Xã hội

Hải Vân quan hoang phế vì tranh chấp địa giới

26/01/2016, 09:39

Tranh chấp không hồi kết giữa hai địa phương Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng khiến Hải Vân quan đang ngày càng hoang phế.

ảnh 4
Hoạt động du lịch tại Hải Vân quan mang tính tự phát, không ai quản lý.

Tranh chấp không hồi kết giữa hai địa phương Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng về địa giới đèo Hải Vân đang khiến di tích “đệ nhất hùng quan” này dần trở thành phế tích vì không ai quản lý.

Mục nát, ngập rác thải

Mục sở thị trên đỉnh đèo Hải Vân, PV Báo Giao thông cùng các đoàn du khách, người dân không khỏi xót xa khi khu di tích Hải Vân quan xuống cấp nghiêm trọng. Các đồn bốt, hầm hào, pháo đài... lộ vẻ mục nát, lẩn khuất sau các bụi cây cỏ mọc um tùm, bít hết lối đi. Tại hai cổng quan, gạch đá vỡ nát rơi vãi khắp nơi.

Nhiều kiến trúc khác cũng trong cảnh hư hại nghiêm trọng. Mặc cho một số người hay vật nuôi có nguy cơ xâm hại di tích, chúng tôi không ghi nhận bất kỳ sự xuất hiện của lực lượng chức năng, hay đơn vị quản lý bảo tồn nào xuất hiện. Các du khách nước ngoài ghé lại chụp ảnh phải “bịt mũi” trước cảnh tượng rác thải, xú uế ngập ngụa bên trong các lô cốt. Nhiều người chui vào khám phá đều lập tức trở ra, chau mày ngán ngẩm.

ảnh 3 (2)
Cổng Hải Vân quan đang dần mục nát, cây cỏ bủa vâybít hết lối đi.

Dưới chân di tích, một dãy hàng quán dựng tạm bợ bán buôn đủ loại thực phẩm, hàng lưu niệm nhưng không niêm yết giá. Hải Vân quan hiện không có bất cứ một đơn vị quản lý nào, tất cả đều tự phát, không kiểm soát. Theo một chủ hộ kinh doanh tại đây, mỗi ngày Hải Vân quan đón hàng trăm lượt du khách trong nước và quốc tế. Vì không có ai quản lý nên nhiều người vô tư trèo lên di tích để chụp ảnh khiến hư hại nặng nề hơn. Các hàng quán đều tự dùng máy phát điện hoặc ắc-quy thắp sáng vì trên này vẫn chưa có điện lưới.

Sắp thành phế tích

Tìm hiểu của Báo Giao thông, thảm cảnh Hải Vân quan hoang tàn như hiện nay là do việc tranh chấp địa giới giữa Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng vẫn chưa ngã ngũ. Phần phía Bắc của di tích thuộc địa phận của Thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Phần phía Nam lại chịu sự quản lý của phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Nơi từng được vua Minh Mạng đặt tên “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” đang “chết” dần trước sự “thèm thuồng” được đầu tư du lịch của hai địa phương. Ông Trần Chí Cường, Phó GĐ Sở VH,TT&DL Đà Nẵng cho biết, do vướng nhiều vấn đề về phân chia địa giới nên hiện Hải Vân quan vẫn chưa thống nhất giao cho Đà Nẵng hay Thừa Thiên - Huế quản lý.

“Cả hai địa phương đều nhiều lần ngồi lại với nhau, làm việc với các Bộ, ngành liên quan nhưng đến nay vẫn chưa phân định rõ ràng ranh giới.

Căn cứ theo mốc địa giới thì 1/3 Hải Vân quan thuộc về Đà Nẵng, 2/3 còn lại gồm nhiều thành lũy lại nằm bên phía Huế. Việc nhập nhằng ranh giới này đang đẩy di tích trở nên hoang tàn vì không có đơn vị nào quản lý chính, mạnh bên nào bên đấy làm”, ông Cường nói và cho biết thêm, cũng vì ranh giới chưa phân định rõ ràng nên đến nay Hải Vân quan vẫn chưa được công nhận là Di tích Quốc gia.

Nỗi niềm “một vợ hai chồng”

Theo ông Đàm Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, để quản lý được an ninh trật tự trên đỉnh đèo Hải Vân là rất khó vì đặc thù đường đèo xa xôi. Khi xảy ra việc gì thì mất nhiều thời gian để lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường. Quận Liên Chiểu giao cho phường  Hòa Hiệp Bắc trực tiếp thành lập tổ công tác đảm bảo trật tự, kinh doanh... trên khu vực di tích nhưng hoạt động cầm chừng vì... thiếu người.

Thường xuyên có mặt trên đỉnh đèo Hải Vân, Đại úy Nguyễn Tiến Đạt, cán bộ Đồn Biên phòng Hải Vân cho hay, ngoài công tác biên phòng, đơn vị của anh kiêm luôn việc giữ gìn an ninh trật tự trên đèo.

Tuy nhiên, việc quản lý khó vì không có lực lượng chuyên trách, chỉ có hai cán bộ hàng ngày tuần tra quanh di tích. Tình trạng chặt chém, chèo kéo khách thời gian qua giảm nhiều. Thế nhưng, di tích thì ngày càng xuống cấp, hoang phế.

Về phía Thừa Thiên - Huế, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho hay, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã làm hồ sơ gửi ra Bộ VH,TT&DL xin công nhận di tích quốc gia cho Hải Vân quan nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận. Nguyên nhân vẫn là chưa phân định rõ ranh giới.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng ví von: “Hải Vân quan giờ đây như phận “1 vợ 2 chồng” mà “2 ông chồng cứ giằng co mãi chuyện quản lý “bà vợ di sản” của mình. “Chúng tôi rất muốn quản lý, kêu gọi đầu tư du lịch bền vững trên đó nhưng khó lòng làm được khi Bộ VH,TT&DL vẫn chưa kết luận Hải Vân quan thuộc Đà Nẵng hay Huế.

Ngoài ra, di tích này cũng thuộc phần đất quân sự trọng yếu, muốn đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch cần xin ý kiến cả Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân khu 4, rồi báo cáo Bộ Quốc phòng... Sợ rằng khi mọi chuyện ngã ngũ thì di tích bị thiên nhiên khắc nghiệt tàn phá hết rồi”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.