Chính trị

Hậu trường bức ảnh độc đáo về Bác Hồ với không quân

28/01/2017, 08:02

Hơn 50 năm đã qua, Đại tá Trần Duy Hợi không thể quên khoảnh khắc ghi lại hình ảnh Bác Hồ rạng rỡ...

1

Ngày 9/11/1964 Bác đến thăm đơn vị không quân Sao Đỏ tại sân bay Nội Bài - Ảnh: Trần Duy Hợi

Hơn 50 năm đã qua nhưng khoảnh khắc nhấc chiếc máy ảnh Exa cũ kỹ lên ghi lại hình ảnh Bác Hồ rạng rỡ giữa những chiến sĩ không quân Sao Đỏ vẫn còn sống động trong lòng cựu phóng viên Báo Phòng không - Không quân, Đại tá Trần Duy Hợi.

Chiếc máy ảnh Exa cũ kỹ và nhiệm vụ bất ngờ

Vừa loay hoay lần giở những tấm ảnh cũ và cả chiếc đồng hồ, vị Đại tá già năm nay đã bước sang tuổi 87 chầm chậm kể: Sáng 9/11/1964, khi tôi đang biên tập bài của một cộng tác viên thì Chính ủy quân chủng Phòng không - Không quân Đặng Tính gọi “có việc gấp, anh mang máy ảnh lên xe đi với tôi ngay”.

“Quân lệnh như sơn, dù chưa biết là việc gì nhưng tôi cũng xách vội chiếc máy ảnh Exa, lấy cuộn phim rồi tức tốc chạy ra xe. Chính ủy đã ngồi đợi sẵn trên xe và không nói gì. Đến khi đi tới cầu Long Biên, đồng chí Tính mới nói nhỏ: Chúng mình sang sân bay Đa Phúc. Trung đoàn phản lực tiêm kích đầu tiên của quân đội ta mới từ nước bạn trở về. Chiều nay Bác Hồ đến thăm, động viên bộ đội không quân, đặc biệt là chiến sỹ đoàn Sao Đỏ trước khi xuất kích. Anh cần viết tốt bài tường thuật cuộc đón tiếp Bác của bộ đội Không quân chúng ta, chụp một số ảnh đẹp về Bác để lưu trữ cho binh chủng”, vị Đại tá già nhớ lại.

“Nghe đồng chí Đặng Tính nói mà tôi không tin nổi vào tai mình, cảm giác vui đến khó tả. Không sung sướng sao được. Tôi sắp được gặp Bác. Là người chụp ảnh, chắc chắn tôi sẽ được đến gần Bác. Nhưng ngay sau sự sung sướng đó, cảm giác lo âu vụt đến. Tôi rất lo vì chiếc máy ảnh Exa cũ kỹ, hay hỏng hóc của tôi làm sao hoàn thành nhiệm vụ quan trọng mà Chính ủy quân chủng giao cho?”, Đại tá Trần Duy Hợi nói, giọng vẫn nguyên sự hồi hộp, hệt như cảm giác của mấy chục năm trước đó.

2
Khoảnh khắc chụp ảnh Bác mãi là kỷ niệm đẹp không bao giờ quên với cựu phóng viên Trần Duy Hợi

Tấm ảnh đoạt giải Nhất toàn quân

Đúng 13h hôm đó, một đoàn xe từ cuối đường băng chạy lại, dừng bánh trước hàng quân đã đứng xếp hàng ngay ngắn từ trước. Bác Hồ thong thả bước xuống. Cả đoàn quân lay động, tiếng hô “Bác Hồ muôn năm” vang một góc trời.

“Tôi còn nhớ, đồng chí Đặng Tính mời Bác và các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh thăm xưởng bảo dưỡng máy bay trước. Nói là xưởng nhưng thực chất, đây chỉ là căn nhà đơn sơ bằng tranh tre nứa lá. Tôi ngắm rất nhiều góc độ nhưng không chụp được chiếc nào vì trong nhà thiếu ánh sáng, máy ảnh lại không có đèn flash. Tôi thực sự lo lắng, mồ hôi bắt đầu toát ra. Nhiệm vụ rất quan trọng, nhỡ tôi không chụp được tấm ảnh nào, nhỡ ảnh không đẹp, tôi biết làm sao.

Sau này làm Trưởng đoàn chuyên gia Phòng không - Không quân - Hàng không tại Campuchia (1985-1988), Phó Cục trưởng Cục Vận chuyển hàng không rồi nghỉ hưu, nhưng lần gặp Bác, chụp ảnh Bác mãi là kỷ niệm đẹp không bao giờ quên với cựu phóng viên Trần Duy Hợi.

Bỗng lúc đó, đồng chí Đặng Tính lại gần Bác và nói: “Thưa Bác, bộ đội ở nước ngoài mới về mong được nhìn thấy Bác thật gần”. Bác gật đầu cười vui, bước đến gần các cán bộ, chiến sĩ. Tôi chạy lên phía trước, tự nhủ phải cố hết sức, cơ hội có một không hai đây rồi. Trời mùa Thu trong veo, nắng nhẹ. Bác đứng đó, rạng rỡ cười. Tôi vội hất ống kính lên trên, cố ghi lại hình ảnh này của Bác.

Đó là bức ảnh Bác rảo bước về phía các chiến sĩ bộ đội, tay phải cầm chiếc mũ giơ cao vẫy chào để đáp lại những tiếng hô vang của bộ đội. Phía sau Bác là đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh và Chính ủy Đặng Tính.

“Ngay tối hôm đó tôi vào buồng tối pha thuốc tráng  phim. Mặc dù đã tính toán thời gian rất cẩn thận song vẫn lo lắng. Gần 12h đêm, tôi nín thở lấy cuộn phim ra. Không tin vào mắt mình. Phim đẹp. Vượt quá mong đợi của người cầm máy ảnh vẫn còn nghiệp dư như tôi. Đợi phim khô, tôi lại cặm cụi phóng một số ảnh mà lòng ngập tràn vui sướng, chỉ mong đến sáng để mang khoe Chính ủy”, Đại tá nói và tiếp lời: Tôi còn nhớ sáng hôm sau, khi Chính ủy Đặng Tính nhìn thấy tấm ảnh, nét mặt anh không giấu được sự sung sướng. Anh ôm chặt lấy tôi: “Ảnh quá đẹp. Hình Bác cao lồng lộng, nét mặt đôn hậu, vui tươi gần gũi”, chính ủy vừa nói vừa rút chiếc bút máy Paker đang gài ở túi ra tặng tôi.

Bức ảnh sau đó được giải Nhất cuộc thi Ảnh nghệ thuật quân đội (1945 - 1970) nhiều báo, tạp chí đăng lại, năm 1999 nó được phóng to trên diện tích 20m2 treo tại Bảo tàng Phòng không - Không quân 176 đường Trường Chinh, Hà Nội. Lần gặp Bác, chụp ảnh Bác mãi là kỷ niệm đẹp, khoảng khắc đẹp nhất đời mà tôi không bao giờ quên”, Đại tá Trần Duy Hợi xúc động chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.