Quản lý

Hai tuyến đường sẽ cấm xe máy, phương tiện công cộng có đủ thay thế?

15/03/2019, 10:02

Nếu cấm xe máy trên các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, vận tải hành khách công cộng trên các tuyến này hoàn toàn có thể đáp ứng được.

img
Phương tiện đi lại lộn xộn trên đường Nguyễn Trãi dù được thiết kế tới 6 làn xe

Năng lực tuyến đường sắt đô thị tương đương năng lực vận chuyển của hơn 100 xe buýt lớn/giờ/hướng, tăng từ 3 đến 4 lần so với hiện nay và đáp ứng khoảng 50% nhu cầu đi lại trên trục Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung.

Năng lực của đường sắt đô thị và hệ thống buýt rất lớn

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, nếu cấm xe máy trên các tuyến đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, vận tải hành khách công cộng trên các tuyến này hoàn toàn có thể đáp ứng được. Cụ thể, theo ông Viện, năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông rất lớn, lên tới khoảng 10 nghìn người/giờ. Khi tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động có thể vận chuyển toàn bộ lượng hành khách đang sử dụng xe buýt hiện nay và đồng thời đảm bảo khả năng thu hút thêm hành khách từ các loại hình phương tiện khác chuyển sang.

Cùng đó, theo ông Viện, năng lực tuyến đường sắt tương đương năng lực vận chuyển của hơn 100 xe buýt lớn/giờ/hướng, tăng từ 3 đến 4 lần so với hiện nay và đáp ứng khoảng 50% nhu cầu đi lại trên trục đường hoạt động chủ yếu của tuyến (Nguyễn Trãi - Trần Phú - Quang Trung). Năng lực trung chuyển của hệ thống xe buýt với tuyến đường sắt đô thị đảm bảo cung ứng, giải tỏa khách tối ưu nhất cho tuyến đường sắt đô thị với năng lực trung chuyển từ 326.000 - 360.000 hành khách/ngày (trong đó kết nối khoảng 220.000 hành khách/ngày; kết nối lại các ga đầu cuối khoảng 140.000 hành khách/ngày).

Về tuyến buýt BRT, ông Viện cho biết, đang yêu cầu các đơn vị đánh giá lại hoạt động của tuyến này và sẽ có những giải pháp đảm bảo đủ điều kiện thí điểm cấm xe máy trên tuyến đường dự kiến.

Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài 13,1km, đi trên cao theo trục đường từ Bến xe Yên Nghĩa - Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở - cắt qua đường Láng - Hoàng Cầu - Hào Nam - Cát Linh. Sau khi được đơn vị quản lý dự án bàn giao, đơn vị sẽ tiếp nhận, khai thác vận hành dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Theo Ban QLDA đường sắt và Metro Hà Nội (đơn vị tiếp nhận dự án), tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu 4 toa, sức chở tối đa 960 khách/đoàn (tương đương với 12 xe buýt lớn). Các đoàn tàu được thiết kế với tốc độ tối đa đoàn tàu 80 km/h, còn tốc độ khai thác trung bình khoảng 35 km/h, quá trình vận hành chỉ thường xuyên sử dụng 10 đoàn tàu, 2 đoàn bảo dưỡng, 1 đoàn dự phòng.

Trong giai đoạn đầu khai thác, dự kiến tàu hoạt động từ 5h-23h hàng ngày, với tần suất 6 phút/chuyến vào giờ cao điểm và 10 phút/chuyến vào giờ bình thường.

“Các đoàn tàu lưu hành với vận tốc trung bình 35km/h, gấp đôi so với vận tốc trung bình của xe buýt hiện nay nên có sức giải phóng khách nhanh. Tuy nhiên, cần có số liệu khảo sát, tính toán lưu lượng xe máy, hành khách đi xe buýt trên tuyến Nguyễn Trãi hiện nay mới có thể so sánh được về khả năng đáp ứng của tuyến tàu điện nếu cấm xe máy”, đại diện Metro Hà Nội cho biết.

Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, hiện trên địa bàn Hà Nội có 123 tuyến buýt, trong đó có 100 tuyến trợ giá, 9 tuyến không trợ giá và 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City Tour. Năng lực vận chuyển của các tuyến buýt này đạt 117 triệu lượt xe với 8,99 triệu lượt hành khách (trong đó buýt trợ giá đạt 8,63 triệu lượt hành khách).

Dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có số lượng xe buýt hoạt động rất lớn với 43 tuyến, chiếm khoảng 40% số lượng tuyến toàn mạng lưới. Với tuyến BRT, sản lượng vận chuyển đạt hơn 2,4 nghìn lượt xe, với 104.294 lượt hành khách.

Tổ chức nhiều loại hình buýt kết nối

Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, hiện nay Hà Nội có khoảng 6 triệu ôtô, xe máy và khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai gây áp lực lớn đến giao thông, môi trường và phải được kiểm soát. Ông Viện cho rằng, cùng với hạn chế xe máy, ô tô cá nhân trên một số tuyến phố, Hà Nội cũng đang cân nhắc nghiên cứu phương án dừng đăng ký xe máy tại nội thành. Nếu thực hiện việc dừng đăng ký xe máy, thành phố cũng sẽ đưa ra lấy ý kiến người dân.

Giả định về tình hình đi lại trên tuyến đường Nguyễn Trãi khi cấm xe máy, ông Nguyễn Ân, người lâu năm làm việc trong lĩnh vực đường sắt cho rằng, tuyến tàu Cát Linh - Hà Đông đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, nhưng là “ngôi sao cô đơn” nên sẽ gây ra vấn đề khác.

“Do là tuyến đường huyết mạch nên có lượng lớn người đi xe máy chỉ đi qua tuyến đường Nguyễn Trãi để đi tuyến khác. Nếu cấm xe máy, lượng khách lớn đến các ga để đến các tuyến đường khác phải được giải tỏa kịp thời, nếu không lại gây ra ùn tắc”, ông Ân nói và nhận định tuyến xe buýt nhanh BRT cũng tương tự .
Cũng theo ông Nguyễn Ân, trường hợp hạn chế xe máy trên các tuyến giao thông có phương tiện công cộng phát triển như đường Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, cần tổ chức đa dạng các loại hình buýt để kết nối từ các trục đường ngang với tuyến chính. “Cần có nhiều xe buýt công cộng loại nhỏ, kể cả xe điện để kết nối trục ngang, ngõ nhỏ với tuyến chính cấm xe máy. Có thể giao cho doanh nghiệp tư nhân kinh doanh dịch vụ xe buýt nhỏ, kết nối, còn Nhà nước tập trung đảm nhận, phục vụ vận tải trên tuyến chính”, ông Ân nói.
PGS.TS Trần Thị Kim Đăng, giảng viên Trường ĐH GTVT cho biết, việc cấm xe máy nội đô là cần thiết, tuy nhiên nếu cấm xe máy, phải có giao thông công cộng thay thế đáp ứng nhu cầu của người dân.
PGS.TS Đăng cho rằng, hiện các điểm nút giao thông công cộng, nhà chờ xe buýt phân bố rất xa nơi người dân ở, trong khi thói quen đi bộ của người Hà Nội (người già dưới 1 km, người trẻ khoảng 200m) khác với người phương Tây (khoảng 2 km).

“Nếu cấm xe máy, Hà Nội cần phải tính đến việc phát triển giao thông công cộng, phân bố điểm nút, nhà chờ giao thông hợp lý. Cần nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn của các nước, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể áp dụng ở đâu, lộ trình như thế nào”, PGS.TS Đăng góp ý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.