Quốc tế

Hệ lụy của việc “vắt chanh bỏ vỏ”

30/06/2015, 13:10

Như vậy, Real sẽ buộc phải nâng lương nếu muốn trói chân Ramos trước lời mời gọi hấp dẫn từ xứ sương mù.

 

Sergio Ramos
Sergio Ramos.

Cuối tuần trước, người hâm mộ Real tỏ ra phẫn nộ khi có thông tin cho rằng, hậu vệ Sergio Ramos đang cố tình lợi dụng việc M.U theo đuổi để ra “yêu sách” với Real. Cụ thể, cựu cầu thủ Sevilla đòi hưởng mức lương 10 triệu euro sau thuế (tức chỉ dưới Ronaldo tại Bernabeu).

Với một hậu vệ, mức lương trên được cho là hơi cao nhưng nếu nhìn vào những đóng góp của Ramos cho Real suốt những năm qua, không phải anh không xứng đáng nhận mức đãi ngộ này. Vấn đề là ở chỗ Ramos đưa ra yêu cầu tăng lương đúng thời điểm M.U ráo riết hỏi mua anh trong khi Real không hề muốn để hậu vệ số 1 của mình ra đi.

Như vậy, Real sẽ buộc phải nâng lương nếu muốn trói chân Ramos trước lời mời gọi hấp dẫn từ xứ sương mù. Cựu trung vệ M.U Rio Ferdinand chỉ trích Ramos vì đã lợi dụng M.U để phục vụ lợi ích của bản thân. CĐV Real nhiều người cũng đang lên án Ramos vì họ cho rằng cầu thủ này hám tiền. Thế nhưng, suy cho cùng đó là điều tất yếu của bóng đá. Một cầu thủ không khác nhiều so với một công nhân. Họ có quyền đòi hỏi quyền lợi cũng như lựa chọn nơi làm việc có sự đãi ngộ cao hơn để cống hiến.

Ở một khía cạnh khác, các đội bóng cũng nên tự trách mình bởi thói quen “vắt chanh bỏ vỏ” trong việc sử dụng nhân tài. Khi cần, họ có thể dùng mọi cách trói chân cầu thủ nhưng khi cầu thủ bắt đầu có dấu hiệu xuống dốc họ sẽ dùng đủ thủ đoạn để đẩy đi. Rio Ferdinand là nạn nhân của chính sách này khi M.U nhất định không gia hạn hợp đồng dù đã đóng góp rất nhiều cho đội chủ sân Old Trafford. Lampard của Chelsea hay Steven Gerrard của Liverpool cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ngay như tại Real, Di Maria đã phải cay đắng ra đi để nhường chỗ cho những ngôi sao mới dù anh vẫn đang ở đỉnh cao phong độ.

Có thể nói, bóng đá đương đại mọi việc đều có thể xảy ra và CLB có thể bán bất cứ cầu thủ nào nếu cảm thấy có lợi ích kinh tế. Chính bởi vậy, các CLB cũng không nên yêu cầu lòng trung thành tuyệt đối từ cầu thủ. Cầu thủ cũng cần chuẩn bị cho mình những lối thoát để khi bị gạt bỏ họ vẫn có thể sống tốt. Từ đó mới thấy những trường hợp như Totti ở AS Roma rõ ràng là của hiếm trong giai đoạn bóng đá sặc mùi kim tiền. Bóng đá cũng như tình yêu, cần sự nỗ lực, hợp tác từ hai phía và nếu một bên luôn tiềm ẩn sự nghi ngờ, lật lọng thì sẽ rất khó có sự lâu bền.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.