một người bạn trước khi đi làm nhiệm vụ.

3d

Hàng nghìn du khách, cựu chiến binh hàng ngày vẫn đến Thành cổ Quảng Trị để nghe về câu chuyện từ hai bức thư đầy cảm động

“Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lã, lá vàng còn ở trên cây lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời…”.

Bức thư dự cảm trước khi hy sinh

Giọng “trọ trẹ” của cô hướng dẫn viên Minh Nguyệt (ở Thành cổ Quảng Trị) bắt đầu với lá thư thứ nhất khiến mọi người trong đoàn bắt đầu sụt sịt, khóe mắt đỏ hoe. Đó là bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, sinh viên năm thứ 4, khoa Cầu hầm, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tình nguyện xếp bút nghiên nhập ngũ vào chiến trường Quảng Trị khi vừa cưới chị Đặng Thị Xơ, người con gái Thái Bình được 6 ngày. Anh đã hi sinh ngày 2/1/1973 khi đang làm nhiệm vụ. Bức thư đầy cảm động đó được anh viết vào ngày 11/9/1972.

“Quảng Trị 11/9/1972. Toàn thể gia đình kính thương!… Con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng trước khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.

Mẹ kính mến! Thư này tới tay mẹ, chắc mẹ buồn lắm. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nỗi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu mẹ khổ đã nhiều, nay bao hy vọng nuôi con khôn lớn, song do đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi, hãy lau nước mắt cho đời trẻ lâu, sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”…

Viết cho người vợ mới cưới được 6 ngày, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã dành những lời yêu thương nhất. “Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì với bao nỗi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em… Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, song đối với em không những chẳng được cái diễm phúc ấy mà đã sớm phải xa rồi. Thật là vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau”...

Điều khiến nhiều người cảm thấy thán phục vì trong bức thư này anh đã dự cảm được nơi sẽ chôn cất mình sau khi chết để căn dặn vợ. “Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào TX Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông. Từ TX qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1, sẽ thấy tấm bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảng tôn. Thôi nhé, đấy là có điều kiện, còn không thì em cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt rồi...”.

Bức thư được anh Huỳnh viết và gửi cho một người bạn trước khi đi làm nhiệm vụ. Do chiến tranh nên mãi đến khi hòa bình lập lại, người bạn này đã tìm địa chỉ và đưa bức thư đến cho chị Xơ. Nhưng phải đến năm 2002, chị Xơ mới có điều kiện vào Quảng Trị để tìm kiếm. Và thật bất ngờ vị trí mà anh Huỳnh nằm đúng như những gì anh viết trong thư.

30 năm được công nhận là con liệt sĩ

4

Hai bức thư với những dòng chữ đã nhạt nhòe và được lưu giữ cẩn thận tại Bảo tàng Thành cổ

Ngày 8/9/2002, tỉnh Quảng Trị hoàn tất công trình xây dựng phục chế Thành cổ. Tình cờ trong lúc thi công hệ thống thoát nước, có công nhân đã phát hiện ra nắp một chiếc hầm bê tông nằm ngay góc phía Tây Thành cổ. Chiếc hầm có hình chữ A, nền láng xi măng, nóc hầm có trám gỗ và những tấm lợp gỉ sắt. Trong lòng hầm vẫn còn nguyên 5 bộ hài cốt của 5 chiến sỹ hy sinh trong tư thế đang ngồi bồng súng.

Bốn người không xác định được tên tuổi, quê quán vì không có giấy tờ tùy thân trên người. Duy nhất một bộ hài cốt có chiếc xắc - cốt (da của Liên Xô) vẫn còn quàng trên người đó là liệt sỹ Lê Binh Chủng. Trong xắc - cốt toàn bộ giấy tờ được bọc kỹ bằng gói ni lông bao gồm: Một quyển nhật ký một nửa ghi chép công việc, một nửa dành cho gia đình, và một số vật dụng tư trang khác.

