Chuyện dọc đường

Hãy lấy xếp hạng thấp làm động lực cải cách

05/11/2018, 08:00

Theo ông Thắng, “thủ tục hành chính sẽ quyết định giàu nghèo cho mỗi quốc gia”...

nang luc canh tranh

Xếp hạng của Việt Nam về các chỉ số môi trường kinh doanh - Nguồn: WB

Doanh nhân Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường (Hải Phòng) vừa có tâm thư gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một số cơ quan trực thuộc Chính phủ… bày tỏ mong muốn cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa.

Theo ông Thắng, “thủ tục hành chính sẽ quyết định giàu nghèo cho mỗi quốc gia”. Ông cũng trích lời một doanh nhân Hong Kong cho rằng: “Ở Việt Nam, nếu thủ tục hành chính mà như Hong Kong thì sẽ giàu hơn Hong Kong và ngược lại ở Hong Kong mà thủ tục hành chính như Việt Nam thì sẽ nghèo hơn Việt Nam!”.

Thay cho nhận xét cụ thể về câu chuyện thủ tục hành chính tại Việt Nam, doanh nhân Tạ Quyết Thắng chia sẻ 10 sự việc mà doanh nghiệp đã trải qua, liên quan đến quy trình, thủ tục từ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng, cấp phép khai thác mỏ… Theo lời ông Thắng, doanh nghiệp không chỉ mất chi phí, cơ hội do thời gian chờ đợi quá dài mà còn do sự thay đổi chính sách bất ngờ, khó đoán!

Đi vào cụ thể từng sự việc của Công ty Sơn Trường, có thể vướng mắc cũng có phần xuất phát từ chính doanh nghiệp, song thực trạng thủ tục hành chính còn quá cồng kềnh, trở thành rào cản cho môi trường kinh doanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân không hề cá biệt.

Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến kết quả: Cả Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều “đánh tụt” vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng. Mới nhất, xếp hạng Môi trường kinh doanh năm 2018 của WB, Việt Nam lùi từ vị trí 68 về 69, trong đó chỉ số nộp thuế đứng thứ 131, tụt đến 45 bậc so với năm ngoái.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, từng dành thời gian khảo sát tại nhiều doanh nghiệp và nhận được phản ánh: Chính phủ yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng nhiều bộ và địa phương “nỗ lực” tìm cách trì néo hay giữ những điều kiện kinh doanh mà Chính phủ yêu cầu bãi bỏ. “Họ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ nhưng vẫn là ở tầm cao. Còn xuống dưới địa phương thì rơi rớt nhiều”, bà Lan nhận xét.

Năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng bà Phạm Chi Lan cho rằng “không được bao nhiêu”. Từ chi phí kinh doanh, chi phí vốn, chi phí đầu vào đến chi phí hạ tầng, chi phí thuế... còn rất cao. Riêng chi phí về thuế còn “đang bị đe dọa tăng tiếp với sửa đổi mấy luật thuế hiện nay”.

Mặc dù ngành thuế giải thích một số cải cách trong lĩnh vực này chưa được WB cập nhật, do vậy bước lùi về chỉ số thuế theo công bố của WB chưa chính xác! Song dù như thế nào thì ngành Thuế vẫn phải nghiêm túc đánh giá lại, coi kết quả điều tra của WB là một áp lực để cải cách mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả hơn nữa, từ Trung ương đến địa phương. Có như vậy, doanh nghiệp, người dân mới bớt thời gian, chi phí cho việc nộp thuế.

Các lĩnh vực khác liên quan đến môi trường kinh doanh cũng cần được nhìn nhận dưới tinh thần như vậy. Khi phải nhận về thứ hạng thấp, hay những đánh giá thiếu tích cực, người đứng đầu lĩnh vực cần coi đó là áp lực, thậm chí động lực để thay đổi trong định hướng, chỉ đạo, điều hành, triển khai, giám sát, xử lý… Thực tế cho thấy, một số xếp hạng trong nước như Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), hay năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)… công bố hàng năm đều mang lại những giá trị tích cực khi được nhìn nhận theo góc độ đó. Nhiều địa phương, hay bộ, ngành sau khi bị “đội sổ” trong bảng xếp hạng đã tìm mọi cách cải thiện. Kết quả, không chỉ các bộ, ngành, địa phương này “lội ngược dòng” trong bảng xếp hạng, mà quan trọng hơn, đã mang lại thay đổi thực sự trong quản lý, điều hành, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, từ đó thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.