Xã hội

Hạn hán nặng, Tây Nguyên đối mặt với vụ mùa mất trắng

31/03/2016, 06:01

Nắng hạn kéo dài khiến hàng chục nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, hàng trăm nghìn ha cây trồng hạn hán...

A3b
Bò được chăn thả tại ao hồ sắp cạn nước (Đắk Lắk) Ảnh: Ngọc Hùng

“Mót” nước cứu cây

Tây Nguyên những ngày cuối tháng 3, cái nắng như đổ lửa vẫn hoành hành trên khắp vùng. Tại Gia Lai, hàng nghìn ha rừng trơ trụi lá, nhiều dòng sông, hồ nước cạn kiệt. Để tránh một mùa màng thất bát, hàng nghìn hộ dân tìm đủ mọi cách vét kênh, đào đất, chắt chiu từng giọt nước cứu cây. Nhiều nơi, người dân đành bỏ hoang cây cối hoa màu để phó mặc cho… trời!

Tại xã Ia Đreng (huyện Chư Pứh), chỉ cho chúng tôi nhìn vườn cà phê 3 ha cháy lá, cành héo khô, anh Phùng Văn Thanh lắc đầu nói: “Mấy tháng nay vườn cà phê của tôi chưa được một giọt nước. Từ đầu mùa khô, thấy giếng cạn nên đào sâu thêm vài mét vẫn không có nước. Nghĩ nơi đây không có mạch, tôi bỏ ra gần 100 triệu đồng chuyển sang đào 2 cái giếng mới nhưng không thấy nước đâu, đành phó mặc cho trời. Không có mưa thì vườn cà phê gần 10 năm đành vứt bỏ”.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến lượng mưa tại các tỉnh Tây Nguyên đạt ở mức thấp, mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm nên các hồ đập thủy lợi trên địa bàn đều không tích đủ nước. Cùng với nền nhiệt độ cao, thời tiết nắng nóng kéo dài khiến mạch nước ngầm bị sụt giảm nghiêm trọng, hàng trăm hồ chứa nước cạn trơ đáy và giảm xuống mực nước chết không còn khả năng cung cấp nước.

Theo ghi nhận của PV, tại hồ Ea Hư (thuộc buôn Tah, xã Ea Đrơng, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk), tình hình hạn hán đang diễn biến khốc liệt. Hàng trăm ha cà phê, hồ tiêu khu đang mòn mỏi “chờ nước”. Người dân tất bật, kéo ống “mót” những vũng nước còn lại để cứu cây trồng. Dưới cái nắng như đổ lửa, ông Y Đông (xã Ea Đrơng, Cư Mgar) đang dùng cuốc vắt lớp bùn với hy vọng có đủ nước tưới cho diện tích cà phê “khát”, than thở: “Từ nhiều tháng nay không có giọt mưa nào, người dân tưới đợt 2 là hết nước, diện tích nhiều hồ nước đã cạn trơ đáy. Sắp tới không có mưa, người dân không biết lấy đâu ra nước tưới cho cây trồng”.

Cùng chung cảnh “khát”, tại tỉnh Đắk Nông, hạn hán đang diễn ra trên diện rộng ở các huyện Cư Jút, Krông Nô và Đắk Mil. Phần lớn các sông suối, hồ đập thủy lợi nhỏ và vừa ở khu vực này đã khô cạn, lượng nước  tụt giảm ở mực nước chết.

Ông Nguyễn Thái Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia (TX Gia Nghĩa, Đắk Nông) cho biết, những ngày qua, người dân đang phải ăn ngủ tại hồ Đắk Nia để “mót” những giọt nước cuối cùng, để tưới cho cây trồng. Hiện, lượng nước đang dần khan hiếm, chỉ đủ phục vụ nước tưới đợt 2 nhưng đợt tiếp theo tình trạng thiếu nước sẽ diễn ra cục bộ, hàng trăm ha cây trồng sẽ đối mặt với nguy cơ “chết khô”.

