Đường sắt

Hàng trăm đường ngang không đạt chuẩn, loại bỏ cách nào?

27/03/2018, 09:15

Bộ GTVT đang xây dựng thông tư quy định về đường ngang, từng bước loại bỏ hàng trăm đường ngang không đạt chuẩn.

7

Đường ngang lối vào Tổng công ty Công nghiệp xi măng VN có độ dốc lớn nhưng ngắn, tiềm ẩn nguy cơ TNGT

Nguy cơ ùn tắc, tai nạn rình rập

Ghi nhận của PV Báo Giao thông chiều 23/3 tại đường ngang có biển báo khu Nhà Dầu (đường Lê Duẩn, Hà Nội), hàng loạt ô tô, xe máy bị ùn ứ do mặt đường ngang cao hơn đường bộ khoảng 70 - 80cm. Các phương tiện lên - xuống rất khó khăn và phải chờ đợi nhau rất lâu.

Các đường ngang vào Tập đoàn Than - Khoáng sản VN, Tổng công ty Công nghiệp xi măng VN cũng trong tình cảnh tương tự. Mỗi khi có xe ô tô từ hai doanh nghiệp này đi ra lại gây cảnh ùn ứ phía đường bộ do ô tô “cheo leo” trên đường ngang, tìm cách nhích dần xuống đường Lê Duẩn.

Dự thảo bổ sung Thông tư cũng quy định về nội dung quản lý đường ngang, hồ sơ quản lý đường ngang; quy định về cảnh giới tại các đường ngang nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT.

Không chỉ đường ngang có biển báo hay cảnh báo tự động, nhiều đường ngang có gác chắn cũng không đảm bảo các yếu tố tiêu chuẩn về hạ tầng. Đơn cử, tại đường ngang lối vào Ngân hàng Nông nghiệp khu Phương Liệt, đường Giải Phóng, đường sắt bị “kẹp” giữa 2 đường bộ đông đúc. Chiều rộng đường ngang mở ra hai phía đường sắt ngắn, dốc. Mỗi khi có tàu, nhân viên gác chắn rất vất vả cảnh báo các chủ phương tiện không cố vượt, nếu chết máy trên đường ngang khi đang lên dốc sẽ gây ra các vụ TNGT thảm khốc.

Ông Nguyễn Đào Việt Phương, Đội trưởng Đội Chắn đường ngang Giáp Bát cho biết, đây là tình trạng phổ biến tại hầu hết các đường ngang trong khoảng 10km đơn vị quản lý. Chưa kể hàng chục lối đi tự mở do đường sắt song song đường bộ, nhưng lại cao hơn.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó trưởng ban Quản lý hạ tầng đường sắt Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, trên đường sắt quốc gia hiện có 1.517 đường ngang, gồm 652 đường ngang có gác, 380 đường ngang cảnh báo tự động, 485 đường ngang có biển báo. Trong đó, 80% đường ngang không đủ tất cả tiêu chuẩn theo Thông tư 62/2015 của Bộ GTVT quy định về đường ngang. Các đường ngang không đảm bảo chủ yếu do tầm nhìn hạn chế, độ dốc, góc giao cắt của đường bộ qua đường sắt vượt quá quy định.

Nguyên nhân của tình trạng này theo ông Vĩnh, ngoài yếu tố lịch sử để lại còn do địa phương khi giao đất cho doanh nghiệp xây dựng các khu công nghiệp hay khi mở khu kinh tế, khu dân cư xem nhẹ việc tuân thủ các quy định về giao cắt đường bộ - đường sắt; không phối hợp với đường sắt khi quy hoạch.

Thông tư mới siết trách nhiệm địa phương

Cũng theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, để hạn chế các yếu tố không đảm bảo theo quy định tại Thông tư 62, thời gian qua, Tổng công ty Đường sắt VN đã triển khai nhiều dự án, công trình cải tạo, nâng cấp đường ngang. Trong đó, đơn vị đã thực hiện cải tạo, nâng cấp xong 291 đường ngang là những điểm đen, nguy cơ mất an toàn cao. Tất cả các đường ngang sau khi cải tạo sửa chữa, nâng cấp đều đã đảm bảo độ êm thuận, thanh thoát, đồng thời cung cấp đầy đủ các tín hiệu cho người và phương tiện tham gia giao thông an toàn.

Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN Khương Thế Duy cho biết, tại dự thảo Thông tư quy định về đường ngang và cấp giấy phép xây dựng công trình trong phạm vi đất dành cho đường sắt để thi hành Luật Đường sắt 2017, cơ quan soạn thảo cũng bổ sung nhiều quy định nhằm đảm bảo đường ngang đạt chuẩn, an toàn.

Dự thảo bổ sung quy định việc xây dựng gồ, gờ giảm tốc vào hệ thống phòng vệ đường ngang không có người gác; quy định việc quản lý chất lượng đối với chắn đường ngang. Cùng đó, ưu tiên bố trí làn chờ, sửa chữa, cải tạo đường ngang để cải thiện độ dốc đường bộ, tạo thuận lợi cho các phương tiện qua đường ngang; Từng bước lắp đặt cần chắn tự động tại các đường ngang cảnh báo tự động.

Để tăng cường quản lý đường ngang, dự thảo quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc quản lý, xây dựng, bảo trì, khai thác đường ngang. Trong đó, quy định trách nhiệm của UBND các cấp như: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục nhân dân; tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm hành lang ATGT đường sắt; Quản lý đất trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt, hành lang ATGT tại đường ngang. Đề xuất hình thức tổ chức phòng vệ đường ngang công cộng phù hợp quy định.

“Đặc biệt, địa phương phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc giải tỏa hành lang ATGT tại đường ngang trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý để đảm bảo tầm nhìn”, ông Duy nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.