Hạ tầng

Hai công trình giao thông và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

25/07/2017, 09:02

Những ngày cuối tháng 7/2017, các hạng mục cuối cùng trên cầu Thành Cổ cơ bản hoàn thiện.

10

Cầu Thành Cổ sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào, chiến sĩ, nhân dân trong và ngoài nước tham quan, thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sỹ

Ngày 26/7, Quảng Trị chính thức thông xe cầu Thành Cổ và đường dẫn sau 10 tháng thần tốc thi công. Cùng với đó, dự án đường đối nội, đối ngoại kết nối về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn cơ bản hoàn thiện, như tấm lòng tri ân của đồng bào cả nước, ngành GTVT đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), 45 năm Ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị và Chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm, đầy ý nghĩa.

Cầu, đường kết nối lịch sử

Đạp vòng xe qua cầu Thành Cổ sang thắp hương tại di tích lịch sử Thành Cổ (TX Quảng Trị), bà Nguyễn Thị Hoa (59 tuổi, thôn Nhan Biều 1, Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị) xúc động: “Cầu mới êm thuận, tiện ích. Thay vì phải đi vòng qua cầu Thạch Hãn, hoặc đi đò ngang ở phía hạ lưu vừa xa, vừa mất an toàn, giờ mọi người chỉ cần ít phút là có thể sang trung tâm thị xã hương khói, đi chợ, buôn bán”.

Những ngày cuối tháng 7/2017, các hạng mục cuối cùng trên cầu Thành Cổ cơ bản hoàn thiện. Lan can sơn xanh hài hòa màu nước sông Thạch Hãn, mặt đường bê tông đen rạm, rộng đẹp cùng hệ thống đèn điện chiếu sáng tô điểm cho cây cầu lừng lững nối đôi bờ dòng sông lịch sử. Ông Nguyễn Biểu (68 tuổi, khu phố 3, phường 2, TX Quảng Trị) - người từng trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ và TX Quảng Trị năm 1972, bộc bạch: “Công trình rất ý nghĩa, không chỉ kết nối giao thông, điểm nhấn cảnh quan cho vùng di tích, mà còn là lời tri ân các anh hùng liệt sỹ”.  

Theo ông Lương Đình Thuyên (64 tuổi, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), nhìn cầu Thành Cổ ai cũng ngỡ ngàng, xúc động. Từ lâu khi về thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn, các cựu binh từng mơ có ngày cây cầu này được đầu tư, xây dựng. Cầu nên hình hài, tô điểm cho hạ tầng giao thông TX Quảng Trị, kết nối tấm lòng tri ân.

Theo chân các cựu chiến binh Đoàn 559 về Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, đoàn xe lưu thông êm thuận trên đường Tỉnh lộ 76 (từ QL1 qua trung tâm huyện Gio Linh) lên nghĩa trang và các tuyến đường nội bộ Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn đang được đầu tư, nâng cấp. Thắp nén tâm nhang, vân vê đôi tay lên từng nấm bia mộ vô danh, cựu binh Đoàn 559 - ông Bùi Nghĩa cùng ông Bùi Xuân Lư (70 tuổi, cùng trú huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) nghẹn ngào xúc động như muốn “báo cáo” anh linh anh hùng liệt sỹ về sự đổi thay đầy ý nghĩa.

Ông Hồ Tất Ái, Trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn cho biết, khi biết dự án được triển khai, mọi người đều phấn khởi. Công trình đang hoàn thành nhưng đã góp phần đáng kể tạo diện mạo mới cho hạ tầng nghĩa trang. “Công trình thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ GTVT, khiến người sống phấn khởi và chắc hẳn các anh hùng liệt sỹ dưới suối vàng hẳn cũng an lòng”, ông Ái chia sẻ.

11

Đoạn đường nối từ đường HCM nhánh Đông vào cổng chính Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn vừa được đầu tư xây dựng

“Thần tốc" thi công, vượt tiến độ

Theo ông Lê Đức Tiến, Giám đốc Sở GTVT Quảng Trị,  ý thức tầm vóc, giá trị và ý nghĩa của cầu Thành Cổ, ngay từ ngày khởi công xây dựng (17/9/2016), Liên danh nhà thầu Công ty CP Xây dựng cầu 75 - Công ty CP Xây dựng công trình 525 và Công ty CP Nam Tân tập trung huy động nhân vật lực, trang thiết bị máy móc, chủ động tài chính, vật liệu tại công trường để tập trung triển khai thi công và thông xe vượt 2 tháng tiến độ so với hợp đồng. “Đây là nỗ lực lớn của tất cả các chủ thể tham gia dự án. Quảng Trị cuối năm 2016 mưa lớn, lũ kéo dài, điều kiện thi công bất lợi. Nhưng với tinh thần tập trung cao độ, kiểm soát tiến độ, chất lượng cùng các giải pháp thi công hiệu quả, tăng ca đã góp phần đưa công trình sớm thông xe”, ông Tiến đánh giá.

