Xã hội

Hàng trăm câu hỏi cử tri Thủ Thiêm gửi tới Quốc hội

29/05/2018, 19:14

Đoàn ĐBQH TP HCM đã tập hợp tất cả ý kiến của các cử tri Thủ Thiêm và gửi tới Ban Dân nguyện.

khu-do-thi-thu-thiem

Đoàn ĐBQH TP.HCM đã tập hợp tất cả ý kiến của các cử tri Thủ Thiêm và gửi tới Ban dân nguyện của Uỷ ban TVQH.

Liên quan đến những khiếu kiện kéo dài về đất đai ở Thủ Thiêm, Đoàn ĐBQH TP.HCM vừa có văn bản gửi Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phản ánh hàng loạt ý kiến của cử tri nơi đây.

Làm rõ việc nhà dân ngoài ranh giới vẫn bị cưỡng chế

Phản ánh tới đoàn ĐBQH, cử tri đề nghị làm rõ các vấn đề liên quan tới cơ sở pháp lý để thành phố thực hiện quy hoạch, thu hồi nhà đất để tiến hành dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm bởi họ cho rằng sau quá trình thực hiện đã không như quy hoạch ban đầu khi thành phố lấy thêm đất của dân ngoài ranh giới để nhập vào khu trung tâm đô thị, còn phần đất tái định cư cho người dân lại bố trí rải rác nhiều nơi.

Tại các buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cho rằng nhà, đất của họ nằm ngoài ranh giới quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng vẫn bị cưỡng chế. UBND quận 2 không ban hành quyết định thu hồi đất đến từng hộ dân mà chỉ căn cứ vào quyết định của UBND TP. HCM để thu hồi là không đúng pháp luật, do đó người dân khiếu nại từ nhiều năm nay. 

Cử tri yêu cầu công khai bản đồ kèm theo Quyết định 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng và bày tỏ sự bức xúc trước thông tin chưa tìm thấy bản đồ quy hoạch gốc 1/5.000 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đồng thời đặt ra nhiều nghi vấn liệu có khuất tất trong vấn đề này.

Cử tri đề nghị thành phố thông tin công khai, minh bạch vấn đề này, xác định rõ ranh giới quy hoạch và trả lời, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của cử tri có liên quan đến nội dung trên.

Có hay không tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm?


Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án có nhiều việc thực hiện không đúng quy định pháp luật; chính sách, cơ sở để tiến hành kiểm điểm, lập hồ sơ giải toả, đền bù trong nhiều trường hợp chưa đúng quy định pháp luật, chưa chính xác, lập hồ sơ thiếu… Một số cử tri phản ánh không nhận được quyết định cưỡng chế, không được mời làm việc, chính quyền không lập hồ sơ di dời, gia đình chưa ký các văn bản liên quan… vẫn bị cưỡng chế giải toả.

Cử tri cho rằng các chính sách đền bù, giải toả tái định cư còn nhiều bất cập, giá bồi thường cho người dân quá thấp, dẫn chứng cụ thể, có trường hợp chỉ được đền bù 18 triệu đồng/m2 đất, nhưng khi liên hệ với một doanh nghiệp bất động sản để hỏi giá đất dự án nhà ở Thủ Thiêm thì được báo giá 350 triệu đồng/m2.

Có cử tri phản ánh khi giải toả chỉ được nhận đền bù 94 triệu đồng, được tái định cư nhưng phải đóng thêm 800 triệu mới được mua một căn chung cư tái định cư, người dân không đủ tiền mua nên rất khó khăn. Vì thế, đề nghị phải xem lại đơn giá bồi thường cho những người dân bị ảnh hưởng.

Cử tri cũng đề nghị làm rõ có hay không có tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng trong quá trình thực hiện dự án này. 

Đồng thời đề nghị tổ ĐBQH báo cáo Quốc hội, Chính phủ và Trung ương để tổ chức thanh tra dự án này, làm rõ các nội dung bức xúc, trong đó cử tri nêu một số nội dung cụ thể.

Cử tri đề nghị làm rõ từ khi triển khai thực hiện Dự án đến nay, ngân sách Nhà nước thu được bao nhiêu, trong khi số tiền đi vay để đền bù giải toả là rất lớn? Cử tri cũng phản ánh thông tin và đề nghị làm rõ việc 4 con đường chưa đầy 12 km trong khu đô thị giá rất cao.

Cử tri cho rằng người dân đồng tình thực hiện quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm nhưng phải làm đúng.

Theo đề nghị của cử tri, việc thực hiện dự án phải đúng quy định pháp luật, phải công khai minh bạch, nếu chính quyền thấy sai thì cần đối thoại với dân, cùng giải quyết và sửa sai, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các trường hợp làm sai. 

img

Cần lực lượng cảnh sát biển mạnh để quản lý toàn bộ vùng biển

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.