Dân đi… “cõng” nước

Không chỉ cây trồng, nắng hạn tiếp tục làm cho hàng nghìn hộ dân, vật nuôi rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt, nhiều gia đình phải đi “cõng” hoặc mua nước về dùng. Trên tuyến QL20, theo chân ông Lê Lý (trú thôn 10, xã Liên Đầm, huyện Di Linh, Lâm Đồng) dưới cái nắng như đổ lửa, chiếc xe công nông cột chặt những chiếc thùng phi rong ruổi đi “cõng” nước, ông than thở: “Đã hơn hai tháng nay, người dân ở khu vực thôn 10 không còn nước để uống rồi. Tổng cộng nhà tôi đã khoan 4 cái giếng, mất gần 60 triệu đồng nhưng không có nước. Hằng ngày, tôi phải đi từ 1 - 2km để xin nước. Nếu xin ít thì thôi, xin nhiều thì phải trả tiền điện, tiền nước cho người ta”.

Tình cảnh xảy ra tương tự với thôn 1, hàng ngày người dân phải dùng công nông, chở theo thùng phi xuống suối lấy nước về để tắm giặt, còn mua nước đóng bình để nấu ăn. Tại thôn 1, chị H’Loih lo lắng: “Thời tiết năm nay nắng hạn khủng khiếp, những giếng nước mọi năm cho nước tràn trề nay đã cạn trơ đáy. Hàng ngày, người dân phải cột thùng, can lên xe máy, xe công nông để đi xuống suối “vắt” từng giọt nước về dùng. Nếu thời tiết cứ nắng hạn kéo dài thì người dân chúng tôi sẽ khát khô mất”.

Theo Báo cáo của Bộ NN&PTNT tại cuộc họp Ban chỉ đạo Tây Nguyên ngày 7/3, hiện toàn vùng đã có 2.865 ha lúa phải dừng sản xuất (Gia Lai 2.650 ha, Đắk Nông 215ha), 5.800 ha lúa Đông Xuân bị hạn (chiếm khoảng 8% diện tích gieo trồng) và gần 8.000 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.

Dự kiến, trong thời gian tới, diện tích cây trồng bị hạn hán, thiếu nước tưới là 150 nghìn ha (hơn 13 nghìn ha lúa và hơn 136 nghìn ha cây công nghiệp) và khoảng 34 nghìn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Dọc QL14, đoạn qua xã Đắk Gằn (huyện Đắk Mil, Đắk Nông), cảnh người dân địa phương mang can, thùng đi mua nước xuất hiện khắp nơi. Mua 1 can (30 lít) có giá 8 nghìn đồng, 2 can thì 15 nghìn đồng.  Nhà nào có điều kiện thì dùng xe công nông sang các xã lân cận để mua nước về sinh hoạt với giá từ 60 - 80 nghìn đồng/m3. Được biết, toàn xã có khoảng 1/4 người dân thiếu nước sinh hoạt. Ở các bản đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bà con phải vào các khe suối “cõng” nước về dùng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Dương, Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông) cho biết, tình trạng thiếu nước xảy ra chủ yếu đối với các hộ sử dụng nước từ giếng đào. Một số giếng khoan của công trình cấp nước tập trung cũng đã bị thiếu nước do lượng nước ngầm giảm nhanh.

Ráo riết tìm giải pháp giúp người dân đối phó với khô hạn, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum đều đã lên kế hoạch phối hợp với các công ty thủy điện để vận hành xả nước hợp lý đảm bảo nguồn nước tưới cho khu vực hạ du. Đối với những khu vực thiếu nước sinh hoạt, lãnh đạo các địa phương chỉ đạo cần ưu tiên khoan giếng cấp nước, huy động và hỗ trợ nhân dân sử dụng máy bơm của hộ gia đình để bơm nước từ các khe suối, để phục vụ chống hạn... 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.