Doanh nghiệp

HANIC có "lột xác" khi tăng vốn “gấp” lên 2.000 tỷ đồng?

27/06/2015, 14:29

Công ty CP đầu tư tổng hợp Hà Nội họp bàn kế hoạch tăng vốn “khủng” từ 385,9 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng.

Anh DHCD HSH 26-6-15-20150626-11065142

Hanic sẽ phát hành cổ phiếu để cấn trừ nợ, bổ sung vốn đầu tư bất động sản.

Sáng 26/6, Công ty CP đầu tư tổng hợp Hà Nội (Hanic, mã: SHN) đã họp ĐHCĐ thường niên năm 2015 bàn kế hoạch tăng vốn “khủng” từ 385,9 tỷ đồng lên mức 2.000 tỷ đồng. Hanic cũng sửa chỉ tiêu lãi sau thuế từ 70 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng.

Hơn 9h, ĐHCĐ của Công ty Hanic mới bắt đầu với sự tham gia của các cổ đông, người được ủy quyền đại diện cho 82,3% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Điểm đáng chú ý là, tại kỳ họp này, Hanic có sự tham gia của nhóm cổ đông ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch Tổng công ty Geleximco và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Bình (ABG). Do đó, Hanic được cổ đông kỳ vọng sẽ có sự “lột xác” ngoạn mục trong hoạt động kinh doanh, đầu tư bất động sản…

Trả nợ bằng cổ phiếu

Báo cáo về hoạt động kinh doanh, ông Lưu Quang Minh – Thành viên HĐQT cho hay, năm 2014, công ty gặp nhiều khó khăn, chật vật thu hồi công nợ với Công ty CP Beta BQP và ông Nguyễn Anh Quân mà chưa có kết quả.

Tính đến 31/12/2014, công ty đã phải trích lập dự phòng 100% khoản công nợ phải thu của Beta và ông Nguyễn Anh Quân. Việc vi phạm hợp đồng của Beta khiến công ty không thu hồi được công nợ, hoạt động kinh doanh thiếu vốn nên không thể tạo ra doanh thu đủ bù đắp chi phí.

Còn ông Nguyễn Anh Quân có cam kết dùng 51% cổ phần tại CTCP Bê tông Thép Ninh Bình để trả nợ cho Hanic và hiện đang tiến hành các thủ tục chuyển nhượng. Những khoản nợ khó đòi đã ảnh hưởng xấu đến kết quả kinh doanh của Hanic, với lợi nhuận năm 2014 sau kiểm toán bị lỗ tới 77,3 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kết đã lên tới 321,6 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ của Hanic (324,5 tỷ đồng).

Ngày 9/3/2015, Hanic đã nộp hồ sơ phát hành 7,5 triệu cổ phiếu riêng lẻ để cấn trừ công nợ là 61,3 tỷ đồng. Đến ngày 3/4/2015, công ty cũng làm việc với ngân hàng Lienvietpostbank để cấn trừ công nợ bằng cổ phiếu. Ngân hàng đã đồng ý cấn trừ nợ với số tiền 13,6 tỷ đồng, đổi lấy 1,36 triệu cổ phiếu SHN.

Theo tờ trình tại ĐHCĐ, Hanic đã điều chỉnh phương án phát hành cổ phiếu SHN để cấn trừ công nợ của công ty đợt 2 chỉ còn 4,6 triệu CP so với dự kiến là gần 5.5 triệu CP. Đồng thời, công ty cũng giảm được số chủ nợ từ 48 xuống còn 40 chủ nợ. Trong đó, chủ nợ lớn là Ngân hàng Eximbank – Chi nhánh Long Biên đã được bỏ ra khỏi phương án phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ lần này.

Ông Lưu Quang Minh cũng cho biết, do ảnh hưởng thu hồi nợ không như mong muố nên Hanic không có vốn để triển khai hoạt động kinh doanh, khiến doanh thu tạo ra không đủ bù đắp chi phí dẫn, lại phải trích lập dự phòng rất lớn… Do đó, kế hoạch kinh doanh năm 2014 đã không hoàn thành chỉ tiêu.

Nhận định năm 2015 vẫn còn khó khăn, Hanic chỉ đặt mục tiêu kinh doanh khiêm tốn với doanh thu đạt 851 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 70,2 tỷ đồng, cải thiện tình trạng thua lỗ.

Sau khi thảo luận, HĐQT đã trình sửa đổi tăng doanh thu 1.128 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế lên 350 tỷ đồng trong năm 2015.

“Lột xác” nhờ tăng vốn 2.000 tỷ đồng?

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu SHN liên tục tăng trần suốt 2 tháng qua, từ mức 3.600 đồng/CP lên mức 17.200 đồng/CP trong phiên sáng 26/6/2015.

Thời điểm này cũng là lúc xuất hiện của nhóm cổ đông liên quan đến ông Vũ Văn Tiền, Tổng công ty Geleximco và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Bình (ABG)...

Do đó, Hội đồng quản trị đã trình ĐHCĐ lần này kế hoạch tăng vốn “khủng” từ 385,9 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng, tức gấp 5,3 lần vốn cũ. Theo đó, Hanic sẽ tăng vốn thông qua 3 đợt phát hành hoán đổi cổ phần, cấn trừ công nợ và chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tổng khối lượng dự kiến phát hành là 165,9 triệu đơn vị, tương ứng tăng vốn thêm 1.659 tỷ đồng (mệnh giá phát hành 10.000 đồng/CP).

Trong đó, đáng chú ý nhất là Hanic sẽ phát hành tới 95 triệu cổ phần, tương ứng giá trị 950 tỷ đồng để hoán đổi 95% vốn điều lệ của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Bình (tỷ lệ 1:1). Hay, ABG và SHB sẽ sáp nhập vào nhau và thực chất, là thuộc về nhóm cổ đông liên quan đến ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch Geleximco. Sau khi tham gia sâu và nắm quyền kiểm soát, các cổ đông lớn này sẽ tiến hành tái cấu trúc, quản trị và phát triển Hanic.

Sau đó, Hanic sẽ chào bán cổ phiếu ra công chúng với khối lượng 69,1 triệu cổ phần, tương ứng giá trị 691 tỷ đồng. Số vốn huy động sẽ được dùng để đầu tư vào công ty con 600 tỷ, còn lại bổ sung vốn hoạt động.

Đại diện cho cổ đông chiến lược, ông Vũ Văn Hậu – Phó TGĐ Geleximco đề nghị Hanic tập trung khai thác thế mạnh của mình về lĩnh vực xuất khẩu lao động, tư vấn tài chính và đầu tư bất động sản…

“Với những lợi thế có sẵn, Geleximco sẽ hỗ trợ khai thác các tiềm năng ở lĩnh vực bất động sản và xuất khẩu lao động. Cụ thể, Gelexim sẽ tập trung hỗ trợ công ty phát triển các dự án dở dang, thiếu vốn…”- Ông Hậu nói, dẫn chứng một số dự án lớn mà Geleximco đang đầu tư, như Khu đô thị đường Lê Trọng Tấn và Thành phố giao lưu (Hà Nội) cùng một số dự án tiềm năng khác tại TP.HCM, Quảng Ninh, Cần Thơ…

Với cam kết hỗ trợ này, ông Hậu hi vọng Hanic sẽ thu về 350-400 tỷ đồng và năm 2016 sẽ có bước phát triển đột phá hơn nữa. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.