Thế giới giao thông

Hãng sản xuất máy bay nhỏ ngóng thị trường Trung Quốc

11/01/2017, 09:22
image

Chính sách mới của CAAC có thể đẩy các hãng hàng không mới thành lập vào cảnh khó khăn.

Các hãng sản xuất may bay nước ngoài lo n

Các hãng sản xuất máy bay nước ngoài lo ngại không thể cạnh tranh với hãng sản xuất máy bay của Trung Quốc (COMAC) khi nhu cầu máy bay loại này tăng cao.

Quy định quản lý các hãng hàng không mới tại Trung Quốc mở ra hy vọng cho các Tập đoàn sản xuất máy bay Embraer SA, Bombardier Inc… về khả năng nhu cầu mua máy bay sẽ nở rộ trong năm 2017, song không thể bỏ qua những rủi ro và chướng ngại tiềm ẩn.

Hy vọng về thị trường mới

Ba năm trở lại đây, nhiều hãng hàng không mới tại Trung Quốc được thành lập ồ ạt, tập trung vào các đường bay chính khiến khu vực này đã đông đúc lại càng thêm chật chội, trong khi thị trường thứ cấp thì lèo tèo vài hãng và không thể phát triển.

Số liệu mới nhất do Viện Nghiên cứu thiết kế máy bay Thượng Hải thực hiện cho thấy, tính đến cuối năm 2015, Trung Quốc có 57 hãng hàng không, trong đó chỉ có 12 hãng hoạt động các tuyến thứ cấp. Do đó, mới đây, Cơ quan Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) công bố chính sách mới nhằm phân luồng một cách có hệ thống các hãng hàng không, thúc đẩy các “tân binh” trong ngành Hàng không phát triển các chuyến bay phục vụ thị trường thứ cấp hơn là tập trung vào các thành phố lớn.

Xem thêm video:

Dự thảo chính sách mới chưa được công bố toàn bộ nên khiến những người trong ngành vẫn đoán già, đoán non. Theo 3 nguồn thạo tin, chính sách này sẽ có một số điều khoản như hạn chế quy mô tiếp cận các trung tâm vận tải lớn, yêu cầu các hãng hàng không mới phải vận hành ít nhất 25 máy bay nhỏ (hay còn gọi là máy bay khu vực) trước khi nâng cấp lên máy bay chở khách lớn hơn.

Dự đoán trên đồng nghĩa, nhu cầu của Trung Quốc đối với máy bay vận tải khách nhỏ trong 2 năm tới có thể lên 250 chiếc. Chính sách trên khuyến khích các nhà sản xuất nước ngoài như: Bombardier và Embraer đầu tư vào thị trường này - ông Yang Yang, Giám đốc Viện Nghiên cứu thiết kế máy bay Thượng Hải của Tập đoàn Sản xuất máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) nhận định.

Đây có thể là “phao cứu sinh” cho các hãng sản xuất máy bay nhỏ của nước ngoài vốn đang "ngắc ngoải" vì vài năm trở lại đây, nhu cầu mua máy bay nhỏ suy giảm tại các thị trường chính như Mỹ và châu Âu. Dự đoán về xu hướng phát triển hàng không tại châu Á lại chưa rõ ràng. Chẳng thế mà đại diện Bombardier (Canada) ca ngợi, chính sách mới của Bắc Kinh sẽ tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong khu vực “thêm nhiều cơ hội mới”; Còn hãng Embraer của Brasil nhận định chính sách mới rất “sáng suốt để thúc đẩy hàng không khu vực phát triển”. Thậm chí, Tập đoàn Sản xuất máy bay dân dụng Sukhoi (Nga) đã nhanh chân đàm phán thường xuyên với các khách hàng tiềm năng của Trung Quốc để giới thiệu máy bay nhỏ Superjet.

Rào cản với nhà sản xuất nước ngoài

Song, chính sách mới của CAAC có thể đẩy các hãng hàng không mới thành lập vào cảnh khó khăn vì thị trường thứ cấp vốn lợi nhuận thấp lại phải cạnh tranh khốc liệt với hệ thống đường sắt cao tốc đã và đang mở rộng tới các thành phố nhỏ.

Còn về thị trường sản xuất máy bay nhỏ, các hãng nước ngoài sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với nhà sản xuất máy bay nội địa của Trung Quốc, cụ thể là ARJ21 do COMAC chế tạo. Kể từ khi Trung Quốc công bố dự án tự chế tạo máy bay năm 2002, nước này bắt đầu giảm các đơn đặt hàng ở cả hai Công ty Embraer và Bombardier.

COMAC cho biết, ARJ21 nắm nhiều lợi thế hơn các hãng nước ngoài như hệ thống dịch vụ nội địa, tiêu chuẩn hoạt động được “đo ni đóng giày” phù hợp với điều kiện độ cao và khí hậu nóng ở khu vực phía Tây của nước này. Tuy nhiên, họ mới chỉ sản xuất được 2 chiếc máy bay, được cho là đang phục vụ tại Hãng hàng không Chengdu. Chiếc ARJ21 cũng chưa nhận được giấy chứng nhận chất lượng của Mỹ. Do đó, các nhà phân tích vẫn hoài nghi về tính khả thi của chiếc máy bay nội địa Trung Quốc tự sản xuất. “ARJ21 có lẽ chưa hoạt động”, ông Richard Aboulafia, Phó chủ tịch Công ty Tư vấn hàng không Teal Group nhận định.

Về phía các hãng hàng không, phần lớn có quan điểm mở như ông Zhang Jian, Tổng giám đốc Hãng hàng không China Express, đó là: “Chúng tôi không phân biệt máy bay trong nước hay nước ngoài sản xuất”.

Ngoài cạnh tranh, các hãng sản xuất máy bay nước ngoài còn lo ngại rủi ro về quy chuẩn kích thước máy bay nhỏ của Trung Quốc. CAAC chưa công bố đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật mới đối với các máy bay loại nhỏ. Họ chỉ đưa ra một vài thông số về số ghế, cân nặng đối với loại máy bay này. Người phụ trách lĩnh vực máy bay thương mại của Embraer - ông John Slattery e ngại, các quy định về kỹ thuật của Trung Quốc có thể khiến các dòng máy bay E-195 120 chỗ của Embraer và Cseries 110-130 chỗ của Bombardier bị “loại khỏi cuộc chơi”. Song, Giám đốc Quan hệ công chúng của Bombardier, ông Bryan Tucker cho biết: “Chúng tôi tự tin, tất cả loại máy bay 5 hàng ghế trở xuống đều đủ điều kiện là máy bay loại nhỏ theo quy định của CAAC. Chúng tôi vốn làm việc với nhiều hãng hàng không Trung Quốc dựa trên tiêu chuẩn như vậy”.

Còn các hãng sản xuất khác như Mitsubishi của Nhật đang dè chừng vì lo ngại cạnh tranh khốc liệt đặc biệt với máy bay “cây nhà lá vườn” ARJ21 của Trung Quốc và các rào cản chính trị. Ông Yugo Fukuhara, Phó giám đốc Tập đoàn Sản xuất máy bay Mitsubishi nhận định: “Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy Trung Quốc có tiềm năng khổng lồ. Song, cùng với đó, chúng tôi cũng nhận thấy đối thủ nặng ký ARJ21 và các rào cản chính trị khác” (liên quan tới căng thẳng giữa Nhật - Trung về tranh chấp trên biển Hoa Đông”.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.