Lần theo những trang nhật ký ghi chép của liệt sỹ Lê Binh Chủng trong chiếc xắc - cốt để lại, được biết anh sinh năm 1944, quê ở xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh nhập ngũ tháng 6/1965, tròn 21 tuổi và vào thẳng chiến trường B5 tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị. Trong một đợt tấn công chiếm Thành cổ, Tiểu đoàn 3 chiếm được chiếc hầm chỉ huy của cố vấn Mỹ bỏ chạy. Nhưng bom đạn vẫn tiếp tục dội xuống Thành cổ những ngày hè ác liệt đó, căn hầm của các anh bị sập. Lúc hi sinh ngày 3/8/1972 anh Lê Binh Chủng giữ chức vụ Phó Chính trị viên Tiểu đoàn 3, cấp bậc Thượng úy.

Trong số những di vật mà anh Lê Binh Chủng mang theo có nhiều lá thư của chị Phan Thị Biển Khơi là người vợ được cưới trong thời chiến viết gửi cho anh. Có bức thư viết đề 15/5/1972 với những nội dung đầy cảm động. “Anh Binh Chủng thương yêu của mẹ con em! Cầm bút biên thư cho anh trong lúc trên chiến trường Trị Thiên thắng to. Tin vui bay về hậu phương làm cho mọi người dân lòng dậy sung sướng. Tự hào thay, trong hàng ngũ những người chiến thắng đó, có anh, người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ. Anh thương yêu!

Báo để anh mừng, con đã bỏ bú ăn cơm với cá nên rất khỏe, mùa màng năm nay thắng lợi to, lúa tốt nhất từ trước tới giờ... Em và con gửi lời tới các anh trong đơn vị và gửi tới anh cái hôn trìu mến”.

Chị Phan Thị Biển Khơi người con gái ở Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và anh Lê Binh Chủng gặp và quen nhau khi cả hai đều nhập ngũ và làm việc ở Phòng Hành chính Bộ Tham mưu mặt trận B5. Năm 1970, đơn vị đứng ra tổ chức đám cưới cho hai người vì họ hàng ở xa. Anh chị thống nhất đặt tên cho con là Lê Quảng An vì quê mẹ ở Quảng Bình, quê cha ở Nghệ An.

Khi Lê Quảng An gần 2 tuổi, tháng 4/1972, anh được ghé thăm vợ và nhìn mặt con trong dịp tiến quân vào giải phóng Thành cổ. Đó là lần duy nhất anh được nhìn mặt con trai chưa đầy 2 tuổi. Khi hòa bình lập lại, chị Biển Khơi đã đưa con trai Lê Quảng An về quê nội xin nhận họ hàng. Gia đình nhà nội vừa khóc vì thương chị và cháu, vừa lắc đầu vì “đất lề quê thói”, ngày đi con trai chưa có vợ nên không dám nhận con dâu và cháu vì không biết thực hư. Chị Biển Khơi nén nỗi đau ôm con về quê ngoại.

Phải đến năm 2002 khi phát hiện được hài cốt của anh Binh Chủng là tròn 30 năm kể từ ngày anh hy sinh, Sở LĐTB&XH Nghệ An đã làm mọi thủ tục công nhận Lê Quảng An là con liệt sỹ. Sau 30 năm, người con trai duy nhất của liệt sỹ Lê Binh Chủng được nhận bố và truy lĩnh chế độ con liệt sỹ.

Cả hai bức thư với những dòng chữ đã nhạt nhòa vẫn còn lưu giữ cẩn thận tại bảo tàng Thành cổ khiến biết bao người rơi nước mắt. Nhưng vẫn còn đó, dưới nấm mồ chung Thành cổ biết bao chiến sĩ đã hi sinh, biết bao lá thư, những câu chuyện cảm động khác chưa được phát hiện. Xin mượn những một đoạn trong bài “Cỏ non Thành cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền để nhắc nhỡ nhưng ai khi vào Thành cổ hãy để chút lòng thành khi nhớ về các anh!

“Cho tôi hôm nay

vào Thành cổ

Thắp một nén nhang

cho người nằm dưới mộ

Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ

Xin chớ vô tình,

với người hi sinh

Cho mảnh đất quê mình…”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.