Xã hội

Hạn mặn khốc liệt: Người lên phố tìm việc tăng mạnh (Kỳ 2)

24/05/2016, 09:08

Hạn mặn ngày càng khốc liệt, đất đai không thể canh tác, nông dân miền Tây đổ về TP. HCM tìm kế mưu sinh.

IMG_2554

 Rất đông người lao động miền Tây tập trung tại cổng một công ty da giầy trên đường số 6, khu công nghiệp Sóng Thần, Dĩ An, Bình Dương

Bỏ quê lên phố kiếm sống

Dạo một vòng quanh khu vực TX Dĩ An (Bình Dương) và quận Thủ Đức (TP HCM) chúng tôi chứng kiến, nhiều nhà trọ dán thông báo “hết phòng cho thuê”.

Khu nhà trọ của ông Đương (ở khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, TX Dĩ An), có tổng cộng 54 phòng. Thời điểm trước Tết Nguyên đán 2016, khu trọ thường xuyên có từ 5 - 7 phòng không có người ở. Tuy nhiên, đến nay, tất cả các phòng đều chật kín. Thậm chí, chủ nhà trọ này còn phải ngăn đôi phòng quản lý,  bảo vệ (ở ngay gần cổng) để có thêm phòng cho công nhân thuê.

Tương tự, khu nhà trọ Tám Tài (70 phòng) ở khu phố Nhị Đồng 2, nhà trọ bà Yến ở Khiết Tâm, nhà trọ ông Hoàng ở Tân Đông Hiệp (TX Dĩ An); Nhà trọ bà Năm ở phường Linh Tây, ông Út Sáu ở phường Linh Trung (quận Thủ Đức)… hiện đều trong tình trạng không còn phòng trống. Theo các chủ trọ này, người đến thuê phòng quê tứ xứ, nhưng đông nhất vẫn là người miền Tây, nhất là kể từ sau Tết Nguyên đán 2016.

Mặc dù là ngày đầu tuần nhưng tại khu nhà trọ Tám Tài, chúng tôi bắt gặp nhiều người không đi làm. Qua tìm hiểu được biết, một số công nhân do làm ca đêm nên nghỉ ngày, song còn có hơn chục người ở miền Tây mới đến, chưa tìm được việc. Ông Lê Hiếu Trung (43 tuổi), quê ở xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre cho hay, 3/ 5 người trong gia đình ông (gồm ông, vợ và con gái đầu) lên Bình Dương kiếm việc làm. Ở quê nhà, ông còn lại mẹ già ngoài 80 tuổi và con gái út đang học cấp 2.

Nhà ông Hiếu có 3 công đất (3.000m2) trồng dừa. Mấy năm trước, vườn dừa cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng, cộng với tiền làm mướn của hai vợ chồng ông nên đời sống gia đình cũng tạm ổn. Gần 1 năm nay, đất nhiễm mặn nặng, dừa bị điếc nên cho thu hoạch chỉ bằng 1/10. Mặn cũng làm cho đàn heo nuôi bị tiêu chảy, chết dần chết mòn…

Túng quẫn, ông Hiếu mang theo gia đình tha hương cầu thực. Tuy nhiên, chỉ có vợ và con ông xin được việc làm với thu nhập trên 5 triệu đồng/tháng. Ông Hiếu xin vào các công ty nhưng họ không nhận vì nhiều tuổi, đành phải ở nhà chờ ai thuê gì làm nấy, lâu lâu mới có người gọi đi phụ sơn nước được ít ngày.

Ông Hiếu cho biết thêm, ở xã ông hiện nay có khoảng 80% số hộ có người đi làm ăn xa, những người ở lại thường ngoài 50 tuổi và trẻ em đang độ tuổi ăn học.

Theo ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP HCM, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tiếp nhận và giới thiệu khoảng 800 hồ sơ xin việc của người lao động thuộc các tỉnh miền Tây (chiếm khoảng 30% tổng số lao động được trung tâm giới thiệu và tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái). Hiện, trung tâm có 7 văn phòng đang hoạt động tại các quận, huyện trong thành phố và người lao động ở các tỉnh miền Tây là những đối tượng được ưu tiên do nhu cầu tìm việc của họ đang gia tăng nhanh.

