Chất lượng sống

Hải sản vùng ô nhiễm xả thải Formosa chưa an toàn

26/08/2016, 13:55

Người dân lại hoang mang trước thông tin nhiều mẫu hải sản được kiểm nghiệm có độc tố với hàm lượng cao.

ảnh minh họa, cua ghẹ kiểm nghiệm có chứa chất độn
Chuyên gia cảnh báo tuyệt đối không được ăn cá nhiễm cyanua (ảnh minh họa)

Người dân chưa kịp mừng trong thông tin “biển sạch” từ Bộ TN&MT thì lại đối mặt với thông tin nhiều mẫu hải sản được kiểm nghiệm có độc tố với hàm lượng cao.

Kết quả xét nghiệm mẫu cá “vênh nhau”

Theo kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm ATTP Quốc gia mới đây, 6/9 mẫu hải sản lấy từ hai huyện Kỳ Anh và Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh) trong tháng 8 được phát hiện dư lượng các chất độc. Cụ thể, 9 mẫu hải sản gồm: Cá trạng buồn, cá nhồng, cá đuối, cá man, cá mu, ghẹ ba mắt, cá mỏ neo... Sau kiểm nghiệm cho kết quả hàm lượng kim loại nặng như: Thủy ngân, crôm, asen, chì, sắt vượt ngưỡng cho phép. Điển hình như, mẫu cá trạng buồn có hàm lượng cadimi mức 0,079mg/kg, vượt mức cho phép. Chất độc cyanua cũng được tìm thấy trong 5 mẫu với hàm lượng cao, gồm: Ghẹ ba mắt với hàm lượng 0,8mg/kg, cá đuối 0,8mg/kg, cá nhồng 0,6mg/kg, cá man 0,5mg/kg, cá mỏ neo 3,9mg/kg. Ngoài ra, độc chất phenol cũng có trong ba mẫu: Cá đuối 14mg/kg, ghẹ ba mắt 10mg/kg, cá man 8,3mg/kg.

Thông tin này khiến nhiều người “ngã ngửa”, bởi ngay trong ngày 24/8 trên trang web của Cục ATTP, Bộ Y tế mới công bố “các kiểm nghiệm lấy mẫu cá ở các tỉnh miền Trung cho thấy mức độ ô nhiễm đã giảm dần theo thời gian. Cụ thể, tháng 7 có 7/27 mẫu cá bị ô nhiễm kim loại nặng (chiếm tỉ lệ 25,9%). Đến ngày 19/8, chỉ có 1/18 mẫu cá vượt ngưỡng an toàn về kim loại nặng (chiếm 5,5%)”.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, bà nội trợ Hoàng Kim Yến (trú tại Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Thời gian trước thông tin cá nhiễm phenol là 0,037mg/kg đã được cho là độc, nay lại có kết quả cao gấp cả trăm lần thì quả là cực độc rồi. Thực tế, không có cơ sở để phân biệt hải sản nhiễm độc hay không. Thôi, giờ cả nhà chẳng dám nghĩ đến món hải sản nữa”.

Còn anh Nguyễn Minh Hải (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại cho hay: “Kết quả cứ rối như mớ bòng bong, bất nhất khiến chúng tôi hoang mang vô cùng. Chúng tôi biết tin vào ai đây”.

Tuyệt đối không ăn cá nhiễm cyanua, cadimi

Theo phân tích của PGS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm Đại học Bách khoa Hà Nội, cyanua là chất cực độc, nguy hiểm và khó xử lý nhất, chỉ với khoảng 100-200mg cyanua xâm nhập qua đường miệng có thể đầu độc chết một người khỏe mạnh. Với  hàm lượng ít hơn, chúng có thể tích tụ bên trong cơ thể con người.

Với dư lượng kim loại nặng cadimi cũng tương tự. Còn đối với chất phenol, hợp chất này rất dễ hoà tan trong nước, nếu ở lượng nhỏ, chất độc có thể được bài tiết và ít có khả năng gây ngộ độc cho người ăn. “Tuy nhiên, với hàm lượng phenol từ 8mg/kg trở lên và cyanua từ 0,5 - 3,9 mg/kg như đã công bố thì cực kỳ độc hại. Hàm lượng này đủ lớn để gây nên khả năng tích lũy gây ngộ độc, thậm chí với ai “tham ăn” có thể gây ngộ độc cấp tính”, ông Thịnh khẳng định.

Ông Thịnh cũng cho rằng, không có cách này để người dân có thể nhận biết được hải sản có nhiễm độc hay không.

PGS. Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng: “Với các hàm lượng như vậy thiết nghĩ các cơ quan chính thức cần phải lên tiếng trả lời, hải sản miền Trung có ăn được hay không (?). Cần sự công bố minh bạch để lấy lại lòng tin của người dân”.

Ông Phan Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Tĩnh cho biết, việc lấy mẫu cá vẫn được cơ quan này phối hợp với Sở NN&PTNT thực hiện hàng ngày. Theo đó, các mẫu đều được gửi ra cơ quan chức năng tại Hà Nội để xét nghiệm và công bố kết quả.

Trần Lộc

Tương tự, PGS. Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, ĐH Tự nhiên cho biết, với những loại hải sản có chứa hàm lượng cyanua vượt ngưỡng cho phép, người dân tuyệt đối không được ăn vì nó là chất cực độc. Còn đối với cadimi là một kim loại nặng độc hại, có độ tích lũy sinh học cao nên khi vào cơ thể thì khó đào thải ra ngoài.

Với hàm lượng nhỏ, cadimi có thể chưa đủ tác động ngay trực tiếp nó sẽ tích lũy, tăng nồng độ dần trong các cơ quan cơ thể. Cadimi xâm nhập vào cơ thể được tích tụ ở thận và xương; gây nhiễu hoạt động của một số enzim, gây tăng huyết áp, ung thư phổi, thủng vách ngăn mũi, làm rối loạn chức năng thận, phá hủy tủy xương, gây ảnh hưởng đến nội tiết, máu, tim mạch.

Theo các chuyên gia, da cá, mang cá, nội tạng đặc biệt là gan cá... là những bộ phận dễ bị nhiễm kim loại nặng nhất. Chính vì thế, khi chế biến cá, tốt nhất nên bỏ những bộ phận trên để tránh bị nhiễm độc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.