Anh Phạm Vũ Dũng (Ban QLDA4), Trưởng tư vấn giám sát công trình cầu Thành Cổ cho hay, dù thi công nhiều công trình, nhưng ngay khi đặt mũi khoan đầu tiên xuống dòng sông Thạch Hãn, từ người thi công đến quản lý đều xúc động. Ai cũng tự hào vì được góp phần cho cây cầu “nối kết lịch sử, miền tri ân”. Có những khó khăn, bất lợi nhưng bằng quyết tâm, trách nhiệm và cảm thức tri ân đã đưa cây cầu về đích vượt tiến độ hợp đồng.

Tương tự, sau hơn 7 tháng triển khai (khởi công từ tháng 12/2016), dự án mở rộng, nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 76 từ QL1 đến Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn (12,7km) và công trình mở mới, nâng cấp tuyến đường nội bộ trong nghĩa trang này (tổng chiều dài gần 2,4km) vào cao điểm hoàn thiện. Ông Lưu Trường Giang (Ban QLDA6), Phó ban điều hành dự án này cho hay, dự án có tổng mức đầu tư hơn 140 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 80% khối lượng, vượt tiến độ khoảng 1 tháng. Trong đó, các tuyến đường nội bộ trong nghĩa trang đã hoàn thành. Đoạn Km6 - Km12+ 720 tỉnh lộ 76 được thảm bê tông nhựa...

Theo ông Lê Mậu Trường (SN 1960, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh), nhìn diện mạo Tỉnh lộ 76 đang được nâng cấp, xóa cảnh đường chật hẹp xuống cấp, người dân địa phương thêm phấn khởi vì đi lại an toàn. Các đoàn khách đến thăm viếng di chuyển dễ dàng, thuận lợi, đảm bảo ATGT.

Kết nối miền tri ân

Ông Lê Đức Tiến cho biết, việc sớm thông xe cầu Thành Cổ và đường dẫn đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, 45 năm ngày Giải phóng tỉnh Quảng Trị và Chiến dịch bảo vệ Thành cổ 81 ngày đêm…. càng tăng thêm giá trị, ý nghĩa của công trình. Cầu Thành Cổ sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào, chiến sĩ, nhân dân trong và ngoài nước tham quan, thăm viếng, tri ân các anh hùng liệt sỹ thị xã nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung.

Thời gian qua, ngành GTVT cũng tổ chức thảm lại mặt đường Trần Hưng Đạo (từ QL1-Thành cổ Quảng Trị), di dời Trạm đường thủy nội địa bên sông Thạch Hãn ra khỏi khu vực bến thả hoa đăng… để mở rộng không gian di tích, cảnh quan cho địa chỉ cách mạng đầy ý nghĩa này. Lãnh đạo UBND huyện Triệu Phong cho biết, cầu Thành Cổ cùng dự án tuyến tránh QL1 đoạn qua TX Quảng Trị hoàn thành sẽ nối liền hai trung tâm hành chính, kinh tế là TX Quảng Trị và thị trấn Ái Tử (Triệu Phong), kết nối trung tâm tỉnh lỵ TP Đông Hà; Rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại cho hàng trăm hộ dân nơi vùng dự án đi qua. Đồng thời tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng cho sự phát triển đô thị của các địa phương, kết nối giao thông trên dòng sông lịch sử Thạch Hãn.

Ông Hồ Tất Ái đánh giá, dự án kết nối hạ tầng giao thông Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn góp phần rút ngắn khoảng cách đi lại giữa Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải và khu nghĩa trang, là tấm lòng, ý nguyện đồng bào cả nước hướng về tri ân các anh hùng liệt sĩ. Những năm qua, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn được các tổ chức, cá nhân, địa phương “xã hội hóa” xây mới, tôn tạo nhiều hạng mục: tượng đài, bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ của các tỉnh Ninh Bình, Cao Bằng, Hòa Bình, Hà Nam; cải tạo phần mộ của các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai… với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng.

Cầu Thành Cổ dài 311m, gồm 9 nhịp (4 dầm bản, 5 nhịp dầm Super T), rộng 15m (mặt cầu rộng 11m, bề rộng lề bộ hành và lan can mỗi bên 2m), mố trụ bằng bê tông cốt thép (2 mố, 8 trụ) đặt trên nền móng cọc khoan nhồi D=1,2m (62 cọc/1.592,5m). Đây là công trình thuộc Dự án tuyến tránh QL1 đoạn qua TX Quảng Trị với chiều dài tuyến trên 5,9km, tổng mức đầu tư 683 tỷ đồng. Trong đó, điểm đầu tuyến tại ngã ba đường Lê Lợi - QL1 tại Km 776+802, thuộc địa phận thị trấn Ái Tử (huyện Triệu Phong), điểm cuối tại khu vực ngã ba Long Hưng (Km 772+808 QL1, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng).

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, cầu Thành Cổ và đường dẫn, cùng hạng mục giao thông khu Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, tỉnh lộ 76  có giá trị thiết thực, không chỉ nối kết thông thương, đảm bảo ATGT, tạo điểm nhấn hạ tầng giao thông, kiến trúc cảnh quan khu vực khu di tích lịch sử mà còn đặc biệt có ý nghĩa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân vùng đất lịch sử cách mạng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.