Ngược xuôi tìm việc

Đi thực tế tại các khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương, chúng tôi cũng ghi nhận, có nhiều người tập trung tại cổng các công ty xin việc làm. Theo lời những công nhân tại đây, việc tuyển dụng lao động diễn ra vào đầu năm, nhưng năm nay tuyển dụng kéo dài có liên quan đến những người từ các tỉnh ĐBSCL lên nộp hồ sơ. Sáng 16/5, chúng tôi chứng kiến, một công ty da giầy ở đường số 6, khu công nghiệp Sóng Thần còn lập “chốt tuyển dụng dã chiến” ngay tại cổng. Hơn 30 hồ sơ xin vào công ty này nhưng chỉ vài trường hợp được tiếp nhận.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cảnh sát khu vực phường Tân Đông Hiệp (TX Dĩ An) cho biết, hầu hết những người miền Tây lên đây để tìm việc làm, mưu sinh.

Tuy nhiên, cũng có một số thanh niên ham nhậu nhẹt, dễ phát sinh tình trạng cãi lộn, gây gổ đánh nhau, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự… “Công an khu vực phối hợp chặt chẽ với các tổ dân phố, các khu nhà trọ vận động tất cả những trường hợp di cư đến địa bàn phải thực hiện đăng ký tạm trú.

Ngoài ra, các khu trọ thường xuyên nhắc nhở, quản lý nhân khẩu tạm trú, đóng cửa nhà trọ trước 23h…”, vị này nói.

Trao đổi với chúng tôi, chị Đỗ Thị Lan (34 tuổi, quê ở ấp 6, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) buồn bã cho biết, chị bị “rớt” ngay từ vòng đầu vì chưa có tay nghề. Chị Lan cho hay, nhà chị có vài ao tôm nhỏ nhưng bị mặn, tôm chết thảm. Chị tính lên Bình Dương thuê nhà trọ và kiếm việc làm, sau đó gọi chồng lên, nhưng xem ra tìm việc lúc này khó quá!

Cùng cảnh với chị Lan, anh Nguyễn Phước Tân (40 tuổi, quê ở thị trấn Cái Đồi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) bị “trượt” vì tuổi cao và chưa có kinh nghiệm. Anh Tân cho biết, anh cùng vợ mang theo con nhỏ đến khu công nghiệp Sóng Thần xin vào công ty làm vì mấy công ruộng nhà anh bị nhiễm mặn không canh tác được. Tuy nhiên, chỉ có mình vợ anh xin được việc (mức lương trên 4 triệu đồng/tháng). Tạm thời anh ở nhà trông con, khi nào kiếm được việc sẽ gửi bé vào nhà trẻ. Anh Tân cũng thông tin, ở thị trấn nhỏ của anh, từ đầu năm đến nay rất đông người lên TP HCM, Bình Dương xin làm công nhân.

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP HCM ở Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) chiều 16/5, chúng tôi chứng kiến gần 50 người mang theo hồ sơ đến tìm việc. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết có đến hơn 2/3 người lao động đến nhờ trung tâm giới thiệu việc làm có hộ khẩu từ các tỉnh miền Tây, trong đó tập trung nhiều nhất là các tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Sóc Trăng…

Anh Nguyễn Văn Tèo, một người chạy xe ôm ở Bến xe Miền Tây cho biết: Trước kia, do nhu cầu của người dân từ các tỉnh ĐBSCL đến TP HCM xin việc, tại khu vực này còn có cả những nhóm người câu kết môi giới việc làm, thậm chí lừa đảo người lao động. Tuy nhiên, gần đây, chính quyền địa phương, công an tuyên truyền vận động và xử lý nghiêm nên các “chợ người” bị dẹp. Người lao động cũng nâng cao cảnh giác mà tìm đến các trung tâm xúc tiến việc làm.

Ông Đào Trần Đông, Phó chủ tịch Thường trực Công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương, cho biết: Thời gian gần đây, do hạn hán xảy ra ở các tỉnh Tây Nguyên, nhiễm mặn ở ĐBSCL, người lao động di cư tìm việc khá đông.

Từ đầu năm đến nay, các khu công nghiệp Bình Dương tăng khoảng 7000 lao động từ các tỉnh miền Tây và Tây Nguyên. “Lao động từ miền Tây thường được các doanh nghiệp ưu ái hơn bởi sự hiền lành, chịu khó. Người miền Tây đến các khu công nghiệp Bình Dương tìm việc thường có nhiều lao động lớn tuổi (ngoài 35 tuổi). Đó là khó khăn lớn nhất bởi những lao động này làm đến hết tuổi lao động vẫn chưa đủ năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu…”, ông Đông nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.